Hạn chế rút BHXH một lần, cần hỗ trợ người lao động tránh bẫy tín dụng đen
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ quy định hạn chế rút BHXH một lần và đặt vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính khi người lao động gặp khó khăn, cần tiền để giải quyết.
Đây là quan điểm Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu về các phương án quy định việc rút BHXH một lần vừa được đưa ra thảo luận lần đầu tại Quốc hội, khi trao đổi bên lề họp báo về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Ông Hiểu cho rằng, cả hai phương án Chính phủ trình (phương án không được rút BHXH với người lao động tham gia từ thời điểm luật BHXH sửa đổi có hiệu lực và cho rút nhưng chỉ được nhận 50% thời gian đã đóng BHXH - PV) đều có ưu điểm, lựa chọn phương án nào thì việc rút BHXH giờ cũng kèm theo điều kiện. Tuy nhiên, phương án nào cũng cần có thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, kinh tế, trong lúc lao động gặp khó khăn, không còn việc làm và rất cần tiền.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, quan điểm của tổ chức Công đoàn là không làm suy giảm quyền lợi của người lao động khi sửa luật BHXH.
Ở góc độ là cơ quan bảo vệ người lao động, ông Hiểu cho rằng vẫn nên cho người lao động được rút BHXH một lần vì đó là quyền của họ. Nhưng Nhà nước cần có chính sách hạn chế rút, kèm theo các giải pháp hỗ trợ cho người lao động.
Tổ chức Công đoàn cũng mong muốn có giải pháp để hạn chế việc rút bảo hiểm, tức cần có giải pháp hỗ trợ tín dụng của Nhà nước để giúp người lao động giải quyết được những tình huống khó khăn, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tín dụng đen.
"Công đoàn không mong muốn người lao động rút BHXH một lần. Tình trạng rút BHXH một lần hiện tại là nỗi lo, băn khoăn chung. Thực tế hiện nay, cứ hai người tham gia BHXH mới lại có một người rời khỏi hệ thống, rất đáng lo ngại về an sinh sau này", ông Hiểu nói.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến - Trưởng Ban Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là làm sao có phương án thu hút người lao động tự nguyện tham gia BHXH và không rút bảo hiểm, ở lại hệ thống an sinh.
Để làm được việc đó, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ đối với trường hợp người lao động cần những khoản tiền "nóng" để giải quyết khó khăn trước mắt. Còn về lâu dài, theo ông Tiến, vẫn phải làm sao tăng lương, để người lao động có thu nhập đủ tích lũy.
"Khi có tích lũy thì không người lao động nào muốn rút BHXH một lần nữa", ông Tiến nói.
Giải trình trước Quốc hội về quy định rút BHXH một lần được đề xuất, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, thể hiện tính chính trị - xã hội cũng như tính chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo luật BHXH sửa đổi và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.
Bộ trưởng nêu rõ hai mục tiêu khi xây dựng quy định về rút BHXH một lần. Thứ nhất, là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là quyền được rút bảo hiểm. Thứ hai, phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và lo cho người dân khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống.
Trên tinh thần chung đó, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhìn nhận: "Hiện tại, rất khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, mà Chính phủ sẽ tiếp tục chỉnh lý, đề xuất thêm hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn".
Qua thảo luận, lấy ý kiến của người lao động, Tổ chức lao động quốc tế và đặc biệt là ý kiến thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng cho rằng, tinh thần là tiếp tục điều chỉnh quy định được thiết kế theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần, không phân biệt người đóng trước hay sau, sau khi luật có hiệu lực.