1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu nhưng muốn rút một lần được không?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều lao động đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ năm để hưởng lương hưu nhưng vì lý do đột xuất cần số tiền lớn nên muốn rút BHXH một lần để chi tiêu.

Khảo sát về việc rút BHXH một lần do Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) thực hiện trong nhóm 1.200 lao động ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai vào cuối năm 2022 cho thấy, có hơn 50% lao động đã rút hoặc có ý định rút BHXH một lần.

Nguyên nhân rút BHXH một lần của họ chủ yếu là để trang trải cuộc sống (44%). 16% khác rút BHXH một lần là để lấy tiền trả nợ.

61,4% số lao động trên xem BHXH như là tiền tiết kiệm, khi cần sẽ rút một lần để chi tiêu.

Thậm chí, nhiều người đã đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu nhưng vẫn muốn rút BHXH một lần. Tuy nhiên, không phải người lao động muốn rút BHXH một lần lúc nào, trong trường hợp nào cũng được.

Đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu nhưng muốn rút một lần được không? - 1

Nhiều lao động xem BHXH như một khoản tiền tiết kiệm, khi cần sẽ rút một lần (Ảnh minh họa: CTV).

Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội, người lao động tham gia BHXH được rút BHXH một lần trong 5 trường hợp cụ thể.

Thứ nhất là người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai là người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Thứ ba là người lao động ra nước ngoài để định cư.

Thứ tư là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, không có khả năng hồi phục.

Thứ năm là trường hợp người lao động làm việc trong các cơ quan lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Như vậy, khi người lao động đã đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu (theo Luật BHXH 2014 là 20 năm) nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì chỉ được rút BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại nhóm thứ ba, thứ tư và thứ năm.

Nếu người lao động đã đóng BHXH đủ năm để hưởng lương hưu và đã đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn được rút BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại nhóm thứ ba và thứ tư.

Trong các trường hợp khác, người lao động không được rút BHXH một lần mà chờ đến tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí.

4 khoản tiền "khủng" người lao động bị mất khi rút BHXH một lần

Thứ nhất, không có lương hưu hằng tháng. Đây là khoản tài chính đảm bảo cho cuộc sống về hưu của người lao động khi họ đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe không còn tốt để làm việc kiếm tiền.

Thứ hai, không có bảo hiểm y tế ưu đãi cao. Người đang hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí từ cơ quan BHXH. Khi đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến với loại thẻ này sẽ được quỹ BHYT thanh toán đến 95% chi phí khám chữa bệnh.

Thứ ba, người thân không được hưởng trợ cấp tuất. Trợ cấp tuất là một phần đảm bảo an toàn tài chính cho con nhỏ, vợ yếu, cha mẹ già của người lao động đã tham gia BHXH trên 15 năm chẳng may qua đời.

Thứ tư, người thân không có trợ cấp mai táng. Khoản tiền trợ cấp mai táng được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động tham gia BHXH với mức bằng 10 tháng lương cơ sở. Khi người lao động đã rút BHXH một lần thì khi qua đời, thân nhân của họ sẽ không được nhận trợ cấp mai táng.