Người tham gia tự nguyện hưởng lợi từ Luật BHXH mới
(Dân trí) - Năm 2025, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được hưởng nhiều quyền lợi từ chính sách mới của Luật BHXH năm 2024.
Quyền lợi trước ngày 1/7
Trong giai đoạn trước ngày 1/7, các quy định về BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo Luật BHXH năm 2014.
Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động như đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
Cách tính mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện cũng tương tự như tham gia BHXH bắt buộc. Lao động nữ có 15 năm đóng BHXH và lao động nam có 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu bằng 45% bình quân thu nhập đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm 1 năm đóng BHXH thì cộng thêm 2%, mức hưởng tối đa là 75%.
Thời điểm tính lương hưu hay khi hưởng BHXH một lần, mức thu nhập đóng BHXH cũng được nhân thêm hệ số trượt giá theo quy định hằng năm.
Người hưởng lương hưu cũng được điều chỉnh mức hưởng lương hưu theo quyết định của Chính phủ.
Khi hưởng chế độ hưu trí thì người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh.
Khi qua đời, người lao động được hưởng hai chế độ tử tuất là trợ cấp mai táng (mức trợ cấp mà người lo mai táng được nhận bằng 10 lần mức lương cơ sở) và trợ cấp tuất một lần, không có chế độ trợ cấp tuất hằng tháng như người tham gia BHXH bắt buộc.
Người tham gia BHXH tự nguyện có một quyền lợi vượt trội hơn người tham gia BHXH bắt buộc là được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng. Mức hỗ trợ tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Thêm quyền lợi từ 1/7
Từ ngày 1/7 trở đi, các quy định về BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo Luật BHXH năm 2024.
Theo quy định mới, ngoài hai chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm một chế độ là trợ cấp thai sản.
Trợ cấp thai sản được quy định từ Điều 94 đến Điều 97 Luật BHXH năm 2024 là chế độ hoàn toàn mới của BHXH tự nguyện.
Theo Điều 94 Luật BHXH năm 2024, người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng trợ cấp thai sản.
Điều 95 Luật BHXH năm 2024 quy định chi tiết về trợ cấp thai sản. Theo đó, mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Trong trường hợp thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì mức trợ cấp trên được tính cho mỗi thai.
Ngoài trợ cấp trên, lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Điều đặc biệt là trợ cấp này do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm chi phí.
Mức trợ cấp sẽ được Chính phủ điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và khả năng của ngân sách từng thời kỳ.
Quyền lợi thứ hai mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng sau ngày 1/7 là thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định chi tiết một số điều của Luật BHXH, trong đó có nội dung hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Một trong hai phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể là: Hỗ trợ 50% mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc dân tộc thiểu số được hỗ trợ 30%, các đối tượng khác được hỗ trợ 20%.