Lương cơ sở tăng, người nhận lương hưu lợi gì so với rút BHXH một lần?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người về hưu có quyền lợi liên quan đến lương cơ sở nên hưởng lợi khi lương cơ sở tăng. Tuy vậy, những người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần thì chịu "thiệt đơn thiệt kép".

24 lần điều chỉnh lương hưu

Ngày 30/6, người lao động cả nước đón nhận tin vui khi Chính phủ ban hành 3 Nghị định liên tiếp liên quan đến tiền lương là Nghị định 73/2024/NĐ-CP tăng lương cơ sở, Nghị định 74/2024/NĐ-CP tăng lương tối thiểu và Nghị định 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng.

Nghị định 75/2024/NĐ-CP đã trực tiếp tăng thêm 15% đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ hưu trí so với việc người lao động lựa chọn rút BHXH một lần khi nghỉ việc và không tiếp tục tham gia BHXH.

Bởi, người rút BHXH một lần chỉ được nhận số tiền cố định được tính toán căn cứ vào mức bình quân tiền lương đóng BHXH, thời gian đóng và hệ số trượt giá tại thời điểm rút BHXH một lần. Trong khi đó, người hưởng lương hưu liên tục được điều chỉnh tăng lương trong quá trình hưởng.

Nếu tính từ năm 1995 đến thời điểm 1/7/2024, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 24 lần điều chỉnh tăng lương hưu để đảm bảm đời sống của người nghỉ hưu. Như đợt tăng lương hưu ngày 1/7 vừa qua, lương hưu được tăng đến 15%, cao hơn tỷ lệ lạm phát năm 2023 nhiều lần đã cải thiện tốt hơn đời sống của người nghỉ hưu.

Như trường hợp bà Lương Thị Hai (91 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP Hà Nội), khi nghỉ việc vào tháng 4/1984, bà chỉ được nhận 290 đồng. Đến kỳ lương hưu tháng 7/2024, mức lương của bà đã được điều chỉnh lên thành 4.813.100 đồng.

Lương cơ sở tăng, người nhận lương hưu lợi gì so với rút BHXH một lần? - 1

Bà Lương Thị Hai nhận lương hưu tháng 7/2024 theo mức hưởng mới (Ảnh: BHXH Việt Nam).

Ngoài số tiền lương hưu hằng tháng tăng theo thời gian, bà Hai còn thảnh thơi không phải lo lắng đến việc mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hằng năm vì bà được BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.

Với căn bệnh đái tháo đường của mình, bà Hai thường xuyên sử dụng thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Đặc biệt, thẻ BHYT của bà Hai được hưởng chế độ chi trả 95% chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó, bà thêm an tâm an hưởng tuổi già mà không phải nhờ cậy vào con cháu.

Trong khi đó, người không có chế độ hưu trí phải mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình chỉ được chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh, chi phí mua thẻ thì tăng hằng năm theo mức lương cơ sở.

Hưởng thêm lợi ích từ tăng lương cơ sở

Tháng 5, BHXH Việt Nam đã có bảng so sánh quyền lợi của người lao động chọn rút BHXH một lần với người chọn chế độ hưu trí trong năm 2024.

BHXH Việt Nam giả định trường hợp người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2003 đến năm 2022), bao gồm 11 năm trước năm 2014 và 9 năm từ năm 2014 trở đi; mức bình quân tháng đóng BHXH là 6 triệu đồng/tháng.

Khi chọn rút BHXH một lần, người lao động (cả nam lẫn nữ) được nhận 1,5 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 (11 năm), 2 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi (9 năm). Như vậy, người lao động được nhận: 6 triệu đồng x (1,5x11 + 2x9) = 207 triệu đồng.

Trong khi đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2024 là 61 tuổi thì trung bình sẽ được hưởng lương hưu khoảng 10,1 năm, tương đương 121 tháng (vì tuổi thọ trung bình của nam giới hiện là 71,1 tuổi).

Như vậy, tổng số tiền mà lao động nam lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (121 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 367.501.500 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 160.501.500 đồng.

Đối với lao động nữ, khi nghỉ hưu trong năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng thì sẽ được hưởng lương hưu khoảng 20 năm 2 tháng, tương đương 242 tháng (vì hiện tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,5 tuổi).

Như vậy, tổng số tiền mà lao động nữ lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (242 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 862.437.000 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 655.437.000 đồng.

Lương cơ sở tăng, người nhận lương hưu lợi gì so với rút BHXH một lần? - 2

Người lao động chọn hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần rất nhiều (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Tuy nhiên, bảng so sánh trên được thực hiện vào tháng 5/2024, chưa tính đến mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.

Khi tính theo mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7, quyền lợi đầu tiên mà người chọn hưởng lương hưu được tăng thêm là trợ cấp mai táng phí.

Khi người lao động mất, thân nhân của họ còn được nhận trợ cấp mai táng phí là 10 tháng lương cơ sở. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, mai táng phí là 23,4 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng so với mức cũ.

Thứ 2, lương cơ sở tăng 30% dẫn đến chi phí mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình cũng tăng thêm 30% trong năm 2024. Mức tăng này khiến số tiền mà người lao động chọn rút BHXH một lần chi ra để mua BHYT tăng lên đáng kể. Họ phải chịu thiệt chi phí này trong suốt thời gian nghỉ hưu (hơn 10 năm với lao động nam, hơn 20 năm với lao động nữ).

Trong khi đó, đối với người chọn hưởng lương hưu, khi lương hưu tăng thì mức đóng BHYT hằng năm của họ cũng tăng. Tuy nhiên, khoản chi phí tăng thêm này do quỹ BHXH chịu vì tiền mua thẻ BHYT là do quỹ BHXH chi trả. Do đó, người hưởng chế độ hưu trí không cần lo lắng khi tăng lương cơ sở làm tăng chi phí mua thẻ BHYT.