Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết

Đăng Đức

(Dân trí) - Gần Tết, những người làm nghề chạy xe chở hàng tất bật hơn thường ngày. Đây cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập khá vào dịp cuối năm.

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Hoàng (khu phố 1, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) được thuê chở hoa từ nhà vườn đến các điểm trưng bày hoa để chuẩn bị bán Tết. Công việc khá bận rộn, ông gần như không có thời gian nghỉ trưa.

Hành nghề chạy xe ba gác, có những ngày, ông Hoàng chở liên tục gần chục chuyến, còn bình thường cũng 3-5 chuyến mỗi ngày.

Theo ông Hoàng, những ngày cuối năm, người làm nghề chở hàng bận rộn hơn với mùa vụ chở hoa cho các nhà vườn để kịp bán Tết. Dù công việc khá vất vả, tự tay phải làm các công việc như khuân vác, xếp đặt hoa,… nhưng ông vẫn cố gắng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình trong dịp Tết.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 1

Những ngày cuối năm, nghề chở hàng của ông Hoàng "xôm" hơn.

"Nếu chở hàng trong phạm vi thành phố thì mỗi chuyến từ 50.000-70.000 đồng, nếu ra ngoài thành phố thì tùy theo quãng đường và loại hàng chuyên chở. Ngày nào may mắn thì thu được 300-400 nghìn tiền công, ít hơn thì khoảng 100-200 nghìn đồng", ông Hoàng nói.

Trước đây, ông Hoàng làm thợ xây nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc bị đình trệ, ông phải chuyển sang nghề chở hàng thuê để kiếm sống và nuôi 2 con đang đi học.

"Gần đến Tết, tôi chỉ mong công việc được thuận lợi, cố gắng kiếm ngày vài trăm nghìn để gia đình có thể đón Tết sung túc hơn đôi chút", ông Hoàng tâm sự.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 2

Nghề chở hàng mang lại nguồn thu nhập khá.

Ông Lê Trọng Lâm (phường Đông Lương, thành phố Đông Hà) cũng chạy xe ba gác chở hàng. Những ngày cuối năm, công việc của ông nhiều hơn hẳn so với ngày thường.

"Vào dịp này, người dân thường thuê chở các loại vật liệu xây dựng, vận chuyển đồ đạc, hay chở hoa, cây cảnh… Nếu cố gắng chạy hết công suất thì mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 300-400 nghìn đồng. Với thu nhập ấy duy trì đến cuối năm thì cũng đủ để lo được cái Tết cho gia đình".

Còn ông Lê Văn Trực (trú ở phường 5, thành phố Đông Hà) cho biết, làm nghề chạy xe chở hàng khá vất vả, công việc thất thường. Trung bình mỗi ngày ông chạy tầm 3-5 chuyến, nhưng cũng có ngày chỉ có 1-2 chuyến hàng.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 3

Sau chuyến hàng, ông Trực tranh thủ nghỉ ngơi để tiếp tục công việc.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của ông bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút. Dịp cuối năm, những người làm nghề chạy xe chở hàng luôn trông đợi có nguồn thu nhập khấm khá hơn.

"Từ nay đến Tết Nguyên đán chắc chắn sẽ có nhiều người thuê chở hàng, hoa cây cảnh về chưng trong nhà. Những năm trước, anh em trong nhóm chở hàng chúng tôi vẫn hỗ trợ nhau, nếu ai bận thì chia sẻ công việc do người khác. Nhờ đó, anh em chở hàng đều có nguồn thu nhập khá để lo Tết cho gia đình", ông Trực tâm sự.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 4

Nghề chở hàng luôn tất bật vào dịp cận Tết.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 5

Mỗi ngày, người chạy xe ba gác dễ dàng kiếm được từ 200-300 nghìn đồng.

Theo ông Hoàng Văn Xuân, chở cây cảnh như đào, mai, quất phải hết sức cẩn thận, chạy an toàn và tránh ổ gà để không bị rụng hoa, quả của khách.

"Khó khăn nhất là công đoạn đưa cây lên xe, hạ cây xuống. Gặp một số cây cao, chậu lớn thì cần đến 2-3 người khiêng. Công việc vất vả như thế nên để kiếm được đồng tiền công, không hề dễ dàng", ông Xuân chia sẻ.

Xe ba gác ngược xuôi, tất tả gom nhặt những chuyến hàng Tết - 6

Người dân thuê xe ba gác để chở hàng vì tính cơ động, có thể đi vào các cung đường hẹp.

Do yếu tố thuận tiện, cơ động, xe có thể chạy được trong các tuyến đường hẹp, chở số lượng hàng hóa ít nên xe ba gác được nhiều người dân lựa chọn. Do đó, những người hành nghề chạy xe ba gác hoạt động liên tục, đặc biệt vào dịp cuối năm.