(Dân trí) - "6 năm làm vợ nhưng ngày bên chồng, chỉ đếm bằng con số ngắn ngủi. Ngày nhận giấy báo tử của anh, con gái đứa bồng, đứa dắt. Nay tôi 90 tuổi, còn anh ở đó, mãi mãi tuổi 30", cụ Hồ Thị Hiệt trải lòng.
Gần 60 năm qua, cụ Hồ Thị Hiệt (trú tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) - vợ liệt sỹ Phạm Quang Huy (1935-1965) - vẫn chung thủy với tình yêu, thờ chồng, nuôi con từ lời hẹn thề ngày anh ra chiến trường.
Những năm tháng qua, để xua đi nỗi đau, nỗi nhớ nhung, thi thoảng, cụ Hiệt tự an ủi mình "Có lẽ anh đang đi chiến đấu tận phương trời xa mà chưa kịp về đoàn tụ".
Tuổi 90, cụ Hiệt tóc bạc trắng, người khỏe khoắn, nụ cười hiền hậu, nhưng đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm. Dù thời gian đã xóa đi nhiều ký ức, nhưng mỗi lần nhắc đến người chồng liệt sỹ, lòng cụ lại nôn nao đến lạ. Đôi bàn tay nhăn nheo, cụ Hiệt lân la những kỷ vật, từng dòng ký ức với lời hẹn ước hay cái ôm tạm biệt cuối cùng của chồng như dội về.
"Anh Huy", cái tên ấm áp cụ vẫn thường gọi chồng như ngày đầu mới làm vợ.
"Mỗi lần nhớ anh, tôi lại đưa những kỷ vật này ra xem, nhưng chỉ vừa thấy, lòng đã đau nhói. Ngày anh rời quê, dặn dò ở nhà chịu khó chăm sóc cho con khỏe, con ngoan, trận chiến xong sẽ về, nào ngờ đó là lần cuối", cụ Hiệt mở đầu câu chuyện.
Năm 19 tuổi, ở thì con gái đẹp nhất, cô gái Hồ Thị Hiệt nhận lời yêu chàng lính Phạm Quang Huy người xã bên. Chị Hiệt lúc đó là cô gái nông thôn chân phương, hiền lành, tháo vát, còn chàng trai Quang Huy, bố mẹ mất sớm, lớn lên trong vòng tay của người thân, họ hàng.
Cảm thương chàng lính trẻ mồ côi bố mẹ từ nhỏ, lại thông minh, xán lạn nên dù tình yêu chỉ thể hiện qua những nét bút viết vội ở chiến trường, cô gái Hồ Thị Hiệt vẫn lấy đó làm động lực, chờ ngày anh trở về.
Chờ đợi, yêu xa đằng đẵng trong 6 năm trời, có những lúc chiến tranh tưởng chừng sẽ chia cách hai người. Nhưng sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, người lính Phạm Quang Huy được chuyển về công tác tại nhà máy gạch Hưng Nguyên (Nghệ An).
Cũng trong dịp này, hai người mới có dịp gặp mặt sau nhiều năm xa cách. Năm 1959, một đám cưới giản đơn nhưng ấm áp diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình.
Ngày đó, cô gái Hồ Thị Hiệt chọn cho mình bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để về nhà chồng, còn chàng trai Phạm Quang Huy khoác trên mình bộ đồ xanh bộ đội đi hỏi cưới. Nhưng làm vợ được 7 ngày, anh Huy phải trở lại công việc.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, khi Tổ quốc vẫy gọi, anh tiếp tục xung phong trở lại chiến trường, hành quân lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Ngày rời quê lên đường, vợ chồng đi bộ hàng chục km, men theo con đường đất đỏ dẫn đến vùng Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) để đón xe.
Gần nửa ngày đi bộ tiễn chồng, người vợ trẻ kìm nén cảm xúc để nước mắt không rơi. Cho đến khi lời tạm biệt vừa cất lên, chiếc xe chuyển bánh, người vợ lính khóc không ngừng.
"Lúc tiễn chồng không giám khóc, sợ anh không vững tâm để đi thực hiện nhiệm vụ cho Tổ quốc. Người đi vì sứ mệnh, người ở lại chăm lo gia đình. Làm vợ lính thời chiến thiệt thòi, nhớ, thương chỉ biết bày tỏ qua tấm thư", cụ Hiệt nhớ lại.
Sau đám cưới, tình yêu của hai người càng thêm trọn vẹn khi cô con gái đầu lòng Phạm Thị Nga (SN 1962) chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Đến cuối năm 1964, trong một lần về phép ngắn ngủi, gia đình có thêm tin vui khi sinh cô con gái thứ hai - Phạm Thị Cảnh.
Ngày tiễn chồng lên đường vào chiến trường miền Nam lần này, người vợ trẻ gửi hai cô con gái cho bà ngoại trông. Chuẩn bị ít quần áo ấm, lương khô cùng lời dặn dò: "Anh cứ an tâm đi, ở nhà em sẽ lo cho hai con. Vì việc nước, mong anh luôn khỏe để về với mẹ con".
Cụ Hiệt nhớ như in ngày tiễn chồng lần cuối. Đó là buổi chiều mưa cuối đông, trời rét căm căm. Không như lần trước, bà khóc rất nhiều, ôm chồng lâu hơn. Bởi cả hai người đều hiểu, chiến tranh lúc này đang khốc liệt nhường nào, có thể, đây cũng là lần cuối gặp nhau bằng xương bằng thịt. Vững tâm với lời hứa "khi chiến thắng, anh sẽ về", bà Hiệt ở quê vẫn nuôi con, đảm đương việc đồng áng chờ ngày hội ngộ.
Những lá thư viết vội gửi vào chiến trường chẳng thấy hồi âm, bà Hiệt buồn, nghĩ đến chuyện xấu nhất xảy ra, nhưng vẫn nuôi hy vọng từ lời hứa sẽ trở về. Cho đến ngày nhận giấy báo tử ghi liệt sỹ Phạm Quang Huy hy sinh năm 1965, người phụ nữ ngã quỵ, không tin đó là sự thật.
"Ngày chồng hy sinh, Cảnh mới tròn 6 tháng tuổi. Khi đó, tôi tay bồng đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn, chịu tang chồng. Cứ tưởng chồng đi lo việc nước xong rồi về, nào ngờ anh đi xa mãi", cụ Hiệt ngậm ngùi.
Trong dòng hồi ức ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Hiệt không nhớ mình đã gửi bao nhiêu lá thư đi và nhận bao nhiêu lá thư về từ chiến trường. Chỉ có sự chung thủy trong tình yêu cho đến giờ vẫn chưa thay đổi.
Cầm lá thư trên tay, cụ Hiệt vuốt ve những nét chữ mà người chồng viết vội ở chiến trường. Đó là những lời thổ lộ chân thành mà mộc mạc của người lính gửi đến vợ nơi quê nhà.
"Hiệt em, đã hơn một tháng trời mà anh chưa viết được thư gửi về, chắc em mong lắm thì phải. Nhưng vì điều kiện đơn vị, tới nay mới có địa chỉ, anh vội biên thư kẻo em mong đợi. Đầu tiên, báo em mừng, từ hôm anh đi đến nay, chỉ có tuần đầu người ít ăn, ít ngủ nên sức khỏe có phần sa sút. Nhưng đến nay, anh ăn ngủ bình thường, sức khỏe lại hồi phục, mà có thể nói khỏe hơn khi ở xí nghiệp.
Cụ thể, qua một tháng huấn luyện, kiểm tra lại sức khỏe, người anh lên được thêm 2kg. Cái đó là cái thắng lợi, phấn khởi về sức khỏe nên báo để em mừng chứ đừng lo ngại về phần đó. Còn hiện nay, anh đang ở đâu, cái này chắc em đang ngồi đoán đi Lào hay đi miền Nam nói xem nào? Xin thưa rằng không đi đâu cả mà ở trong vòng tỉnh Nghệ An thôi. Vì bí mật quân sự không thể nói rõ với em địa điểm ở của anh hiện nay được", lá thư liệt sỹ Phạm Quang Huy gửi về cho vợ.
Dù không gặp nhau nhiều, nhưng tình yêu của họ vẫn lớn dần qua những lá thư. Mỗi nét bút, liệt sỹ Huy thể hiện lòng mình, đó là trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân.
Song song với đó, người lính cũng gửi gắm nỗi nhớ nhung, lời hỏi thăm bố mẹ ở nhà ra sao, con gái Phạm Thị Nga đã hết ốm chưa, vợ có vất vả không. Đặc biệt, trong lá thư đã bạc màu, liệt sỹ Huy chia sẻ niềm vui khi ở chiến trường, nhưng cũng không sao quên được tình cảm quê hương, gia đình.
"Hoàn cảnh khách quan ở đây làm cho anh nhớ đến con gái Nga. Nhưng nhớ thì biết làm sao bây giờ. Giá như ở Vinh, tranh thủ đạp xe về vài ngày cũng được. Nhưng nay đành chịu, nhất là bây giờ đang mang hai chữ thời chiến, chứ không phải thời bình nên mẹ con cũng phải xác định tư tưởng, trách nhiệm của mình", trong bức thư khác, liệt sỹ Huy dặn dò.
Trong trang nhật ký được chắp vá từ nhiều màu mực, những ngày ở chiến trường Quảng Trị, liệt sỹ Phạm Quang Huy viết: "Em ơi anh chưa về bởi vì quân giặc/ Sông Hiền Lương ngăn khoảng cách đôi đường… Khi nước nhà chưa được thống nhất/ Anh còn đi giành lấy ngày về gặp em".
Nhưng rồi người lính Phạm Quang Huy chẳng thể trở về nhà nữa. Máu xương của anh đã hòa quyện nơi chiến trường để góp phần đưa đất nước đến ngày độc lập.
Chồng hy sinh, bà Hiệt lấy hai con gái làm điểm tựa, làm lẽ sống và niềm vui mỗi ngày cho bản thân. Biết hoàn cảnh của bà, không ít người khuyên nên đi bước nữa để có người gánh vác, bảo vệ, nhưng người vợ liệt sỹ nhất quyết không nghe.
Một mình "thủ tiết" thờ chồng, nuôi hai con khôn lớn từ hạt lúa ngoài đồng. Đến nay, hai cô con gái đã có tổ ấm hạnh phúc riêng, cụ Hiệt có thêm 4 cháu và 4 chắt, bù đắp niềm vui ở tuổi già.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ 10/10 âm lịch hoặc Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), cụ Hiệt cùng con, cháu vào nghĩa trang ở Quảng Trị để lo hương khói cho người chồng liệt sỹ đang yên nghỉ cùng đồng đội.
Nhìn lên bức ảnh trắng đen ở bàn thờ, ánh mắt cụ Hiệt như chùng xuống.
"Yêu anh khi 19 tuổi, 25 tuổi cưới, 30 tuổi anh hy sinh. Nay tôi 90 tuổi, còn anh vẫn ở đó, chỉ mãi tuổi 30. Tính ra số ngày được làm vợ, sống bên anh chỉ là con số ngắn ngủi. Đã làm vợ anh, tôi giữ trọn lòng thủy chung son sắt, dành cả đời để yêu thương", cụ Hiệt nghẹn ngào.