Mỗi khi bố mẹ đánh nhau, con gái lớp 7 lao lên sân thượng...
(Dân trí) - Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, đánh nhau, như một phản xạ quen thuộc, nữ sinh lớp 7 lại lao lên sân thượng lầu 4. Đã rất rất nhiều lần, em muốn nhảy xuống...
Mới đây, một clip lan truyền trên mạng xã hội ở Trung Quốc làm nhiều người quặn lòng. Clip quay lại cảnh hai vợ chồng mâu thuẫn, đánh nhau, người vợ có thể do quá kích động đã ngất xỉu tại chỗ.
Thấy mẹ nằm vật giữa nền nhà, đứa con nhỏ run rẩy bò đến, nằm xuống bên cạnh mẹ. Trong khi đó, người đàn ông vừa đánh vợ thờ ơ ngồi gác chân lên bàn.
Nhiều người xót xa cho mối quan hệ gia đình, đặc biệt là phẫn nộ vì đứa nhỏ phải chứng kiến bố mẹ cãi vã, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Câu chuyện điển hình đó lại là những hình ảnh vốn không xa lạ trong thực tế cuộc sống. Giống như em bé trong clip, có rất nhiều đứa trẻ hàng ngày đang phải trải qua "bạo lực lạnh" trong gia đình khi chứng kiến bố mẹ đánh nhau.
Còn nhớ, cách đây không lâu, hình ảnh camera quay lại cảnh tượng kinh hoàng khi đối tượng Phạm Chí Linh ở Tây Ninh bóp cổ, đẩy, nhấn đầu vợ xuống nước. Khi người vợ giằng co, thoát được lên bờ thì người đàn ông này tiếp tục đuổi theo đánh vợ dã man ngay trước mặt con nhỏ, làm đứa trẻ kinh sợ, khóc thét.
Ông bố này bị kết tội về hành vi "Cố ý gây thương tích" với người vợ. Nhưng còn có một thương tích khác không được tính đến, là thương tích với đứa con nhỏ khi phải chứng kiến cảnh mẹ bị tra tấn, bạo hành bởi chính bố mình.
Không chỉ đánh vợ trước mặt con cái, tại Việt Nam cũng đã xảy ra vụ án chồng giết vợ ngay khi có mặt con cái.
Báo cáo điều tra toàn cầu về bạo lực trẻ em của Liên Hợp Quốc chỉ ra, trên toàn thế giới có khoảng 133 - 275 triệu trẻ em đã phải chứng kiến các hình thức bạo lực xảy ra giữa bố mẹ.
Những con số, báo cáo thật khó nói hết được nỗi đau của một đứa trẻ khi bị "bạo lực lạnh". Dù không trực tiếp bị đánh nhưng chúng đang phải chịu đựng nỗi đau bạo hành khi chứng kiến sự bạo hành cũng như sự đỗ vỡ trong mối quan hệ của hai người thân yêu nhất.
An Nhi (tên nhân vật đã được thay đổi), học lớp 7 tại TPHCM đau đớn kể trên một diễn đàn dành cho tuổi teen rằng em đã cả trăm lần muốn chết vì sống trong bầu không khí gia đình ngột ngạt, bạo lực. Không chỉ là cãi vã đơn thuần, bố mẹ của Nhi rất căm ghét nhau, thường xuyên chửi bới, cãi vã, bố nhiều lần đánh đập mẹ.
Bố giật tóc mẹ, nhấn đầu vào chậu nước, tạt nước sôi, đấm đá vào người mẹ như bao cát... Nếu con cái tìm cách cản, ông sẽ càng hung dữ hơn, sẽ càng đánh vợ nặng hơn. Nhi nhớ ít nhất là 3 lần mẹ phải vào viện chữa trị vết thương vì bị bố đánh.
Mỗi lần bố mẹ cãi vã, bố đánh mẹ, Nhi không biết phải làm gì, chỉ muốn chết ngay lập tức. Sau này, em tìm ra một chỗ để "tạm lánh" là sân thượng tầng 4. Đứng sát mép sân thượng, chỉ khi gần như chới với giữa không trung, lạnh người, rùng mình nhìn xuống dưới, cô học trò mới tạm thấy sao nhãng, không nghe rõ lắm tiếng chửi bới, xỉ nhục nhau, tiếng đánh đập, ẩu đả trong nhà. Đứng đó, em phải đấu tranh với ý nghĩ buông người xuống...
Bỏ bê việc học, tụ tập với đám bạn xấu, Nhi còn tiết lộ có lúc tức giận em đã chửi bới và muốn tấn công bố mẹ.
Khi Nhi kể câu chuyện của mình, nhiều bạn trẻ khác cũng chia sẻ tình cảnh phải chứng kiến bố mẹ xung đột, đánh nhau. Khi đó, có em lao vào nhà vệ sinh xả nước hết cỡ; có em cứ mỗi lần bố mẹ cãi vã, đánh đập nhau em lại rạch một đường lên cánh tay, bắp chân vốn đã chi chít những vết sẹo cũ của mình...
Nghiên cứu của Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) phối hợp Trường ĐH Y tế Công cộng với hơn 300 phụ nữ tại Hà Nội chỉ ra: 99% chị em cho biết gia đình có rất nhiều mâu thuẫn, lục đục trong đại dịch, 88% mẫu nghiên cứu xác nhận bị chồng bạo lực tinh thần, hành hạ, xúc phạm rất nghiêm trọng.
Điều đáng nói, có đến 60% người cho biết con cái họ phải chứng kiến việc bố bạo hành mẹ.
Tại tọa đàm "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý trẻ", TS Lê Nguyên Phương, đồng sáng lập và là Chủ tịch Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) cho hay, bạo hành trẻ em trong gia đình, người ta hay thường nói đến việc đứa trẻ bị đánh đập trực tiếp. Nhưng còn một dạng bạo hành khác là đứa trẻ chứng kiến bố mẹ bạo hành lẫn nhau.
Theo ông Phương, hàng năm, hàng triệu trẻ em phải chứng kiến cảnh bố mẹ chửi bới nhau, đánh đập nhau, thậm chí là giết nhau trước mặt chúng. Tại Mỹ, hơn 40 triệu người trưởng thành, lớn lên trong gia đình có bạo hành. Con cái trong những gia đình này thường bị bỏ bê, thậm chí bị đánh đập với tỷ lệ cao hơn 15 lần so với những gia đình khác.
TS Lê Nguyên Phương cũng lưu ý, khi nói đến việc trẻ nhỏ chứng kiến bạo hành chúng ta cũng chỉ lưu ý hậu quả khi chúng thấy trực tiếp bằng mắt. Nhưng thực sự, "chứng kiến" còn có nghĩa đứa trẻ nghe tiếng cãi vã, va chạm, thấy những vết bầm tím, những vệt máu, áo quần bị xé rách của mẹ...
Chứng kiến bố mẹ bạo hành để lại những dấu hằn, chấn thương lớn trên đứa trẻ. Có những đứa trẻ, chỉ cần nghe tiếng chân, tiếng mở cửa của bố mẹ là co rúm người sợ sệt...
Tác giả bộ sách "Dạy con trong hoang mang" bày tỏ, dù ông không khuyến khích việc ly thân, ly hôn nhưng nếu thật sự thương con, trong nhiều trường hợp việc bố mẹ chia tay, sống riêng một khoảng thời gian lại là cách tốt nhất để đứa trẻ được lớn lên bình yên.