DMagazine

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ

(Dân trí) - 35 năm làm nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đã thực hiện rất nhiều ca mổ cho các bệnh nhi bị hở môi vòm. Hàng chục nghìn ca mổ miễn phí đã giúp không ít trẻ em được bước sang trang đời mới.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ

(Dân trí) - 35 năm làm nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đã thực hiện rất nhiều ca mổ cho các bệnh nhi bị hở môi vòm. Cả chục nghìn ca mổ miễn phí đã giúp không ít trẻ có cuộc đời mới. 

6h30, Khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM chỉ lác đác vài bệnh nhân ngồi chờ. Vừa thấy bóng dáng bác sĩ Đẩu, người phụ nữ đang bế đứa trẻ chừng 2 - 3 tuổi reo lên: "Bác sĩ Đẩu, bác tới rồi ạ? Gặp bác con mừng quá". 

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 1

10.000 ca mổ là 10.000 lần thở phào hạnh phúc

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu hiện là Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt và Phẫu thuật - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Thấy bệnh nhân, bác sĩ mỉm cười, khoát tay ra hiệu mọi người chuẩn bị vào khám bệnh. 35 năm, tiến sĩ Nguyễn Văn Đẩu giữ nguyên tác phong làm việc, có mặt tại bệnh viện từ sáng sớm. Ông nói, bản thân đã quen dậy sớm, phải đến bệnh viện mới tận hưởng được "nếp sống" thường ngày. Dù ở bệnh viện luôn đậm mùi hóa chất hay thường trực những ồn ào, lo toan, ông cũng thấy thân thương.

Sáng một ngày cuối tuần, ông dự tính sẽ tiếp hơn 100 bệnh nhi có dị tật hở môi vòm.

Đồng hồ điểm 7h, bệnh nhân đầu tiên trong ngày vào phòng khám là một bé trai hơn 18 tháng, nặng chừng 8kg. Qua thăm khám, bác sĩ Đẩu đã nắm được tình hình của bé. Thấy bé khóc khi tiếp cận đến vùng miệng, bác sĩ tinh ý ra hiệu muốn bế em, vừa dỗ dành, vừa xem xét vùng miệng cần phẫu thuật.

"Chờ bé trên 10kg rồi mổ nhé. Cứ theo lộ trình mà bác đã bàn với gia đình, ca này ở mức trung bình, sẽ cứu được thôi", bác sĩ Đẩu nói.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 2
Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 3

Nghe vậy, chị Đ.T.M.L. (ngụ tại tỉnh Đồng Nai) rơm rớm nước mắt, rối rít cảm ơn bác sĩ. Chị L. kể, vợ chồng chị phát hiện con bị hở môi vòm trong quá trình theo dõi thai kỳ. Đến khi con được 4 tháng, những dấu hiệu bệnh mới rõ rệt, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để chữa trị.

Kể từ khi con bị bệnh, chị phải ở nhà chăm bé. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đè nặng lên đôi vai người chồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía bệnh viện, sự động viên từ bác sĩ Đẩu, có lẽ vợ chồng chị đã bỏ cuộc từ lâu.

"Thời điểm đó, cứ nhìn con vợ chồng tôi lại khóc. Nghĩ là con sinh ra không được như những đứa trẻ khác, vợ chồng tôi cũng giấu nhẹm chuyện này với nội ngoại hai bên cho đến giờ. Được nhiều người chỉ đến gặp bác sĩ Đẩu, quả thật nghe bác nói xong, tôi càng hiểu hơn về bệnh của con và thêm niềm tin con sẽ khỏi hẳn", chị L. bộc bạch.

Vừa dứt lời với chị L, một bà mẹ, hai ông bố khác lại bế con bước vào gặp bác sĩ. Bác sĩ Đẩu nói vội lời chào mẹ con chị L., chuyển sang ca bệnh mới.

Hơn 16h30, bác sĩ Đẩu tan ca. Thỉnh thoảng có một số bệnh nhân đến muộn, ông vẫn nán lại đôi chút để nói chuyện. Vị bác sĩ đùa rằng, hiện tại là lúc ông "thảnh thơi" nhất, vì còn có thời gian về nhà soạn giáo án dạy nghề hay thư giãn mỗi tối.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 4
Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 5

"Trước đây tôi tan ca rất muộn hoặc có về đúng giờ thì cũng đã dành cả ngày mổ liên tục nhiều ca bệnh phức tạp. Khoảng 25 năm trước, tôi có thói quen cạo râu vào mỗi buổi sáng, nhưng đến chiều râu đã mọc lại như cũ vì tôi phải mổ cho bệnh nhi từ 8h đến 15h. Bữa sáng, bữa trưa chỉ uống một hộp sữa vì không đủ thời gian mà dừng tay ăn trưa", bác sĩ Đẩu tâm sự.

Trong ngành y tại TPHCM, hiếm có người không biết đến bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu.

Ông quê ở xã Hòa Châu, (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM, ông gắn bó với Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ năm 1988 đến nay. Từ năm 1989, ông cùng các cộng sự tại bệnh viện bắt đầu những cuộc phẫu thuật đầu tiên cho trẻ khuyết tật hở môi vòm.

Từ những thành công ban đầu, bác sĩ cùng đội ngũ tiếp tục triển khai thêm nhiều ca phẫu thuật tương tự, ngày càng nâng độ phức tạp lên. Tiếng lành đồn xa, cứ nghe đến bệnh hở môi vòm, người bệnh lại mách nhau "đưa đến bác sĩ Đẩu xem". Cho đến khi mọi việc đi vào quỹ đạo ổn định, bác sĩ Đẩu tiếp tục đến các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố khác để đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật khám chữa, xử lý dạng bệnh này cho các y bác sĩ.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 6
Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 7

Đến năm 2013, bác sĩ Đẩu đứng ra làm cầu nối giữa tổ chức phi chính phủ Smile Train (Hoa Kỳ) với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Từ đó, tổ chức này nhận tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, ăn uống, đi lại cho bệnh nhân và người nhà. Bản thân bác sĩ Đẩu cũng trực tiếp thực hiện vô số cuộc phẫu thuật miễn phí tại đây.

Đến tháng 8/2022, Smile Train tiếp tục hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1 mở Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm đầu tiên tại TPHCM để phát triển thành mô hình mẫu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực này. Ngoài ra, trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu và đào tạo các bác sĩ ở khu vực phía Nam và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Không những vậy, nhờ sự đồng hành của tổ chức, tập thể đội ngũ Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói chung, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu nói riêng đã thực hiện thành công hơn 1.000 ca/năm. Tổng cộng, hơn 10.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ hở môi vòm đã được thực hiện trong 10 năm qua.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 8
Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 9

Trong buổi trao giải Thành tựu Y khoa Việt Nam ngày 23/2 vừa qua, bác sĩ Đẩu được giới thiệu là "ngôi sao sáng". 35 năm từ ngày vào nghề, những tâm huyết cả đời bác sĩ Đẩu cũng đã dành hết cho các bệnh nhân, cho ngành y tế.

Bước sang tuổi 60, cái tuổi đáng ra đã được nghỉ hưu, ông vẫn chọn bước tiếp. Khi được hỏi mong ước lớn nhất cuộc đời, bác sĩ Đẩu muốn xã hội sẽ hiểu đúng về chứng bệnh này, rồi cùng đồng hành với bệnh nhi, gia đình và đội ngũ y tế. Đó không phải trách nhiệm của riêng ngành y tế mà của cả xã hội. Ngoài ra, ông mong số trẻ mắc dị tật này ngày càng giảm đi, đội ngũ y tế ngày càng lớn mạnh để vượt xa con số 10.000 ca bệnh được điều trị.

"Hơn 10.000 ca mổ thành công là hơn 10.000 lần tôi được cảm nhận niềm hạnh phúc thực sự. Tôi may mắn khi còn được làm nghề, được đào tạo thêm nhiều thế hệ bác sĩ trẻ, nhận được sự quý trọng từ đồng nghiệp, những giá trị tinh thần mà nghề đem lại. Tôi cảm thấy đã nhận đủ rồi", bác sĩ cười xòa khi nói về mong ước của cá nhân.

Trong số các bệnh nhi, bác sĩ Đẩu sực nhớ ra câu chuyện mà ông ấn tượng nhất. Ông từng phẫu thuật cho một bé gái nhiều năm về trước. Đến khi lớn lên, lấy chồng nước ngoài, cô gái vẫn nhớ bác sĩ Đẩu và mời ông đến dự đám cưới.

Ngày diễn ra lễ cưới, cô gái thấy bác sĩ đã vội chạy tới kéo tay ông đến bàn của đấng sinh thành. Dõng dạc, cô gái tuyên bố với ba mẹ chồng: "Ba mẹ thấy không, hôm nay con là cô gái xinh đẹp, nhưng nhiều năm về trước thì không. Con từng là một đứa trẻ sứt môi, nhưng nhờ bác sĩ Đẩu, giờ con có thể đứng đây mời ba mẹ chén rượu nhận con trong ngày cưới".

Tiệc cưới hôm đó trọn vẹn hạnh phúc với những người tham dự. Từ những khoảnh khắc đó, bác sĩ Đẩu càng có thêm niềm tin, bản thân mình đang làm đúng và sẽ tiếp tục làm đúng.

Ánh sáng với những trẻ thiếu may mắn

Hạnh phúc khi thấy các bé bước sang trang đời mới sau phẫu thuật nhưng bác sĩ Đẩu vẫn chạnh lòng khi nghĩ đến những trường hợp nuối tiếc, xuất phát từ những quan niệm cổ hủ.

"Người đời thường gieo tiếng ác cho những gia đình có con bị dị tật bẩm sinh. Định kiến đó dễ tạo bức tường vô hình ngăn cản nhiều ông bố bà mẹ trên con đường mang lại ánh sáng, nụ cười cho con. Kể cả nhân viên y tế cũng không thể cứ siêu âm, thấy thai nhi bị dị tật là bắt phá bỏ. Phải thật sự hiểu về bệnh và đưa ra lời khuyên chữa trị đúng nhất cho mỗi gia đình", bác sĩ Đẩu khẳng định.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 10

Hơn 35 năm làm nghề, có nhiều trường hợp khiến bác sĩ phải sững người. Ông kể, trước đây, một gia đình có địa vị cao, đón nhận cháu nội đầu tiên mà bị sứt môi hở vòm. Để giấu giếm, gia đình đã xây một phòng riêng ở tầng cao nhất trong nhà để không ai nhìn thấy cháu bé.

Sau nhiều ngày tháng vật lộn, chữa trị, cháu bé đã có thể sống như một đứa trẻ bình thường. Đến khi người con dâu mang thai lần thứ hai, gia đình phát hiện thai nhi cũng lại mắc dị tật bẩm sinh giống như anh bé.

"Tôi nhớ đợt đó là trước Tết Nguyên đán, cả gia đình còn đến chúc Tết, cùng tôi bàn kế hoạch sẽ chữa trị cho bé thứ hai như thế nào. Mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ, vì bé đầu tiên đã được phẫu thuật thành công. Nhưng nào ngờ…".

Nói đến đây, bác sĩ Đẩu nghẹn ngào. Sau dịp Tết Nguyên đán năm ấy, ông có đến nhà gia đình này chơi do cùng quê Đà Nẵng. Hỏi về cái thai trong bụng người con dâu, bác sĩ Đẩu buông chén trà khi hay tin vợ chồng thai phụ đã hủy thai vì không chịu nổi áp lực lần thứ hai.

"Áp lực dư luận quá lớn, khiến người ta có thể loại bỏ sinh linh trong bụng người phụ nữ, trong khi biết rõ có thể cứu đứa bé, cho bé một cuộc sống bình thường. Bằng chứng là, hơn 10.000 ca phẫu thuật thành công với các bệnh nhi, đã có hàng nghìn cuộc đời bước sang trang mới", bác sĩ Đẩu nghẹn giọng.

Đó là một trong những kỷ niệm buồn, những điều nuối tiếc nhất trong cuộc đời cầm dao mổ của vị bác sĩ già. Thế nhưng, cạnh đó ông vẫn thấy những mảnh đời tươi sáng hơn.

Do công việc tiếp xúc với trẻ nhỏ nên ông có sở thích xem các chương trình tài năng "nhí". Trong một lần xem trên truyền hình, bác sĩ bị thu hút bởi những bước chân uyển chuyển, gương mặt đầy biểu cảm của cô người mẫu nhỏ tuổi. Thoạt nhìn, bác thấy gương mặt của bé rất quen.

Chưa đầy 5 phút sau, ông sực nhớ đó là cô bé mà chính tay ông phẫu thuật hơn 3 năm trước.

Nỗi day dứt của người từng vá hơn 10.000 nụ cười con trẻ - 11

Theo chị Vy - mẹ của bé, khi phát hiện con bị khiếm khuyết sứt môi, hở hàm trong quá trình mang thai, chị từng thấy sụp đổ, cho đến khi gặp bác sĩ Đẩu.

"Bác sĩ đã kiên nhẫn phân tích để tôi yên tâm dưỡng thai. Khi con tôi chào đời, bác sĩ Đẩu lại tiếp tục tìm cách chỉnh sửa, điều trị cho bé. Lúc đầu tôi không dám tin con gái mình có nụ cười đẹp đến như vậy. Thật tình gia đình tôi rất biết ơn bác sĩ đã tận tâm điều trị cho bé như người thân trong gia đình", chị Vy nói.

"Dù bác sĩ có giỏi mấy, phẫu thuật xong, các con cũng ít nhiều mang vết sẹo cuộc đời. Với trẻ bị dị tật bẩm sinh, để ý sẽ thấy đôi mắt của các con thường rất đẹp, nhiều cháu có tài năng nghệ thuật, dáng người hoàn hảo… Quả là tạo hóa tài tình, quyết định mọi thứ nhưng cũng không lấy đi của ai hết tất cả", vị bác sĩ chiêm nghiệm.

Nội dung: Nguyễn Vy

Ảnh: Quang Ninh, nhân vật cung cấp