DMagazine

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ

(Dân trí) - "Nếu ba có hi sinh thì đây là lời trăng trối cuối cùng với con", người lính viết trong cuốn nhật ký. 56 năm sau, những lời nói gan ruột của người cha nơi chiến trường mới đến được tay con gái...

Cuốn nhật ký tha thiết lời gọi con của người liệt sỹ (Video: Hoàng Lam).

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 1

Một đêm cuối tháng 3, khi chuẩn bị đi ngủ, bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, trú thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhận được cuộc gọi của con trai. "Mẹ ơi, hình như đây là cuốn nhật ký của ông ngoại, họ vừa gửi cho con", cậu con trai thông báo vắn tắt rồi gửi cho mẹ những bức ảnh về cuốn nhật ký qua ứng dụng mạng xã hội.

Bà Hoa bàng hoàng, run run lướt trên màn hình cảm ứng của chiếc điện thoại. "Nhật ký chiến tranh, tập 1, Thanh Chương. Gửi cho em tôi: Nguyễn Quang Đồng, thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương", bìa cuốn nhật ký được khắc chữ rất đẹp kèm chữ ký.

Nguyễn Quang Đồng đúng tên của chú ruột bà Hoa, em trai bố bà - liệt sỹ Nguyễn Quang Số. Thôn Nha Giáp, xã Thanh Lam đúng là tên làng, tên xã của bà Hoa khi xưa, nay đổi thành xóm Lam Sơn, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương.

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 3

Trống ngực bà Hoa đập liên hồi, lần mở từng bức ảnh đen trắng chụp lại cuốn nhật ký với những hàng chữ có nơi còn rõ nét, có chỗ đã nhòe mờ.

"Hoa con!", bà Hoa òa khóc. Đúng là ba rồi. Tiếng gọi con tha thiết của người ba kính yêu lần đầu tiên đến khi đã ở ngưỡng cửa 60 tuổi, khiến bà òa khóc như một đứa trẻ.

Lau vội nước mắt đã nhòe cặp kính lão, bà Hoa đọc tiếp: "Hôm nay, ba thấy cần phải tâm sự cùng con. Nếu như mai ngày thống nhất ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này - nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt - về cho con xem. Nếu như ba có hi sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con...

Hoa ơi, sau này con sẽ hỏi: "Con học sử dân tộc ta đánh Mỹ rất oanh liệt, lúc ấy ba làm gì?". Nếu như ba ở nhà thì sẽ trả lời với con làm sao?. Ba muốn sau này con sẽ tự hào với quyển lý lịch của con: Có ba đi đánh Mỹ...", những dòng nhật ký của người lính Nguyễn Quang Số viết cho con gái, đề ngày 19/9/1968.

"Đọc đến đâu, tôi khóc đến đó. 4 trang giấy, ba nói với tôi về chiến tranh, về truyền thống gia đình, về lý tưởng và hạnh phúc của ông cùng những mong muốn, gửi gắm vào con gái.

Dường như ông đã dự cảm được cái chết và xem đây là lời trăng trối gửi lại cho tôi. Vậy mà, phải mất 56 năm, tôi mới được đọc những câu chữ thấm đẫm yêu thương ấy. Tôi chỉ mong trời sáng thật nhanh để in ảnh cuốn nhật ký của ba ra...", bà Hoa kể.

Năm 1966, người lính Nguyễn Quang Số hành quân vào chiến trường miền Nam, khi người con gái độc nhất mới 1 tuổi. Suốt những năm tháng chiến đấu, ông chỉ gửi về vỏn vẹn 1 lá thư ghi vội ít dòng, thông báo đang trên đường hành quân qua Tây Nguyên.

Năm 1971, gia đình nhận được báo tử của liệt sỹ Nguyễn Quang Số. Theo giấy báo tử, ông hi sinh ở Mặt trận phía Nam vào ngày 26/2/1969. Lá thư duy nhất ông gửi về gia đình cũng không còn.

Ba ra đi khi bà Hoa còn quá nhỏ, bởi vậy, trong trí nhớ của bà, hình ảnh người ba hầu như chỉ là một khoảng trắng xóa. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn khi mẹ đi bước nữa, tuổi thơ của bà Hoa chỉ có những trống vắng, tủi hờn.

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 5

Nhìn chúng bạn có cha, có mẹ, nhiều lần bà chỉ biết khóc. Nếu ba trở về, có lẽ cuộc sống của cả nhà đã rất khác...

Học hết cấp 3, bà Hoa đi làm rồi lấy chồng. 4 năm sau, xí nghiệp giải thể, mất việc, bà mở một hàng quán nho nhỏ ở thị trấn Thanh Chương buôn bán. Nỗi buồn của một đứa trẻ mồ côi cha chưa bao giờ nguôi ngoai, kể cả khi bà đã bước sang bên kia dốc cuộc đời.

Bởi vậy, cuốn nhật ký của ba, dù chỉ là những tấm ảnh sao chụp, đột ngột đến tay, là món quà đặc biệt mà bà chưa từng nghĩ đến.

Trong cuốn nhật ký, người lính Nguyễn Quang Số dành phần lớn để viết về những trận đánh mà ông và đơn vị tham gia, về lý tưởng của người lính, về nỗi nhớ cồn cào thường trực dành cho cha mẹ, cho vợ và con gái. Ông cũng dành nhiều trang giấy để chép lại nhiều bài thơ của nhà thơ Tố Hữu - những bài thơ là tuyên ngôn của lớp lớp thanh niên trong cuộc trường chinh đánh Mỹ cứu nước.

Giữa những trận đánh sinh tử, chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội, người lính đã nhìn thẳng vào sự khốc liệt ấy và có dự liệu cho chính mình.

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 7

Trong trang viết đề ngày 19/9/1968, ông viết cho vợ: "Mấy hôm nay anh nghĩ về em nhiều lắm. Càng nghĩ, càng thương em tha thiết... Nay mai về anh sẽ vun đắp cho em, tạo mọi điều kiện để em đỡ vất vả, gian khổ, em sẽ được tự hào như bao người phụ nữ khác.

Nếu như trong cuộc vật lộn với kẻ thù tàn ác, dã man mà anh có hi sinh thì đây là điều dặn dò trước lúc vĩnh biệt em... Có thương anh thì đừng giữ chữ thủy chung mà khổ. Em cứ mạnh dạn tìm một người để sớm tối đi về cùng em, người đó phải là người đi đánh Mỹ trở về".

Và người lính ấy mãi mãi không bao giờ trở về với cha mẹ, làng xóm, người vợ hiền thục và cô con gái yêu quý nữa...

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 9

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Lục (83 tuổi, trú thị trấn Thanh Chương), ông Nguyễn Quang Số sinh năm 1941, nhưng khi vào bộ đội, hồ sơ ghi năm 1944. Năm 1961, ông Số và bà Lục cưới nhau, khi đó cả hai người vừa tròn 20 tuổi. Sau khi nhập ngũ, ông Số được điều ra Vĩnh Phúc học ở trường quân sự, bà Lục theo ra, công tác trong một xí nghiệp gạch ngói để được gần chồng.

Ngày 31/10/1967, người lính Nguyễn Quang Số được lệnh vào Nam chiến đấu. Đó là lần cuối cùng bà Lục được gặp chồng mình.

Người vợ trẻ chỉ biết chồng đi đánh Mỹ, nhưng làm gì, ở đâu thì không rõ. Năm 1971, bà nhận giấy báo tử của chồng, ghi đơn vị NB, cấp bậc trung đội trưởng, hi sinh ở mặt trận phía Nam.

Bà Lục tái giá, có gia đình riêng, chị Hoa là phận con gái, nên việc tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Quang Số chưa thể thực hiện được. Sau này, khi con trai bà Hoa lớn đã thay mẹ và bà đi tìm hài cốt ông ngoại nhưng chưa có kết quả. Bởi vậy, khi nhận được cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Quang Số, gia đình thắp lên hi vọng sẽ giải mã được các thông tin và sớm tìm được hài cốt liệt sỹ.

Theo ông Lê Tiến Dũng (51 tuổi), nhóm thiện nguyện tìm mộ liệt sỹ và hỗ trợ di dời hài cốt liệt sỹ về quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh, cuốn nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Quang Số được ông tiếp nhận từ Hội hỗ trợ liệt sỹ Việt Nam để tìm kiếm, kết nối và trao lại cho gia đình.

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 11

Bản ảnh cuốn nhật ký được lưu tại Đại học kỹ thuật Texas (Mỹ). Các tài liệu cho thấy, đây là tài liệu phía Mỹ thu được sau trận đánh của Tiểu đoàn 3, đặc công Miền vào căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) ngày 26/2/1969 - trùng khớp với thời gian liệt sỹ Nguyễn Quang Số hi sinh trong giấy báo tử.

Sau khi thu được cuốn nhật ký cùng một số tài liệu khác, phía Mỹ đã sao chụp lại để phục vụ công tác nghiên cứu thông tin các đơn vị của đối phương.

Trang nhật ký có tựa đề "Ra đi", anh lính viết: Nguyễn Quang Số - quản lý, thuộc Đội 12, D253. Đây có thể hiểu là đơn vị của người lính và đồng đội khi rời miền Bắc vào Nam chiến đấu.

Trong các trang nhật ký được viết trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/1967 đến ngày 7/10/1968, người lính Nguyễn Quang Số nhắc tới nhiều địa danh, đơn vị, trong đó các địa danh thuộc tỉnh Tây Ninh được nhắc tới nhiều nhất.

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 13

Trang nhật ký đề ngày 26/5/1968, anh viết: "Trận chiến đấu vừa qua đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào Trảng Lớn - Tây Ninh, nằm ngay cạnh núi Bà Đen và thị xã. Nơi đây, Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của Hoa Kỳ đã bị đơn vị chúng tôi nhấn chìm trong lửa hỏa lực của B40 và tiếng nổ dữ dội của thủ pháo, bộc phá... Tại Tây Ninh, Mỹ chưa bao giờ thua đau như vậy".

Tại trang nhật ký này, liệt sỹ Nguyễn Quang Số có nhắc tới những cái tên đồng đội như Hà Đức Kiếm, nhập ngũ khi đang là học sinh trường cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ), anh Mùi (anh nuôi đơn vị), anh Lục, người bạn thân bị thương nằm điều trị tại viện K71 hay những người đồng đội tên Thêm, The, Cầu, Thắng, Hàm mà anh gọi đó là những người "yêu Đảng, yêu dân tha thiết" vừa hi sinh sau 3 lần xuất kích vào căn cứ của địch ở Trảng Lớn.

Ở một trang khác, anh viết: "... phân đội 1 chiến đấu ở thành Nguyễn Huệ. Tin đầu tiên đồng chí Tống Văn Cánh bị bắt. Theo cơ sở cho biết, đồng chí Cánh rất hiên ngang trước quân thù. Một tên lính Ngụy hỏi "Mày có sợ chúng tao không?", thì đồng chí Cánh trả lời "Tao đã đánh Mỹ thì tao không sợ".

Trang viết đề ngày 1/10/1968, người lính Nguyễn Quang Số viết: "Buồn thương, đau xót và căm hờn. Đêm 26/9 đã để lại cho đơn vị chúng tôi biết bao đau xót và căm hờn. Đêm 26/9, đánh cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn... 25 đồng chí đã yên nghỉ tại cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn. 25 đồng chí đã quên mình vì Tổ quốc!... Thương tiếc và căm thù. Thù này phải trả!".

Cuốn nhật ký và tiếng tha thiết gọi con hơn nửa thế kỷ của người liệt sỹ - 15

Với những thông tin đề cập trong cuốn nhật ký, thời gian hi sinh và thông tin được phía Mỹ giải mã, ông Lê Viết Dũng nhận định, người lính Nguyễn Quang Số thuộc quân số của Tiểu đoàn đặc công 3, Bộ tư lệnh Miền. Ông chiến đấu và hi sinh vào ngày 26/2/1969, khi các lực lượng quân giải phóng tiến đánh căn cứ Sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới" của Mỹ ở Đồng Dù (huyện Củ Chi, TPHCM).

"Mong rằng, với những thông tin này, sẽ giúp gia đình chúng tôi sớm tìm thấy và đưa ba về với quê hương", bà Hoa rưng rưng.

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Tuấn Huy