DNews

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí

Nguyễn Vy Huỳnh Quyên

(Dân trí) - Hàng trăm người dân có mặt đông đủ tại UBND xã An Trường để được khám bệnh miễn phí từ báo Dân trí. Tại đây, không khỏi bắt gặp hình ảnh người dân rưng rưng nhận phần quà từ ban tổ chức.

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí

(Dân trí) - Sáng 14/5, hàng trăm người dân có mặt đông đủ tại UBND xã An Trường để được khám bệnh miễn phí và nhận học bổng từ báo Dân trí. 

"Tối nào cũng nghĩ, hôm sau làm sao có tiền ăn cho con"

4h sáng, chị Lưu Thị Út (40 tuổi, ngụ xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) lật đật thức dậy sau một đêm ngủ chập chờn. Đêm trước, chị Út hay tin địa phương có đoàn từ thiện xuống, con trai chị là một trong những học sinh được trao học bổng.

Vội cắm nồi cơm, chị Út lấy ra vài con cá biển còn dư đêm qua để làm bữa sáng cho tụi nhỏ.

"Mừng quá, ngủ có được đâu. Cứ mong trời sáng thật nhanh để cả nhà dắt nhau ra xã nhận học bổng cho thằng con trai", chị Út ngại ngùng, nói.

Trước khi đi, chị Út tranh thủ cạo nốt đống vỏ hạt điều để kiếm tiền đi chợ. Cứ mỗi kí hạt điều, người ta trả cho chị 5.000 đồng. Quần quật cả ngày chỉ được 10kg, chị xếp vội 50.000 đồng tiền công vào túi. Chồng chị là anh Nguyễn Hữu Đoàn (46 tuổi), làm nghề thợ hồ với tiền công 250.000 đồng/ngày.

Tuy vậy, 4 đứa con trai của vợ chồng chị Út vẫn được đến trường. Mỗi ngày, các em được mẹ cho 5.000 đồng để tiêu vặt. Hôm nào vợ chồng chị không làm ra tiền, mấy đứa nhỏ chỉ vội khoanh tay "thưa cha mẹ con đi" với túi quần không có đồng nào.

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 1
Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 2

Ngó thấy bàn tay đã chai sạn, bầm tím, rỉ máu, chị Út trải lòng: "Nói ra thì xấu hổ chứ nhà có 4 đứa con mà hai vợ chồng làm cả ngày được có 300.000 đồng. Thấy con không bằng ai, tôi xót lắm".

Chị Út kể, có nhiều hôm không có hạt điều làm, chị phải ra ao bắt ốc đem bán. Mò mẫm cả buổi được vài kí ốc, chị giữ những con ốc nhỏ về ăn với cơm. Còn lại đem bán cũng được 20.000 đồng. Lội bùn dưới ao khiến cơ thể lấm lem.

"Phụ nữ mà người lúc nào cũng hôi. Tôi cũng ngại khi thấy người khác trên đường bắt ốc về, sợ người ta nghĩ phụ nữ gì mà nhìn… bẩn quá. Mà thôi, nhà mình nghèo thì đành chịu, thà để người ta cười, còn hơn nhìn con mình đói…", chị Út bộc bạch.

Riêng những ngày mưa gió chẳng kiếm được tiền, 6 người trong gia đình sống trong căn nhà nhỏ, ôm nhau rơi nước mắt. Trong nhà không có nổi một cái điện thoại. Vợ chồng chị mỗi khi muốn gọi cho ai phải qua nhà mẹ chồng để mượn.

Chị Út quê ở thị trấn Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), lặn lội hơn 40 km đến xã An Trường để lập nghiệp. Làm nghề cắt lúa thuê, chị Út nên duyên với anh Đoàn rồi đến với nhau trong nghèo khó. Đám cưới cũng chỉ hai gia đình gặp nhau cho biết mặt, vậy là xong. Năm 2010, anh chị sinh con đầu lòng. Cái nghèo càng ngặt khi cả hai sinh đến đứa con thứ tư.

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 3

Anh Đoàn day dứt khi bản thân là trụ cột trong nhà mà không thể mang đến cuộc sống sung túc cho vợ con (Ảnh: Nguyễn Vy).

Vợ chồng chị Út trước đây sống trong căn nhà tranh lợp bằng lá dừa, gió lớn là lắc lư, nước mưa hòa với nước mắt. May mắn, gia đình anh được địa phương hỗ trợ tiền xây được căn nhà cấp 4. Anh Đoàn dùng tiền hỗ trợ mua vật liệu và nhờ anh em, họ hàng giúp dựng nhà, cũng đỡ được khoản lớn chi phí nhân công.

Mỗi tháng, do có chứng nhận bệnh tâm thần, anh Đoàn được trợ cấp 540.000 đồng. Địa phương cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm để gia đình anh trang trải qua ngày. Nhờ có sổ hộ nghèo, các con anh được miễn học phí.

"Tối nào tôi cũng gác tay lên trán suy nghĩ, coi ước mơ của mình là gì mà có nghĩ ra đâu, toàn mong sao cho ngày mai có tiền, mua đồ ăn ngon chút cho mấy đứa con", anh Đoàn cười, nói.

Những phần quà đến từ tấm lòng

Cũng giống như anh Đoàn, chị Út, từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại hội trường UBND xã An Trường để chờ được kiểm tra sức khỏe từ các y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM). Người dân đến khám bệnh đa số từ 60-90 tuổi, mất khả năng lao động và có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. 

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 4
Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 5

Chị Nguyễn Thị Nhầm (55 tuổi) đang bế đứa con bị bệnh Down, ngồi cạnh chồng để chờ đến lượt. Chị Nhầm bày tỏ sự vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ từ đoàn từ thiện: "Chồng tôi bị bệnh gút, tiểu đường, tay chân sưng hết mà không đến bệnh viện khám được vì sợ tốn tiền. Bình thường chỉ xin thuốc của bác sĩ gần nhà uống đỡ. Nay nghe tin có đoàn từ thiện xuống khám, cho thuốc miễn phí, vợ chồng tôi vui lắm".

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 6

Chị Nhầm vui mừng vì chồng được khám bệnh miễn phí, đứa con trai cũng được nhận học bổng từ chương trình.

Có mặt từ sớm tại chương trình, bà Trần Thị Hai (78 tuổi) không thôi nôn nao chờ đến lượt được khám bệnh miễn phí. 11 năm trước, do bất cẩn, bà té ngã khiến phần cổ chân bị gãy. Tình trạng quá nặng, dù con gái cố gắng tìm nơi cứu chữa, bà đành xua tay ra hiệu không cần vì nhà nghèo. "Tiền ăn không có, nếu chữa trị thì lấy đâu ra", bà Hai nói.

Nhận được thông báo có đoàn xuống địa phương khám bệnh và phát thuốc miễn phí, bà Hai xúc động: "Tôi và con gái rất mừng khi được hỗ trợ thuốc men thế này. Mặc dù trời âm u nhưng tôi vẫn cố đi, chỉ mong uống được viên thuốc, giảm đau được phần nào thì mừng quá".

Lao động nghèo ở Trà Vinh xúc động khi được khám bệnh miễn phí - 7

Di chuyển bằng đôi chân khập khiễng, bà Hai vẫn nôn nao chờ đến lượt được khám bệnh.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết bà con xã An Trường rất vui khi được khám chữa bệnh miễn phí. 

Phía UBND xã An Trường đã chủ động triển khai chọn lọc các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, lập danh sách và gửi thư mời đến bà con. Theo ông Trần Văn Dũng chương trình lần này đã góp phần giúp xã An Trường sớm đạt chỉ tiêu an sinh xã hội.

Xã An Trường có dân số 3.500 hộ, người dân sống chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp sản xuất lúa, dừa và chăn nuôi. Xét về hoàn cảnh khó khăn, có hơn 300 hộ dân có trường hợp đặc biệt khó khăn, túng thiếu. 

Ông Trần Quang Châu, Trưởng Phòng Công tác xã hội bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, phía bệnh viện có tổng cộng 26 y bác sĩ hỗ trợ khám bệnh tổng quát, siêu âm, đo điện tim cho người dân. Sau khi được khám đầy đủ, người dân sẽ nhận thuốc theo toa bác sĩ. 

Nội dung: Huỳnh Quyên, Nguyễn Vy

Ảnh: Ngọc Long, Nguyễn Vy