"Gốc rễ" của bạo lực gia đình
Cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Đây là số liệu trích từ báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020.
Mức 63,8% là tỷ lệ rất lớn và phản ánh một thực trạng đáng báo động. Chỉ cần mở các trang báo ra, chúng ta đều có thể thấy tin tức về những vụ bạo lực xảy ra thường xuyên, cần lưu ý rằng, thông thường khi đã được nêu trên báo chí thì mức độ bạo lực đã rất nặng. Bản thân các đường dây tư vấn hay các chatbox của chúng tôi (Trung tâm CSAGA) hàng ngày cũng nhận được từ 20 đến 100 cuộc gọi liên quan bạo lực trên cơ sở giới. Đúng như các đại biểu vừa nêu vấn đề trên diễn đàn Quốc hội khi cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đừng nghĩ bạo lực là "động chân, động tay", tra tấn, đánh đập vũ phu, mà còn thể hiện qua các hình thức bạo lực về tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực, tuy nhiên, theo tôi chủ yếu là xuất phát từ tình trạng bất bình đẳng giới hay tư tưởng nam quyền trong xã hội. Tất nhiên, trong các vụ bạo lực cũng có một phần xuất phát từ phía nữ nhưng tỷ lệ này rất ít, họ chủ yếu là nạn nhân. Với tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng nam quyền, nhìn chung, phụ nữ thường bị đặt ở vị trí thấp hơn, phải tuân theo các quyết định của nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Ở Việt Nam, dù đã có rất nhiều chính sách, quy định luật về bình đẳng giới, dù đã có những nỗ lực để thay đổi các thói quen mang tính truyền thống vốn ăn sâu bám rễ vào tư duy, vậy nhưng, để lay chuyển định kiến lâu năm quả thực không hề đơn giản. Định kiến đó là gì? Là "chồng chúa vợ tôi"; nam phải là anh - nữ phải là em; nam thì phải hùng mạnh còn nữ luôn yếu đuối. Tất cả những quan niệm đó đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm, tác động đến mọi ngóc ngách đời sống con người hiện đại, ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy, nhận thức và lối sống xã hội ngày nay. Trong nhiều trường hợp, bất bình đẳng bị đẩy lên mức độ nghiêm trọng nhất chính là tình trạng bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần hay là bạo lực tình dục.
Có những người phụ nữ nói với tôi rằng, họ cảm thấy lép vế và cam chịu trong gia đình bởi họ không thể ra ngoài đi làm kiếm tiền mà chỉ có thể ở nhà đảm đương công việc nội trợ, trông con, bếp núc… Tôi nghĩ, một khi xã hội hãy còn cho rằng người làm ra tiền "to" hơn người làm một tỷ công việc không tên, không được trả lương trong gia đình thì đương nhiên cán cân quyền lực đã mất cân bằng. Người ta đâu biết rằng, sự đóng góp cho gia đình của người phụ nữ hay việc sinh con đẻ cái đang đóng góp vô cùng lớn cho xã hội. Thực tế, đâu chỉ người phụ nữ mới phù hợp với công việc bếp núc, có rất nhiều đàn ông cũng muốn ở nhà chăm con và làm công việc nội trợ. Nhưng chính định kiến cho rằng đàn ông phải xây nhà, phải làm trụ cột về tài chính đã đẩy họ "gồng mình" làm những công việc không phù hợp với khả năng và nguyện vọng.
Như vậy, bạo lực trên cơ sở giới, đầu tiên là sự mất cân bằng quyền lực - có nghĩa là, để giải quyết vấn đề này, phải làm sao cả nam và nữ được phân chia quyền lực một cách bình đẳng. Theo đó, các quyết định trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong các lĩnh vực phải do cả nam và nữ, nhóm LGBT (nhóm đồng tính nam, nữ; song tính; chuyển giới…) đảm nhiệm. Tất cả mọi người đều phải có quyền quyết định về cuộc đời của mình, về mong muốn của mình. Các giới đều cần có cơ hội đưa ra những quyết định có tính ảnh hưởng ở những cấp độ khác nhau, từ gia đình đến cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền.
Quyền lực phải được bình đẳng và cân bằng. Có sự cân bằng quyền lực thì chúng ta giải quyết được bất bình đẳng, giảm tình trạng độc đoán của một cá nhân. Ví dụ như trong một gia đình, việc mua sắm hay không một vật dụng nào đó, đương nhiên không chỉ phụ thuộc vào quyết định của người chồng.
Thứ hai, chính sách liên quan đến bình đẳng giới cần phải kèm theo những dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho người bị bạo lực ở tất cả các dạng: Có nhà tạm lánh, có hình thức trợ giúp thuận lợi, không phân biệt. Đồng thời cũng cần có chế tài nghiêm khắc với những người gây ra bạo lực.
Chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, về thái độ không sử dụng bạo lực khi bất đồng quan điểm, bất đồng ý kiến. Trong một gia đình, khi chồng thấy vợ không có cùng quan điểm dạy con, song không thảo luận để đưa ra phương án cuối cùng mà lại sử dụng vũ lực đánh vợ hay sỉ nhục vợ thì đấy là hành vi sai trái. Làm sao để mọi người nhận thấy, không thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, và quan trọng là phải làm sao để họ không bao giờ sử dụng bạo lực.
Thứ ba, hệ thống giáo dục cần làm sao để các em nhỏ từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải thấm nhuần: Nam và nữ đều có quyền như nhau, có quyền sống với những khát vọng của bản thân, theo đuổi mong muốn riêng; được đi học, được làm những nghề mà bản thân yêu thích; không ấn định rằng giới tính này thì phải làm nghề này, giới tính nọ thì làm nghề khác. Có như vậy con người ta mới được giải phóng tất cả năng lượng tích cực và tạo ra một xã hội hạnh phúc, bình đẳng. Lúc đó bạo lực đương nhiên sẽ giảm đi, hoặc ít nhất cũng bị khống chế bởi các quy định, thói quen, nhận thức tiến bộ.
Tác giả: Bà Nguyễn Vân Anh là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA). Xuất thân là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam, bà có nhiều sáng kiến truyền thông về các vấn đề liên quan đến phụ nữ bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực. Từ khi sáng lập CSAGA, bà Vân Anh đã có gần 20 năm kinh nghiệm vận động cho quyền của các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán và quyền của nhóm LGBT. Bà từng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!