(Dân trí) - Giữa cảnh ồn ào, náo nhiệt của thành phố Vinh, Nghệ An, vẫn còn đó hình ảnh người đàn ông kéo xe ba gác. Ông Nguyễn Đình Nhuần gần 70 tuổi, đã gắn bó với cái nghề này qua 2 thế kỷ.
Ông Nguyễn Đình Nhuần, trú ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An hiện là người hiếm hoi làm nghề kéo xe ba gác ở thành phố Vinh. Chiếc xe ông sở hữu cũng thuộc diện đồ cổ, được ông xem như "báu vật".
Thành phố Vinh hiện tại, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố luôn nhộn nhịp, hối hả. Trong nhịp sống ấy, dòng người qua lại ngã tư Ga Vinh như quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông đã gần 70 tuổi, gầy gò, nhỏ thó, khắc khổ hàng ngày túc trực trên vỉa hè chờ khách thuê chở hàng. Ông Nhuần như một chứng nhân còn lại từ những năm bao cấp, thời mà xe ba gác phổ biến trên các phố phường thành Vinh.
Ông Nhuần được nhiều người ở thành phố Vinh gọi với cái tên thân mật là "người vận chuyển" bởi ông chở hàng đi hầu khắp các phố phường ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... Ông cũng không nhớ chính xác bản thân vào nghề từ lúc nào và đã có bao nhiêu năm gắn bó với chiếc xe ba gác. Chỉ biết rằng, nhờ có chiếc xe mà ông kiếm cái ăn hàng ngày, nuôi vợ con, vượt qua bao đận khốn khó.
"Tôi chỉ nhớ đã làm cái nghề kéo xe ba gác để kiếm sống từ hồi thành phố có cửa hàng lương thực những năm bao cấp. Đã có không biết bao nhiêu chuyến hàng kéo từ thành phố Vinh xuống thị xã Cửa Lò, hay lên huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên. Ngày xưa chưa có ô tô, xe máy, tôi được mướn kéo hàng nhiều. Giờ việc ít hơn, bình quân mỗi ngày chỉ kiếm khoảng 100.000 đồng, nhưng có ngày không được chuyến nào", ông Nhuần kể.
Chiếc xe ba gác "cần câu cơm" đã gắn bó với ông cả nửa thế kỷ qua trông rất thô sơ, nhìn qua như một chiếc xe bò, chỉ khác là bánh được làm bằng sắt, có thêm hệ thống nhíp để giảm sóc, trợ lực, phần càng và thùng phía sau được bố trí cân đối để giảm trọng lượng hàng trên xe, giúp di chuyển dễ dàng hơn. Đến giờ, khi người vợ đã rời bỏ ông qua thế giới bên kia, chiếc xe vẫn gắn bó với ông.
Những ngày này, trời chuyển rét đậm, những cơn gió lạnh rít lên liên hồi. Trên vỉa hè đường Nguyễn Sỹ Sách, người đàn ông làm nghề kéo xe ba gác vẫn đứng đó, chờ đợi người thuê chuyển hàng đến gọi.
Ông Nhuần nhớ lại thời điểm hành nghề giai đoạn thị xã Vinh có tên tướng cướp với biệt danh Toọng. Đó là những năm giữa thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thị xã Vinh đang cố gắng gượng dậy sau những hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trên những chuyến tàu từ Nam ra Bắc, đám du thủ, du thực trà trộn, trong đó có Trương Hiền - tức Toọng, là đối tượng hình sự, bị kết án về tội cướp, trộm cắp tài sản và giết người.
Ngày đó, Trương Hiền chọn thị xã Vinh làm nơi dừng chân, bởi lẽ đây là nơi trung chuyển hàng hóa Bắc - Nam và cả sang Lào, là điểm tạm dừng chân của khách buôn. Tất nhiên hành lý của họ ít khi trống không.
"Tôi được biết tướng cướp Toọng quê ở tỉnh Quảng Trị dạt về thị xã Vinh ẩn náu và hoạt động từ những năm sau giải phóng miền Nam. Tại đây hắn đã quy tụ đám đàn em hành nghề trộm cắp, cướp bóc những hành khách trên các chuyến tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đặc biệt, tại khu vực Ga Vinh, nhóm này hoạt động khá liều lĩnh, dưới sự chỉ đạo của Toọng, toán cướp gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp thị xã, nhất là những nơi buôn bán sầm uất như chợ Vinh, chợ Ga Vinh và đặc biệt là trên tuyến xe lửa Vinh - Hà Nội trong suốt những năm 1977-1979", ông Nhuần nhớ lại.
Đang kể dở câu chuyện về Toọng, ông Nhuần được một người đàn ông đi trên chiếc xe con sáng bóng tới nhờ chở chuyến hàng đi xã Nghi Ân, thành phố Vinh. Gương đen sạm mặt của ông Nhuần tươi tỉnh hẳn. "Anh cần chở hàng gì và đi đâu?" - ông Nhuần hỏi. Người đàn ông đáp: "Tôi cần chở bảng quảng cáo, đi khoảng 10km". Sau phút đắn đo, ông Nhuần nhận lời.
Rồi ông bắt đầu khom lưng kéo chiếc xe ba gác đi theo người đàn ông chạy xế hộp. Ông Nhuần gò người lấy sức kéo xe đi. Cứ thế, đôi tay gân guốc, chai sạn nắm chặt hai càng chiếc xe ba gác, luồn lách trên con đường nhộn nhịp người và phương tiện qua lại.
Ngót nghét đã 50 năm gắn bó với những chuyến hàng ngược xuôi cùng chiếc xe ba gác. Hằng ngày, không kể trời mưa, nắng, lạnh giá… đều đặn từ 6h sáng, ông Nhuần lầm lũi kéo xe ra khỏi nhà. Công việc mà ông Nhuần làm hiện nay chủ yếu là kéo bảng quảng cáo, chở giường chiếu, hoặc khung sắt hộp…
"6h sáng tôi bắt đầu công việc của mình là kéo xe ra đi làm. Khoảng 10h tôi về nhà lo bữa trưa. Buổi chiều, công việc lại tiếp tục lúc 13h, kết thúc khoảng 15h. Hôm nhận được món hàng đi xa thì tùy thuộc vào quãng đường", ông Nhuần kể về lịch trình mưu sinh mỗi ngày.
Ông bảo, có những chuyến kéo hàng xa hàng chục ki-lô-mét. "Có những hôm tôi kéo biển quảng cáo đi từ thành phố Vinh xuống thị xã Cửa Lò giữa trời nắng nóng. Quá mệt mỏi, tôi phải nghỉ dọc đường 4-5 lần. Khi quay về, cảm giác đoạn đường còn dài gấp cả chục lần nhưng vẫn phải cố gắng. Biết làm sao cả, cuộc sống mưu sinh, phải chấp nhận thôi", ông Nhuần chia sẻ.
Trong dòng người ngược xuôi nơi đô thị Vinh, còn rất ít người mưu sinh bằng nghề kéo xe ba gác như ông. Cái nghề chủ yếu di chuyển trên đường nên không tránh khỏi những va vấp, tai nạn trực chờ.
Ông Nhuần nhớ lại, khoảng 5 năm trước, trong một lần kéo hàng đi thị trấn Hưng Nguyên, trên đường đi, một người đàn ông đi xe máy tông vào chiếc xe ba gác rồi ngã ra đường, rất may không thương tích nặng.
"Có những chuyến kéo hàng gặp tai nạn, tôi phải nghỉ làm vài tuần. Có lần chở hàng đi giao cho khách, bị một người đàn ông đi xe máy đâm vào, hàng hư hỏng, lúc đó tôi chỉ lo sợ bị bắt đền. May mắn sau đó, người chủ thương tình bỏ qua", ông Nhuần ngậm ngùi.
Dáng người nhỏ thó, gương mặtgià nua mà công việc vất vả song ông Nhuần vẫn nhẫn nại, cần mẫn. Ông nói: "Thu nhập hàng ngày cũng chỉ trăm hơn trăm kém nhưng còn sức thì tôi còn đi làm, được đồng nào hay đồng ấy". Mong ước của ông là tích cóp được chút tiền để lợp lại mái ngói căn nhà đã dột nát từ lâu.
"Có những hôm tôi kéo 4-5 tạ hàng đủ loại, từ gỗ, gạch, ngói, bảng quảng cáo, đến… quan tài, miễn sao có thu nhập. Mỗi ngày tôi thường kiếm được 50.000-80.000 đồng, có hôm thì được 100.000-200.000 đồng, cũng có hôm không được đồng nào đành kéo xe về không. Bây giờ ít người thuê lắm vì mình kéo bộ, chậm mà phần lớn yêu cầu giao hàng giờ đều cần nhanh. Nhưng kéo bằng xe ba gác thì hàng hóa an toàn hơn, ít bị đổ vỡ, hư hỏng", ông Nhuần chia sẻ.
Một trong những kỷ niệm khi làm nghề là dịp hè 2008, trời nắng như "đổ lửa", sau khi trả 2 chuyến hàng trong thành phố, ông nhận vận chuyển chiếc thuyền tôn lớn từ thành phố Vinh đi huyện Nam Đàn. Khởi hành từ 7h sáng, 17h chiều mới về đến nhà. Hôm đó, ông đi bộ kéo xe gần 40km, được trả công 500.000 đồng.
Trải qua năm tháng, xích lô, xe máy kéo, xe ô tô… những phương tiện hiện đại dần thay thế xe ba gác, vận chuyển hàng hóa với số lượng nhiều hơn, tốc độ nhanh hơn. Trên đường phố, ông Nhuần như rất "dị". Ông không đổi sang các phương tiện khác để việc kiếm cơm được dễ dàng mà vẫn chung thủy với chiếc xe ba gác, coi như người bạn tri kỷ.
Hiện các con khôn lớn, đi làm ăn xa, vợ đã mất, ông vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ ở phường Hưng Bình và ngày ngày gắn bó với cái nghề đã theo hơn nửa cuộc đời.
Anh Nguyễn Đăng Quang - một người dân thường xuyên qua lại khu vực ngã tư Ga Vinh kể: "Dường như ngày nào đi qua đây tôi cũng thấy ông ấy ngồi đó đợi việc với chiếc xe ba gác. Hình ảnh chiếc xe tưởng chừng chỉ có trong thời bao cấp, giờ vẫn còn đó, giữa chốn phố thị ồn ào, xe cộ tấp nập".
Nhiều người thấy chiếc xe ba gác độc, lạ nên gạ mua lại nhưng ông Nhuần nhất quyết không bán. Trải qua năm tháng, chiếc xe hỏng phần nào, ông tự sửa, chế lại phần đó. Giờ đây, phụ tùng thay thế đã rất hiếm nên mỗi lần chiếc xe hỏng, ông lọ mọ tự chế để thay. Với ông, chiếc xe ba gác không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là kỷ vật gắn với cuộc đời, từ ngày đầu "khởi nghiệp" đến nay, ông không nỡ lòng bỏ đi.
Nội dung: Nguyễn Duy
Thiết kế: Tuấn Huy