Chế độ BHXH của người lao động mắc bệnh hiểm nghèo trong năm 2025
(Dân trí) - Năm 2025, trợ cấp ốm đau dành cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được áp dụng theo 2 giai đoạn trước và sau ngày 1/7.
Trước ngày 1/7
Thông thường, người lao động mắc bệnh sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế và chế độ ốm đau là thu nhập bù đắp cho những ngày nghỉ việc để chữa bệnh.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kéo dài nhiều ngày thì có nhiều chế độ hỗ trợ ưu việt hơn từ BHXH.
Trong giai đoạn trước ngày 1/7, chế độ ốm đau được áp dụng theo quy định từ Điều 24 đến Điều 29 Luật BHXH năm 2014.
Theo BHXH Việt Nam, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa là 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Trong thời gian này, mức hưởng chế độ ốm đau được tính bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của người lao động.
Nếu hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau 180 ngày như trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Tổng thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của người lao động bằng thời gian đã đóng BHXH.
Ngoài chế độ ốm đau như trên, trong thời gian nghỉ việc để chữa bệnh, người lao động còn được hưởng BHYT miễn phí do quỹ BHXH đóng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 29 Luật BHXH năm 2014, người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Từ ngày 1/7 trở đi
Trong giai đoạn từ ngày 1/7 trở đi, chế độ ốm đau được áp dụng theo quy định từ Điều 42 đến Điều 49 Luật BHXH năm 2024.
Theo đó, hầu như tất cả các chế độ dành cho người lao động mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày đều tương đồng với Luật BHXH năm 2014. Điểm khác biệt lớn nhất là thời gian hưởng chế độ ốm đau.
Cụ thể, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày cũng được tính thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm theo điều kiện làm việc và theo số năm đóng BHXH.
Trong thời gian này, mức hưởng chế độ ốm đau được tính bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của người lao động.
Nếu hết thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm như trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.