"Đến với trẻ khuyết tật bằng tấm lòng người cha, người mẹ mới... trụ được"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung căn dặn người làm công việc nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật phải bằng trái tim và lương tâm. Chỉ làm vì đồng tiền dễ biến cơ sở chăm nuôi trẻ thành nơi tiêu cực.
Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến thăm, làm việc với 3 trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ, gồm: Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì (Phú Thọ), Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội), Trung tâm quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tại Sơn Tây (Hà Nội).
Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Cục An toàn lao động, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, báo Dân trí, cùng Văn phòng Bộ.
Ký ức của Bộ trưởng thành động lực hành động
Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Trung tâm có chức năng tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí theo quy định pháp luật.
Trung tâm hiện có 58 cán bộ, nhân viên thực hiện việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho 500 bệnh nhân, trong đó 100 người được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, còn lại là các trường hợp tự nguyện.
Bộ trưởng lưu ý, trung tâm cần chú trọng công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm ngặt quy trình chế biến thức ăn tại bếp ăn, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công việc mà Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì đã và đang thực hiện nhiều năm qua. Bộ trưởng nhận định, đây là nhiệm vụ đặc thù, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tận tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Bộ trưởng chia sẻ câu chuyện thời niên thiếu, khi ở gần một bệnh viện tâm thần. Ông tận mắt chứng kiến những người mắc bệnh, phần lớn là do di chứng chiến tranh, sống trong điều kiện khó khăn khi cả cơ sở vật chất và nhân lực y tế tại bệnh viện vô cùng hạn chế.
"Những ký ức ấy giúp tôi hiểu rõ hơn sự vất vả mà các cán bộ, nhân viên tại trung tâm đang đối mặt", Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của trung tâm, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng cán bộ chỉ có 58 người nhưng phải chăm sóc hơn 500 bệnh nhân.
"Gia đình có một người tâm thần đã đủ vất vả, huống hồ mỗi cán bộ tại đây phải chăm sóc cùng lúc 10 người. Nếu không yêu nghề, không làm bằng trái tim thì không thể đảm nhiệm được công việc đặc biệt này, dù chế độ đãi ngộ có tốt đến đâu", Bộ trưởng nhận định.
Bên cạnh tinh thần trách nhiệm cao, Bộ trưởng cũng biểu dương cán bộ, nhân viên trung tâm giữ được khuôn viên xanh, sạch, đẹp, khéo léo kết hợp hoạt động chăm sóc bệnh nhân với phát triển kinh tế. Ông mong muốn tập thể cán bộ tiếp tục phát huy vai trò và giữ vững mô hình này trong tương lai.
Bộ trưởng thông tin, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển về Bộ Y tế quản lý. Trước bước chuyển đổi lớn, ông khẳng định tinh thần chung là giữ nguyên trạng công việc, đảm bảo quyền lợi và điều kiện làm việc với cán bộ Trung tâm.
Ông cũng gợi mở hướng thay đổi, phát triển Trung tâm bằng cách tập trung bổ sung nhân lực, tạo điều kiện để cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn. Bộ trưởng giao Cục Bảo trợ xã hội rà soát toàn bộ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm việc tại Trung tâm.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Bộ có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm khẩn trương khởi công dự án Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì và hoàn thành các hạng mục trong vòng hai năm. Tinh thần đề ra, theo yêu cầu của Bộ trưởng, là làm đến nơi đến chốn, không để lãng phí nguồn lực nhà nước.
"Đây không chỉ là một dự án xây dựng mà còn là công trình của lương tâm và trách nhiệm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không để tiêu cực xảy ra tại cơ sở bảo trợ thuộc Bộ LĐ-TB&XH
Điểm dừng tiếp theo trong chuyến công tác của Bộ trưởng là Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Lãnh đạo Bộ tới thăm hơn 100 trẻ em đang được chăm sóc, điều trị bệnh tại đây.
Là người luôn dành tình cảm sâu sắc và tâm huyết đối với công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, vừa tới Trung tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu xuống kiểm tra bếp ăn, xem xét chế độ dinh dưỡng hàng ngày áp dụng tại cơ sở.
Ông cẩn thận quan sát, hỏi từng chi tiết, từ thực đơn hằng ngày, quy trình chế biến đến công tác vệ sinh tại bếp ăn. Bộ trưởng nhận xét, bếp ăn của Trung tâm được tổ chức gọn gàng, sạch sẽ, thực phẩm tươi ngon và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Ông cũng vui cười, giao lưu vui vẻ khi chứng kiến cảnh sinh hoạt lành mạnh, điều kiện vật chất, tinh thần đảm bảo của trẻ tại đây. Bộ trưởng nhận định, Trung tâm Thụy An là một địa chỉ bảo trợ trẻ em đáng tin cậy, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của nhà nước, của Bộ đối với trẻ em khuyết tật.
Ông chia sẻ niềm vui và tự hào khi chứng kiến sự phát triển của Trung tâm, một trong số ít cơ sở bảo trợ trên cả nước được đầu tư đầy đủ, làm tốt công tác chăm lo cho trẻ khuyết tật.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ các em nhỏ tại Trung tâm Thụy An, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về kỷ niệm thời thơ ấu, khi gia đình ông nhận nuôi 6 trẻ mồ côi trong giai đoạn khó khăn những năm 1977-1979. Những ngày tháng ấy để lại trong ông niềm trăn trở về những thiệt thòi của trẻ em thiếu may mắn.
"Tôi ước ao ngày đó có những trung tâm như thế này để chăm sóc trẻ em. Đến hôm nay, khi xem các cháu biểu diễn văn nghệ, vui chơi tại đây, tôi thực sự xúc động", ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những nỗ lực của Trung tâm đã mang lại cơ hội sống, học tập và trưởng thành cho nhiều trẻ em, đặc biệt là các em đến từ vùng sâu, vùng xa có môi trường tốt để vươn lên, chiến thắng số phận.
Bộ trưởng biểu dương sự kết hợp hoạt động chăm sóc, dạy học và dạy nghề tại Trung tâm, đồng thời bày tỏ sự cảm phục trước tâm huyết, cống hiến của các thầy cô giáo và tình nguyện viên nơi đây.
Ông nhấn mạnh, việc chăm sóc trẻ em khuyết tật đòi hỏi rất nhiều tâm huyết, bởi đây là công việc nặng nhọc, phải tận tâm và yêu thương trẻ thực sự mới theo đuổi được nghề.
"Đã làm công việc nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật thì phải làm bằng cả trái tim và lương tâm. Chỉ làm vì đồng tiền dễ biến cơ sở chăm nuôi trẻ thành nơi tiêu cực, như những sự việc đau lòng từng xảy ra.
Mỗi cán bộ, nhân viên tại đây đến với trẻ phải bằng tấm lòng của người cha, người mẹ thực thụ mới có thể làm tròn trách nhiệm", Bộ trưởng căn dặn.
Nhân chuyến công tác cuối năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An 1 TV 60 inch, tặng sân chơi và đồ chơi cho trẻ em trị giá 200 triệu đồng, nguồn kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn trẻ em tại Trung tâm tận dụng cơ hội được chăm sóc và giáo dục đầy đủ tại đây để trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo Trung tâm duy trì những giá trị tốt đẹp, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đề cập đến các hành vi tiêu cực từng xảy ra tại một số trung tâm khác, như vụ việc tại Lào Cai, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Không được để các cháu phải sống trong cảnh bát mì tôm làm canh. Các cháu đã quá bất hạnh, không thể để bất kỳ hành vi tiêu cực nào xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ".
Nhiệm vụ cần tập trung trong bối cảnh thách thức
Chia tay các em nhỏ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đến thăm, làm việc với Trung tâm quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (Sơn Tây, Hà Nội).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những thay đổi tích cực của Trung tâm trong những năm qua. Ông bày tỏ vui mừng khi thấy sự phát triển rõ nét về đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất, đồng thời đánh giá cao tinh thần năng động và trách nhiệm của Trung tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trung tâm đã tập trung tốt vào chức năng huấn luyện, đào tạo về vệ sinh và an toàn lao động, đây là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh vấn đề an toàn lao động và phòng chống cháy nổ vẫn còn nhiều thách thức tại các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Trung tâm cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, hỗ trợ cho Cục An toàn Lao động trong việc xây dựng các chính sách, hướng dẫn và triển khai công tác vệ sinh, an toàn lao động trên cả nước.
Ông lưu ý tập trung vào các nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo, coi đây là chức năng cốt lõi cần duy trì và phát triển.
"Những gì đã làm tốt thì cần cố gắng giữ vững. Việc huấn luyện, đào tạo phải đảm bảo chất lượng cao, thực hiện bài bản, chính xác và an toàn tuyệt đối", Bộ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý việc chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên tại Trung tâm. Ông nhấn mạnh, chỉ khi đời sống đội ngũ nhân sự được chăm lo, họ mới có thể cống hiến toàn tâm, toàn lực cho công việc.