Mẹ chết não hiến tạng, cô gái khóc tiễn biệt: "Mẹ bảo đợi con lấy chồng mà"
(Dân trí) - Phút vĩnh biệt trước khi các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng của người mẹ chết não, cô con gái nắm chặt tay mẹ, khóc nghẹn: "Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng mà".
Trong phòng bệnh ngày cuối năm, cô gái vừa khóc vừa ôm mẹ nói lời từ biệt: "Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng mà".
Người phụ nữ dân tộc Tày, sống tại Lào Cai, rơi vào tình trạng chết não sau tai nạn lao động nghiêm trọng. Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến 4 người con thành mồ côi, mất đi chỗ dựa. Cô gái là con cả, từ nay phải thay mẹ chăm sóc 3 người em.
Nén nỗi đau quá lớn, gia đình đã dũng cảm quyết định hiến tạng của người phụ nữ, mang đến cơ hội sống cho những bệnh nhân cận kề cái chết.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vận chuyển bệnh nhân đến Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia hàng đầu thống nhất đánh giá bệnh nhân chết não, tổ chức hồi sức và thực hiện lấy tạng.
Phút vĩnh biệt trước khi các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng, hai cô con gái nắm chặt tay mẹ, khóc không ngừng. Chị cả cầm điện thoại gọi video để các em ở quê được nhìn mẹ lần cuối, nước mắt cứ thế lăn dài.
Một trái tim, một lá gan và một quả thận của người mẹ đã được phân phối, ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển xuyên đêm về Lào Cai, tạo tiền đề cho "ca ghép thận lịch sử" cứu sống một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên địa bàn.
Nghĩa cử cao đẹp của gia đình người phụ nữ được lan tỏa trên mạng và nhận về nhiều phản hồi tích cực.
"Trân trọng và kính trọng nghĩa cử cao đẹp của chị và gia đình. Một cuộc đời khép lại khiến 4 đứa trẻ mồ côi nhưng tái sinh nhiều cuộc đời khác", người dùng Diễm Thúy viết.
"Nghĩa cử cao đẹp của gia đình đem lại sự sống cho nhiều người khác. Cuộc sống dường như được tiếp nối, người đã mất sẽ sống trong hình hài của những người khác", độc giả Ngọc Anh cảm thán.
Đây không phải lần đầu những người con nén đau thương, thực hiện di nguyện hiến tạng cha mẹ không may qua đời.
Giữa tháng 12, anh P.V.K. - con trai ông P.V.Đ. tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) - đã ký vào đơn đồng ý hiến giác mạc của bố để giúp những người vốn sống trong mù lòa.
Các thành viên khác trong gia đình đều hiểu về nghĩa cử cao đẹp hiến tạng, nén xót xa để thực hiện di nguyện của ông Đ. "Chúng tôi mong muốn đem đến ánh sáng cho những người khiếm thị", anh K. nói.
Bị mất một cánh tay sau vụ tai nạn cách đây 12 năm, anh thấu hiểu cảm giác của những người khiếm khuyết.
"Người khiếm thị còn khổ hơn tôi rất nhiều. Bố đã ra đi, tôi muốn hiến giác mạc của ông cho những người còn khổ hơn mình. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là bộ phận quan trọng bậc nhất với cuộc sống của mỗi người, để có thể nhìn thấy và cảm nhận", anh cho hay.
Nhận điện thoại từ người thân ông Đ. thông báo di nguyện hiến tặng giác mạc khi đó, các nhân viên Ngân hàng mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã huy động nhân lực, dụng cụ, di chuyển nhanh nhất về Hải Hậu. Mục tiêu quan trọng là thu nhận giác mạc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể.
Sau khi hỗ trợ ổn định tinh thần người thân của ông Đ., các nhân viên thực hiện thu nhận giác mạc.
Dưới ánh nến, công tác thu nhận diễn ra khẩn trương, trang nghiêm và tĩnh lặng. Mọi thao tác đều nhẹ nhàng, nghiêm cẩn hết sức để người xấu số thanh thản rời đi, tự hào về di sản quý giá sau cùng để lại cho cuộc đời.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não gấp 6 lần so với năm 2023. Số bệnh nhân chết não hiến tạng năm qua là 39 ca, cao kỷ lục ở Việt Nam tính đến nay.
Tuy vậy, tỷ lệ hiến tạng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng. Số lượng ca chờ ghép cao, những người chờ ghép tạng vẫn còn rất nhiều.
Các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.
Với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp, những ca ghép tạng đã đem đến niềm tin, hy vọng, cơ hội về cuộc sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ đó, việc ghép tạng được đánh giá tác động lớn trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.