DMagazine

"Nghĩa địa AIDS" và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo

(Dân trí) - Có thời điểm mỗi ngày 2-3 người chết vì AIDS, họ được chôn cất ở một khu đất riêng. "Bão ma túy" quét qua để lại những tàn dư, hệ lụy khiến một vùng quê yên ả bỗng chốc trở nên u tối một thời.

Có thời điểm mỗi ngày có 2-3 người chết vì AIDS, họ được chôn cất ở một khu đất riêng. "Bão ma túy" quét qua đã để lại những tàn dư, hệ lụy khiến một vùng quê yên ả bỗng chốc trở nên u tối một thời.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 1

Xuân Tín là xã thuần nông của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Vùng quê này một thời là nỗi ám ảnh của bao người. Gần 30 năm trước, cơn "bão ma túy" quét qua, để lại căn bệnh thế kỷ HIV cướp đi bao sinh mạng.

Ông Trịnh Văn Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tín, cho biết, câu chuyện buồn về làng quê nghèo có nhiều người nghiện ma túy bắt nguồn từ việc người dân đi làm ăn xa. 

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 3

Từ năm 1995, cuộc sống ở quê khó khăn, nhiều người dân trong xã Xuân Tín lựa chọn tha hương để kiếm sống. Một số người tìm đến các bãi khai thác vàng, cát trong và ngoài tỉnh làm việc. Nhiều thanh niên, trai tráng đi bán dầu gội đầu, hàng gia dụng... với hy vọng đổi đời.

Thế nhưng, những cuộc đi xa với khát vọng làm giàu ấy chưa thành hiện thực thì bỗng chốc làng quê nghèo phải hứng chịu thảm họa. Nhiều người khi đi khỏe mạnh, lúc về trở thành người nghiện ma túy. Chỉ trong thời gian ngắn, ma túy đã len lỏi đến nhiều gia đình, gieo rắc những nỗi đau dai dẳng.

"Đa phần người đi làm ăn xa là thanh niên, số ít người có vợ con. Do thiếu sự quản lý của gia đình, cộng đồng, không làm chủ được bản thân, nhiều người sa vào các tệ nạn xã hội. Khi trở về địa phương đã mang theo những tệ nạn như nghiện ma túy, cờ bạc, thậm chí cả HIV", ông Thực nhắc lại quá khứ buồn.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 5

Ông Thực cho biết, kể từ ngày "nàng tiên trắng" xuất hiện, cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự bị xáo trộn. Có thời điểm cả xã có khoảng 130 người nghiện ma túy. Nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, nợ nần chồng chất, nhiều thanh niên cũng lần lượt ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Khó khăn hơn hết, người dân xã Xuân Tín vốn hiền hòa, chất phác, bỗng chốc mang cái tiếng "làng nghiện", khiến ai cũng ngại ngùng mỗi khi nhắc đến.

"Người dân trong xã thì vẫn đoàn kết, không kỳ thị, chỉ khổ nhất khi ra ngoài, nhiều người nghe đến Xuân Tín tỏ ra e ngại. Thậm chí, có những người đi buôn mớ rau cũng khó, hễ nghe đến quê ở Xuân Tín là họ ngại ngùng", ông Thực chia sẻ.

Theo ông Thực, trong số hơn 130 người nghiện ngày ấy, có khoảng gần 100 người đã chết vì HIV/AIDS.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 7

Ông Nguyễn Văn Thắng (tên nhân vật đã được thay đổi), một trong số những "con nghiện đời đầu" ở xã Xuân Tín, không bao giờ quên quá khứ u buồn nhất cuộc đời mình. Ông cho hay, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng có gần nửa tuổi đời "lụi tàn" vì ma túy.

Ám ảnh khi nhắc về quá khứ u tối, ông Thắng kể, những năm 1995, như bao người đàn ông khác, ông lớn lên rồi lập gia đình, quanh năm lam lũ với đồng ruộng mưu sinh.

Vất vả nhưng thu nhập chẳng được là bao, tranh thủ sau mỗi vụ mùa, ông Thắng theo nhóm bạn làng đi làm cửu vạn ở tỉnh Hòa Bình. Nói là cửu vạn nhưng thực chất ông làm thuê ở bãi khai thác vàng.

"Hết mùa gặt chúng tôi rủ nhau đi làm ăn xa, mỗi nhóm 4-5 người. Chúng tôi đến nhiều tỉnh, thành xa, làm các công việc khác nhau, nhưng đa số đi làm cửu vạn. Sau này, thế hệ trẻ hơn thì đi bán hàng", ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay, công việc ở bãi khai thác vàng tuy vất vả nhưng thu nhập cao. Cũng trong thời điểm này, ông sa vào nghiện ma túy từ lúc nào không hay. Những tháng ngày ở bãi vàng, ông bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy. Kể từ đó, số tiền làm ra bao nhiêu ông đều đem đi "nuôi nàng tiên trắng".

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 9

"Lúc đầu cũng thử chơi, nhưng dần rồi nghiện lúc nào không hay, có bao nhiêu tiền cũng hết vì ma túy. Nhiều năm về sau tôi phát hiện mình bị HIV, lúc đó tôi chán nản vô cùng", ông Thắng chia sẻ.

Không chỉ ông Thắng, những người trong nhóm đi làm ăn xa như ông cũng "dính" vào nghịch cảnh tương tự. Họ trở về, nhiều người mang theo "cái chết trắng" gieo rắc khắp làng quê. Một thời gian sau, thảm họa xảy đến, ma túy đã để lại căn bệnh thế kỷ HIV, khiến nhiều thanh niên tuổi đời còn rất trẻ lần lượt ra đi.

Theo ông Thắng, có thời điểm một ngày 2-3 người chết vì HIV/AIDS. Thời điểm đó, người dân trong xã hoang mang, nếu có người chết vì HIV/AIDS là đem đi chôn cất ở một khu đất riêng cạnh nghĩa trang. "Người chết vì HIV/AIDS được chôn cất cố định, không bốc hài cốt như những ngôi mộ khác vì sợ lây lan bệnh tật", ông Thắng kể về nghĩa địa AIDS từng xuất hiện ở địa phương.   

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 11

Còn bản thân ông Thắng, kể từ ngày trở thành người nghiện ma túy, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ, ông bị mọi người xa lánh, kỳ thị. Gia đình ông cũng vì thế rơi vào cảnh lao đao.

Nhắc về quá khứ u buồn của chồng, bà Nguyễn Thị Hải (tên nhân vật đã được thay đổi), cho hay, khi biết tin chồng bị HIV bà như chết lặng. Nhưng bà không nỡ ruồng bỏ, xa lánh người đàn ông yêu quý của đời mình mà lặng lẽ, âm thầm chăm sóc cho ông.

"Có lúc ông ấy bảo muốn đưa cả gia đình rời khỏi quê để né tránh mọi người. Kể từ ngày ông ấy bị bệnh, một mình tôi lam lũ nuôi 2 đứa con, ngoài làm ruộng tôi còn đi chợ huyện buôn bán. Lúc đó chỉ mong một ngày chồng sẽ từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời", bà Hải chia sẻ.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 13

Vùng vẫy trong hố đen của ma túy suốt 18 năm, tia sáng cuộc đời cuối cùng đã đến với ông Thắng. Năm 2013, khi chương trình điều trị Methadone được triển khai, với quyết tâm đoạn tuyệt "nàng tiên trắng", ông Thắng đã tìm đến cơ sở điều trị Methadone ở thành phố Thanh Hóa để cai nghiện.

"Mỗi ngày tôi đều đặn xuống thành phố để điều trị, cắt đứt mọi liên lạc với những người nghiện, thời gian rảnh tôi lao vào làm việc, từ đồng ruộng đến chăn nuôi. Cứ như thế tôi không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Nếu không có thuốc điều trị ngày ấy, có lẽ tôi chẳng còn hy vọng sống sót đến ngày hôm nay", ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Trịnh Văn Thực, mãi đến năm 2017, số lượng người chết vì HIV/AIDS ở địa phương cơ bản chấm dứt. Những người nghiện ma túy còn lại, nhờ được đi điều trị Methadone cũng đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 15

"Có một số người lựa chọn ở nhà làm việc, còn lại đi làm kinh tế ở các tỉnh, thành phía nam, đặc biệt là Bình Dương. Hiện cuộc sống của họ đã thay đổi, thậm chí các chương trình kêu gọi xây dựng ở quê hương, họ cùng với hội đồng hương Xuân Tín tại Bình Dương tích cực ủng hộ quê nhà", ông Thực cho hay.

Theo ông Thực, kể từ ngày "cơn bão ma túy" quét qua làng quê đã để lại nhiều hệ lụy. Thời gian đầu, chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đã nỗ lực xây dựng các chương trình hỗ trợ người bị HIV, người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Sau gần 30 năm, những tàn dư ma túy cũng được xoa dịu, thay vào đó là sự đổi thay, phát triển của một làng quê. Cuối năm 2016, xã Xuân Tín đã hoàn thành 19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghĩa địa AIDS và nỗi ám ảnh một thời nơi làng quê nghèo - 17

Năm 2022, xã Xuân Tín đã đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự, 11 khu dân cư trên địa bàn đạt chuẩn khu dân cư văn hóa, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Dẫn chúng tôi ra khu "nghĩa địa AIDS", ông Thực cho hay, nơi này giờ chỉ còn sót lại một ngôi mộ. Những năm qua, người dân địa phương đã nâng cao nhận thức, xóa bỏ những định kiến và cất bốc những ngôi mộ về khu nghĩa trang tập trung của xã.

Nội dung: Thanh Tùng

Ảnh: Thanh Tùng, Hữu Khoa

Thiết kế: Tuấn Huy