Nửa đêm đi làm về thấy mẩu giấy con gái để ở giường, bố mẹ vừa đọc vừa khóc
(Dân trí) - "Con biết ba và mẹ rất vất vả nên con đã bật nước, trải chăn cho ba mẹ cảm thấy thoải mái, để cho lưng của ba và mẹ không bị đau nhé" - đọc mẩu giấy con gái để trên giường, vợ chồng anh Tuấn bật khóc.
Đã quá nửa đêm, anh Nguyễn Anh Tuấn (36 tuổi) và chị Hoàng Thị Nhung (35 tuổi) mới kết thúc một ngày làm việc, về nhà ở tổ 5 thị trấn Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).
Bước vào phòng ngủ, anh Tuấn phát hiện mẩu giấy con gái để trên giường của bố mẹ. Trông thấy vợ bước lên cầu thang, anh ra hiệu thông báo "có món quà bất ngờ đang chờ".
Chị Nhung đã quen với những mẩu giấy nhỏ của con gái. Chị cầm tờ giấy, nở nụ cười hạnh phúc, nghĩ rằng con gái có điều muốn tâm sự với bố mẹ như mọi lần.
Nhưng lần này chị đã bật khóc nức nở trước những dòng chữ dạt dào tình cảm của bé Nguyễn Huyền My (10 tuổi).
"Ba mẹ ơi, con biết ba và mẹ rất vất vả nên con đã bật nước, trải chăn cho ba mẹ cảm thấy thoải mái, để cho lưng của ba và mẹ không bị đau nhé. Con chúc ba mẹ ngủ ngon, con yêu ba mẹ của con", bé My viết.
Chị Nhung xúc động đến mức không thể đọc thành tiếng trọn vẹn bức thư, rồi quay sang nhìn chồng. Anh Tuấn vốn là người ít thể hiện cảm xúc, cũng đã rơm rớm nước mắt. Anh gọi đây là "món quà ý nghĩa trong cuộc đời làm cha, làm mẹ".
Người vợ không ngờ chồng quay lại khoảnh khắc đó và đăng tải lên trang cá nhân. Đoạn clip thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều người thân, họ hàng liên tục gọi điện hỏi thăm gia đình.
Mỗi lần xem lại video, chị Nhung vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Chị thương hai con sinh đôi Huyền My và Anh Vũ thiệt thòi, thiếu sự quan tâm tỉ mỉ vì bố mẹ bận bịu nhiều với cuộc mưu sinh. Mới đây, gia đình vừa cùng chụp bộ ảnh kỷ niệm 10 năm ngày cưới của anh chị.
Anh Tuấn làm ở cơ quan nhà nước, buổi tối thường phụ vợ cắm hoa, sắp lễ cho các đoàn viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Không riêng Tết, nghề của chị Nhung vào ngày thường cũng rất tất bật, hôm về sớm là 23h, muộn thì phải 2-3h hôm sau.
Biết công việc kinh doanh vất vả, ít có thời gian dành cho con, chị Nhung luôn dặn Huyền My và Anh Vũ tự giác ăn uống, tắm rửa và lên giường đi ngủ.
Mỗi lần thấy mẹ chăm sóc các thành viên khác trong nhà, bé Huyền My đều nhìn và học theo, như cách bé bật nước, trải chăn sẵn chờ bố mẹ.
Thay vì buồn bã bởi bố mẹ đi làm về muộn, không có quá nhiều thời gian ở bên, cô bé tự chăm sóc bản thân, biết dọn dẹp đồ đạc của mình và em trai. Anh Tuấn nhận xét con gái có tính cách giống hệt mẹ.
Những ngày chị em Huyền My đi học, bố mẹ đi làm, không có thời gian nói chuyện với nhau, bé gái thường sẽ viết giấy gửi lại lời nhắn.
Có lần bé cuộn tiền ăn sáng còn thừa vào giấy, viết gửi mẹ: "Mẹ ơi, đây là tiền ăn sáng thừa, con chưa kịp đưa cho mẹ". Những mẩu giấy nhỏ trở thành phương tiện giao tiếp giữa hai mẹ con.
Những ngày cận Tết, vợ chồng chị Nhung tăng cường năng suất công việc. Bé Huyền My xin lên ở nhà bà ngoại để mẹ tập trung bán hàng. Mỗi lần thấy con gái lớn tỏ ra tình cảm, chăm sóc, người mẹ đều xúc động, mong bù đắp tình cảm cho các con.
"Huyền My hiểu chuyện và tự lập. Con sống tình cảm, biết yêu thương, chia sẻ công việc với ông bà, bố mẹ", chị Nhung nói.