DNews

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi "cháu nội"... không máu mủ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Một người phụ nữ dắt theo đứa bé chừng 3 tuổi đến quán bánh xèo, rồi bỏ con lại, đi mất. Đôi vợ chồng nghèo chủ quán bánh giữ lại đứa trẻ, chăm sóc, yêu thương như cháu nội suốt 5 năm qua.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi "cháu nội"... không máu mủ

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi "cháu nội" không máu mủ

(Dân trí) - Một người phụ nữ dắt theo đứa bé chừng 3 tuổi đến quán bánh xèo, rồi bỏ con lại, đi mất. Đôi vợ chồng nghèo chủ quán bánh giữ lại đứa trẻ, chăm sóc, yêu thương như cháu nội suốt 5 năm qua.

"Trong trí nhớ của tôi, con bé lúc đó đen nhẻm, gầy gò, chưa tròn 10kg. Mẹ nó bỏ đi từ lúc nào, để lại con bé bơ vơ ở quán bánh xèo của nhà tôi, gương mặt ngơ ngác không biết mình bị bỏ rơi", ông Chương nhớ lại.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 1
Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 2

Cháu "nhặt"

Trưa Giáng sinh năm 2018 với vợ chồng ông Nguyễn Văn Chương và bà Phạm Thị Luôn (cùng 70 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) trở thành phần ký ức không thể quên. Đồng hồ điểm 11h, như thường ngày, ông bà đẩy xe bánh xèo ra đầu hẻm để bán.

Hôm đó là ngày lễ, khách đông, đôi vợ chồng cặm cụi chiên bánh, chẳng để ý tới người phụ nữ vào quán, dắt theo đứa bé 3 tuổi. Tất bật phục vụ hết nhóm khách nọ tới tốp ăn kia, ông bà Chương cũng không biết người phụ nữ rời quán lúc nào. Tiền ăn chưa trả, người này còn để lại cho vợ chồng ông… một đứa trẻ.

Ngỡ rằng người mẹ chỉ đang đi xem hang đá nhà thờ gần đó nên ông Chương dỗ dành, trấn an đứa trẻ ngồi chờ mẹ quay lại đón rồi quày quả dọn dẹp.

"Con bé cứ ngồi im, chẳng quấy khóc gì cả. Chân thì đầy sẹo, tay dính đầy bùn đất, ôm bọc đồ có vài bộ quần áo bên trong", ông Chương kể.

Đến cuối buổi hàng vẫn không thấy người mẹ trở lại đón con, vợ chồng ông mới ngờ ngợ...

"Lúc đó tôi hỏi 'mẹ con đâu' thì bé lắc đầu, tỏ ra mệt rồi ngủ gục bên bàn ăn. Thấy vậy, tôi mới đưa cháu vào nhà nghỉ ngơi rồi báo chính quyền địa phương (tổ dân phố và UBND phường 16, quận Gò Vấp - PV)", ông Chương nói.

Sau đó, Tổ trưởng dân phố thống nhất giao ông bà giữ bé gái ít ngày, chờ người mẹ quay lại. Ấy vậy mà mọi chuyện thoắt cái đã 5 năm.

Thời gian đầu, sự xuất hiện của thành viên mới khiến cuộc sống gia đình ông Chương, bà Luôn bị đảo lộn. Vợ chồng ông có 2 người con, đời sống phần lớn phụ thuộc vào xe bánh xèo đầu hẻm.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 3
Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 4

Thu nhập không cao nhưng xe bánh xèo cũng vừa đủ nuôi cả gia đình. Từ khi có thêm một miệng ăn, gánh nặng đè lên vai đôi vợ chồng già cũng lớn hơn.

"Con bé yếu ớt lắm, nhà tôi mua sữa không uống, đút cháo không ăn. Cháu lại hay ốm vặt, có lần sốt cao lắm, con trai tôi phải chở xuống Bệnh viện Nhi đồng", ông Chương nhớ lại.

Suốt thời gian bé gái nhập viện, bà Luôn là người ra vào chăm sóc, chạy đi chạy về như con thoi, không đếm xuể. Nhiều ngày liền bà ở lại bệnh viện cả đêm, đến 5h sáng lại quày quả chạy chợ mua nguyên liệu cho quán bánh xèo sẽ mở lúc gần trưa. Từng bị tai biến, dù dễ mệt, bà Luôn vẫn vừa bán quán, vừa chăm cháu như thế.

Trận ốm đó, vừa xuất viện không bao lâu, bé gái tiếp tục đổ bệnh, gia đình bà lại phải chạy chữa khắp nơi. Thu nhập từ xe bánh xèo không đủ, lần đầu tiên ông Chương "bấm bụng" đi vay mượn tiền.

Từ biến cố đó, cả nhà ông bà chủ xe bánh xèo nhận ra đã sớm coi đứa "cháu nhặt" là thành viên trong gia đình. "Coi như là cái duyên, cái nợ trời ban", ông Chương nghĩ.

Nuôi đứa cháu không máu mủ, thân thích, gia đình ông Chương cũng phải chịu cảnh đàm tiếu. Có người đã đồn thổi bé gái là con riêng của ông, có người đến khuyên ông "giả" đứa nhỏ cho nhà nước. Nhưng khi tình cảm tự nhiên, quấn quýt như người nhà, cả gia đình chẳng ai bảo ai, đều bỏ ngoài tai những chuyện xàm xí, càng thương quý đứa cháu gái bị bỏ rơi.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 5
Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 6

Ông Chương đặt tên bé là Nguyễn Ngọc Tường Vy, ra chính quyền địa phương xin định tuổi. Ông nói, cái tên này là niềm hi vọng của vợ chồng ông gửi gắm vào đó. "Mong cho cháu luôn xinh đẹp, thông minh và có cuộc đời bình an", ông Chương nói.

Tường Vy lâu nay vẫn gọi ông Chương và bà Luôn là ông bà nội, cậu con trai đầu của ông bà, bé gọi bằng ba.

5 năm, đứa bé đen nhẻm, ngơ ngác bị bỏ lại quán bánh xèo ngày nào giờ đã lớn bổng, xinh xắn, gương mặt bầu bĩnh với đôi má phinh phính. Nhiều người yêu thích cô bé xinh xắn, đến quán xin đem Tường Vy về nuôi. Thậm chí, từng có cặp vợ chồng hiếm muộn lặn lội đường xa tới xin, ông Chương một mực từ chối.

"Kể cả người ta có đưa tiền, tôi vẫn không 'bán' cháu. Nếu vì tiền, có lẽ gia đình tôi đã không nuôi cháu ngay từ những ngày đầu. Con bé đến với gia đình tôi hẳn là cái duyên trời định, có vất vả đến mấy chúng tôi cũng nuôi cháu nên người", ông Chương quả quyết.

Gia đình không máu mủ

Khi về ở với gia đình ông được một năm, 4 tuổi, vợ chồng ông Chương đi hỏi khắp nơi để xin cho Tường Vy đi học. Nhưng mọi việc không thành vì bé gái chưa có giấy khai sinh, vợ chồng ông lại không đủ điều kiện nhận cháu làm con nuôi. Phương án được chọn lúc đó là cho cô bé học mẫu giáo tư thục, với học phí 3 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 9/2019, xét thấy gia đình khó khăn, địa phương đã tháo gỡ, cấp giấy khai sinh để bé Vy được đến trường, hưởng các quyền lợi như mọi trẻ em trên địa bàn. Gia đình ông cũng được làm thủ tục nhận nuôi bé. Tuy nhiên, vừa học được 2 tháng ở trường công lập, Vy đổ bệnh, phải ở nhà điều trị, đến khi khỏi bệnh thì lại lỡ ngày nhập học. 

Vy đành tham gia lớp học tạm cô giáo tranh thủ dạy buổi trưa hoặc tối. "Vậy mà con bé ham học, chưa bỏ buổi nào nên cô giáo thương lắm. Ở nhà cháu cũng cặm cụi vẽ, tập viết, tập tính suốt, luôn hoàn thành sớm bài tập cô giao. Dù chưa hoàn thành lớp vỡ lòng nhưng Vy viết chữ rất đẹp", ông Chương tự hào khoe.

Mỗi ngày, cứ tầm 14h là Vy từ nhà ra đầu hẻm ngồi trông tiệm bánh xèo cùng ông Chương. Hễ thấy ông làm việc liên miên, Vy liền nhắc: "Ông nội làm ít thôi, ông nội ngồi nghỉ đi". Dạo gần đây, bà Luôn lại bị tai biến, phải nằm suốt trong nhà, vẫn hai ông cháu bám xe bánh xèo.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 7

Ông Chương làm việc không ngừng để kiếm tiền nuôi đứa cháu nội "dưng" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hai ông cháu nói chuyện rất hợp nhau. Từ khi có cháu, mỗi sáng ông Chương chỉ ăn nửa ổ bánh mì, dành lại nửa ổ cho cháu nội.

"Lớn lên con muốn làm đầu bếp, để nấu đồ ăn cho ông bà nội", bé Tường Vy hào hứng.

Vy kể mới chỉ biết làm món trứng chiên, còn lại ông bà nội lo hết. Con bé ngoan ngoãn, từ lúc bé xíu đã ý thức phụ giúp, quét dọn nhà cửa cho ông bà, việc cá nhân cũng tự giác, không làm phiền đến ai. Quần áo, đồ dùng đa phần là của mạnh thường quân tặng, con bé chưa bao giờ đòi hỏi thứ gì.

Thỉnh thoảng, Vy được ba nuôi (con trai ông Chương) chở đi siêu thị chơi. Cô bé líu lo kể, đó là những chuyến đi thích nhất.

Đến nay, đã 8 tuổi, cô bé đã đủ hiểu về hoàn cảnh của mình. Ông Chương kể, có người không biết, vô tư hỏi bé về mẹ ruột. Lúc ấy, Vy chỉ cúi gằm mặt, buồn bã nói: "Mẹ con chết rồi". Thấy vậy, vội ra dấu cho người khách dừng nói về việc đó, từ đấy vợ chồng ông Chương cũng luôn tránh để cháu gái rơi vào những câu chuyện như thế.

"Nó buồn một lát rồi cũng quên, con nít mà. Vy nó thích học toán với vẽ lắm, cứ rảnh là lôi vở ra viết, vẽ đủ thứ hay tìm mấy đứa trẻ ở xóm chơi cùng, xong là thấy con bé vui lại ngay", ông Chương nói.

Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 8
Vợ chồng già bán bánh xèo nuôi cháu nội... không máu mủ - 9

Cặm cụi vài nét chữ, Vy nắn nót viết: "Tường Vy. Con cảm ơn ông bà nội". Nhìn dòng chữ, ông Chương rơm rớm nước mắt. Ông chia sẻ mong muốn cháu nội được đến trường, càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo UBND phường 16 cho biết, địa phương đã tiếp nhận và xác minh trường hợp của bé Vy. Qua đó, các đơn vị chức năng tại cơ sở đã phối hợp hỗ trợ ông Chương làm thủ tục chính thức nhận nuôi bé. Dự kiến, bé Vy có thể trở lại trường vào tháng 6 năm nay.

Đối với vợ chồng ông Chương, cả hai chưa bao giờ hối hận vì đã cưu mang bé gái.

"Chúng tôi khó khăn thêm một chút thì con bé có được một gia đình, một mái nhà như bao đứa trẻ khác. Vợ chồng tôi không bận tâm sau này cháu nó trưởng thành, trả ơn... gì cả bởi bản thân mỗi người đều không biết sẽ sống được đến khi nào. Làm được một việc có ích cho đời với tôi là quá đủ", ông Chương tâm niệm.

Bài và ảnh: Nguyễn Vy