1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hải Dương: Phất lên nhờ rủ nhau học nghề... đồng nát

Nghề buôn đồng nát tại thôn Tràng Kênh (xã Kim Giang, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây và giúp bà con có vốn để “phất” lên với nhiều nghề mới.

Làm giàu bằng nghề đồng nát

Dẫn chúng tôi đi dọc con đường vào thôn Tràng Kênh với hai bên đường san sát những ngôi nhà cao tầng, biệt thự lớn, ông Trình Văn Trường – Chủ tịch Hội ND xã Kim Giang tự hào cho biết: “Xã có trên 30 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi nhờ nghề “mổ” xe cũ, xe tai nạn; sản xuất giày dép... Trước đây các hộ đều làm ruộng, nhờ mạnh dạn chuyển đổi nghề mà nhiều gia đình đã trở thành tỷ phú, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 3-5 triệu đồng/người/tháng”.

Anh Vũ Phương Hùng (phải) đang được “tiền bối” Vũ Văn Đoàn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sửa một chiếc xe cũ tại xưởng. Ảnh: M.L
Anh Vũ Phương Hùng (phải) đang được “tiền bối” Vũ Văn Đoàn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn sửa một chiếc xe cũ tại xưởng. Ảnh: M.L

Một trong những người nổi danh tại thôn Tràng Kênh là anh Vũ Đình Toàn (44 tuổi). Hiện anh Toàn sở hữu 2 cơ sở sản xuất giày dép lớn và có nhiều cửa hàng phân phối ở Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên. Anh Toàn chia sẻ: “Hơn chục năm trước, gia đình tôi chỉ trông chờ vào 6-7 sào ruộng, cấy trồng vất vả mà vẫn không đủ ăn, vợ chồng cố sắm chiếc xe đạp cà tàng với bao tải đi thu lượm sắt vụn, đổi dép cũ - dép mới để kiếm đồng ra đồng vào.

Trước đây các hộ đều làm ruộng, nhờ mạnh dạn chuyển đổi nghề mà nhiều gia đình từ chỗ chỉ có vài sào ruộng đủ ăn, nay đã trở thành tỷ phú. Trong đó, một số hộ buôn bán, kinh doanh quy mô lớn, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương” - Ông Trình Văn Trường

Dần dần khi đã có mối quan hệ làm ăn, vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn vốn tập trung vào kinh doanh mặt hàng dép nhựa, lấy hàng rồi giao cho người bán buôn, đại lý bán lẻ”.

Đến nay, vợ chồng anh Toàn có doanh thu không dưới 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho hơn chục lao động, đồng thời thường xuyên chia sẻ bí quyết làm ăn cho người khác và truyền dạy nghề làm giày dép cho lao động trẻ.

Không ngại truyền nghề

Mặc dù chưa học xong cấp 3, nhưng hiện anh Vũ Văn Đoàn (SN 1971) trú tại thôn Tràng Kênh đã có một xưởng chuyên “mổ” xe cũ, phân phối, mua bán các loại xe ô tô, máy xúc, máy ủi thải loại. Anh Đoàn cho biết: “Thực chất công việc của mình là đi thu mua đồng nát, tân trang xe cũ, “mổ” các xe gặp tai nạn, hư hỏng nặng để lấy phụ tùng, tân trang cho xe khác. Hiện xưởng sản xuất của tôi đảm bảo công việc ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 9 - 10 triệu đồng/người/tháng”.

Giờ đây, khi đã có kinh nghiệm, vốn liếng làm ăn, anh Toàn vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề cho người khác.

Từng nhiều năm đi làm thuê đủ thứ nghề như xây dựng, cơ khí nhưng vì thu nhập bấp bênh, anh Vũ Phương Hùng (26 tuổi) lại trở về quê hương gây dựng cơ nghiệp bằng nghề đồng nát “truyền thống”. Anh Hùng may mắn nhận được sự giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm của các bậc “tiền bối” trong làng đồng nát, trong đó có anh Đoàn, nhờ vậy đến nay anh Hùng có thể tự sửa chữa các loại xe.

“Mỗi lần mua được chiếc xe bị hỏng và sửa chữa nó xong xuôi, tôi thấy rất vui. Tôi tin rằng mình sẽ sớm xây dựng được một xưởng sản xuất riêng, bởi trong quá trình làm việc tại xưởng sản xuất của anh Đoàn, tôi đã học hỏi được rất nhiều và dần hoàn thiện bản thân để trở thành một ông chủ buôn đồng nát thực thụ” – anh Hùng cười nói.

Theo Danviet.vn