1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người đi xuất khẩu lao động nên đề cao cảnh giác

(Dân trí) - Hầu hết những người muốn sang nước ngoài lao động đều xuất thân ở các vùng quê nghèo, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, lại nôn nóng được đi sớm nên rất dễ bị lừa. Người lao động dù phải nộp một khoản tiền lớn nhưng rất ít khi tìm hiểu kỹ xem mình đang nộp tiền cho ai.

Đó là ý kiến của bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, về việc hàng chục doanh nghiệp lừa đảo người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị bắt giữ và xử lý trong thời gian qua.

 

Bà Phương cho biết, ở Hà Nội hiện có 61 doanh nghiệp và cả nước có trên 100 doanh nghiệp có chức năng đưa người đi XKLĐ sang nước ngoài, tất cả đều đã được Cục quản lý lao động ngoài nước cấp phép và thông tin hết sức minh bạch.

 

“Theo tôi trước hết phải nói đến lợi nhuận về kinh tế mà các doanh nghiệp lừa đảo được, con số có thể là hàng trăm triệu thậm chí cả chục tỉ. Những doanh nghiệp này thường hoạt động không theo con đường chính tắc mà họ thường đưa các cò mồi về các vùng quê để rỉ rả vào tai người này người khác, vẽ ra những viễn cảnh nơi sứ người. Hiện nay các nhà quản lý chưa vươn tay đến được những nơi này”, bà Phương nói.

 

Hiện ở Hà Nội mới chỉ có 8 đơn vị được cấp phép trong tổng số 677 trung tâm, số còn lại là không phép. Con số này khiến nhà quản lý đau đầu, tuy nhiên lại khó có cách kiểm soát bởi các trung tâm này thường đăng ký nhiều ngành nghề hoạt động khác nhau, chức năng giới thiệu việc làm chỉ là một “gạch đầu dòng” trong số đó.

 

Sắp tới sở sẽ tiến hành kiểm tra liên ngành đối với các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, lập biên bản đình chỉ và xử phạt hành chính.

 

Tuy nhiên, bà Phương cũng cảnh báo người lao động nên đề cao cảnh giác, cập nhật kiến thức xã hội, nâng cao nhận thức để tránh bị lừa.

 

Tuấn Hợp