1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Năm 2021, hơn 2,2 triệu người "bỏ phố về quê" do dịch Covid-19

An Linh

(Dân trí) - Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, hơn 2,2 triệu người lao động từ thành phố, các địa phương bùng phát dịch đã hồi hương về quê.

Theo đó, địa bàn có số người về quê cao nhất là TPHCM với hơn 520.000 người, tiếp theo là TP Hà Nội với hơn 440.000 người. Ngoài ra, còn tới hơn 600.000 người trở về từ các địa phương phía nam...

Một đặc điểm di cư được Tổng cục Thống kê chỉ rõ là đa số người rời bỏ thành phố, tâm dịch về quê là lao động tự do, việc làm bấp bênh và không có nhà cửa tại các thành phố, tâm dịch.

Năm 2021, hơn 2,2 triệu người bỏ phố về quê do dịch Covid-19 - 1

Năm 2021, hơn 2,2 triệu người bỏ phố về quê do đại dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, do tác động của làn sóng di chuyển về quê do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số ngành như dệt may, da giày bị thiếu hụt lao động.

Chính vì vậy, vị này nhấn mạnh đến công tác quy hoạch vùng trong phát triển kinh tế xã hội và phân bố lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ.

Số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628,0 nghìn người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức; số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người so với năm 2020.

Hiện tượng thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Về thu nhập, theo Tổng cục Thống kê, hết năm 2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020.

Xét theo ngành kinh tế, so với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức độ tăng trưởng dương ổn định, với mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 236 nghìn đồng.

Thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng là 6,4 triệu đồng, giảm 201 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,0% và lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, giảm 27 nghìn đồng, tương ứng giảm 0,4%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (tương ứng với mức 7,0 triệu đồng so với 6,0 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng với mức 7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).