DNews

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: "Không phải ba cũng là người của mình"

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Nếu hài cốt tìm được không phải của ba tôi thì cũng là liệt sĩ, cũng là người của mình", người phụ nữ hơn nửa thế kỷ tìm kiếm 4 người thân chia sẻ trong tiếng nấc nghẹn.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: "Không phải ba cũng là người của mình"

Tại buổi triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác nhận được danh tính, do Công an TPHCM tổ chức ngày 26/7, nhiều giọt nước mắt và câu chuyện xúc động về hành trình tìm kiếm thân nhân kéo dài nửa thế kỷ đã xuất hiện.

"Gắng tìm anh Lĩnh về cho mẹ"

Đến trung tâm y tế ở quận 3 (TPHCM) từ sáng sớm, ông Nguyễn Trường Sơn (SN 1948, quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hiện sống ở quận 1) cho biết, mình là em trai của liệt sĩ Nguyễn Sỹ Lĩnh (SN 1947, hy sinh năm 1968).

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 1

Ông Nguyễn Trường Sơn mang theo giấy báo tử của anh trai đến địa điểm thu thập mẫu ADN (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo hồi ức của ông Sơn, liệt sĩ Lĩnh nhập ngũ ngày 10/8/1964, hy sinh ngày 24/5/1968, nhưng đến 5 năm sau ngày mất gia đình mới nhận được giấy báo tử. Sau ngày đất nước thống nhất, người em trai ròng rã tìm kiếm anh ruột từ Nam ra Bắc, nhưng không có kết quả.

"Ngày nhập ngũ, anh tôi chỉ dặn ở nhà giúp đỡ cha mẹ, rồi đi một mạch tới ngày hy sinh. Sau ngày anh mất, gia đình tôi tìm khắp nơi, nhờ nhiều người tìm đến tận nghĩa trang Nhơn Mỹ (tỉnh Bình Định) nhưng không chính xác. Lúc còn sống, mẹ có dặn mấy anh em, rằng cố gắng tìm anh Lĩnh để mang về cho mẹ. Giờ mẹ tôi mất đã 3 năm, bố mất 15 năm rồi mà anh vẫn biệt tăm…

Suy nghĩ của tôi và cũng là mong muốn của gia đình, là làm sao tìm được thi hài anh ruột để mang về quê hương. Bao giờ tôi cũng luôn hy vọng, dù biết còn đến 300.000 liệt sĩ chưa tìm được thân nhân", người đàn ông đã bạc trắng mái đầu vừa chia sẻ, vừa lấy tay quệt nước mắt.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 2
Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 3

Ông Sơn đã có hành trình tìm hài cốt anh trai gian khổ trong nhiều năm (Ảnh: Hoàng Lê).

Đẩy bà Huỳnh Thị Bảy (87 tuổi) trên chiếc xe lăn từ tầng trệt lên lầu 6 để tiến hành lấy dấu vân tay, ông Lữ Hoàng Dũng (sống tại quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, cả đêm hôm qua má ông không ngủ được, cứ bồn chồn mong mau sáng để đi sớm.

Năm 1968, chú ông Dũng là liệt sĩ Huỳnh Văn Đáng hy sinh khi mới 37 tuổi. Vì đồng đội không còn, lại không biết chính xác người thân mất ở khu vực nào, nên hơn nửa thế kỷ qua dù rất đau đáu, bà Bảy không biết đi đâu để tìm kiếm hài cốt em trai.

"Năm nào đến ngày 27/7 má cũng tưởng niệm, cũng nhắc đến cậu. Cảm ơn Công an TPHCM đã có chương trình ý nghĩa này, để những ai trong hoàn cảnh như gia đình tôi có thêm hy vọng tìm kiếm được người thân", ông Đáng cố gắng nói lớn khi trao đổi với phóng viên, để người mẹ đã lãng tai vì tuổi cao được nghe rõ.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 4

Bà Huỳnh Thị Bảy ngồi xe lăn chờ được hướng dẫn lấy mẫu vân tay (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngồi hàng ghế giữa của căn phòng thường ngày được sử dụng làm nơi truyền dịch, nhưng hôm nay nhận nhiệm vụ đặc biệt là ghi nhận thông tin từ căn cước công dân và mẫu vân tay của những người tìm thân nhân, ông Phạm Văn Hết (69 tuổi) em trai liệt sĩ Phạm Văn Hò (không rõ năm sinh, quê huyện Hóc Môn, TPHCM) kể, anh mình hy sinh năm 1972 ở biên giới Tây Ninh, thời điểm diễn ra "mùa hè đỏ lửa".

Vì chiến tranh khốc liệt, mãi đến năm 1975 sau ngày hòa bình lập lại, anh trai ông Hết mới được làm giấy chứng nhận liệt sĩ. Tính từ thời điểm đó, đã gần 50 năm gia đình thử mọi cách nhưng không sao tìm được hài cốt người thân, vì nơi chôn liệt sĩ Hò đã bị chính quyền chế độ cũ và quân đội Mỹ san bằng, cũng như trải qua nhiều thay đổi của thời cuộc.

"Chú họ tôi cùng đơn vị với anh Hò, nên đã trực tiếp chôn xác anh khi ấy. Mấy chục năm nay, gia đình gần như bất lực. Mới hôm qua, xã có liên hệ tôi báo về chương trình thu thập gen để tìm liệt sĩ vô danh, hôm nay đã lên để làm luôn. Bố mẹ tôi mất hết rồi, giờ tôi rất mong mỏi tìm được người anh thứ 6", ông Hết xúc động nói.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 5
Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 6
Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 7

Các thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính được lực lượng công an hướng dẫn các thủ tục, sau đó lấy dấu vân tay và lấy mẫu máu xét nghiệm (Ảnh: Hoàng Lê).

"Không phải ba tôi thì cũng là liệt sĩ, cũng là người của mình..."

Mắt đỏ hoe trong hầu hết thời gian diễn ra chương trình, bà Trần Như Cường (SN 1954, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, gia đình bà có 4 liệt sĩ, gồm cha mẹ và 2 anh trai. Sau cái chết của mẹ, bà đã quyết tâm tham gia cách mạng, chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày non sông liền một mối, bà và người anh trai còn lại bắt đầu cuộc trường chinh tìm kiếm những khúc ruột của mình. Nhưng kiếm hoài, kiếm mãi mà mọi thứ vẫn vô vọng.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 8

Bà Trần Như Cường đã có nửa thế kỷ tìm kiếm hài cốt nhiều liệt sĩ trong gia đình (Ảnh: Hoàng Lê).

"Anh lớn tôi hy sinh năm 1963, anh kế mất 1965, mẹ hy sinh 1966 còn ba mất trong chiến dịch mùa xuân Mậu Thân (1968).

Sau này, tôi có nhờ đến người tìm được hài cốt của ba, đưa về nghĩa trang Thành phố. Lúc đó không có chương trình phân tích ADN, nên không biết có đúng hay không, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu không phải ba mình thì cũng là liệt sĩ, cũng là người của mình. Họ cũng hy sinh ở khu vực Đồng Nai, ở chiến khu D.

Thành phố cũng hỗ trợ, cấp cho tôi sẵn cả 4 mộ gió ở nghĩa trang liệt sĩ. Mẹ tôi cũng nằm trong danh sách mẹ Việt Nam anh hùng được tuyên dương đầu tiên. Đến giờ, anh kế tôi đã ra đi vì ung thư vòm họng. Tôi cũng đã 70 tuổi, có trên 30 lần lặn lội đi tìm hài cốt, cả bằng sự hiểu biết, chứng kiến lẫn được hướng dẫn rồi mà chưa thành công. Đó là nỗi canh cánh trong lòng tôi", cô Như Cường nói trong nước mắt.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 9

Người phụ nữ 70 tuổi khóc nghẹn kể về "nỗi canh cánh trong lòng" (Ảnh: Hoàng Lê).

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM (PC06) cho biết, ngày 23/7 Bộ Công an đã phối hợp với Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, linh thiêng, đòi hỏi phải gấp rút, chạy đua với thời gian, vì thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài. Do đó, trong dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thu mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin và tri ân tới các gia đình liệt sĩ.

Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 10
Cụ bà 70 tuổi tìm hài cốt liệt sĩ: Không phải ba cũng là người của mình - 11

Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM chia sẻ về chương trình (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành, làm bằng mệnh lệnh của cả trái tim, tin tưởng và hy vọng một ngày không xa có thể xác định được danh tính cho các anh. Xin mãi mãi biết ơn các liệt sĩ và gia đình đã có nhiều đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc", đại diện Công an TPHCM bày tỏ.

Trong đợt đầu tiên của chương trình tại TPHCM, có tổng cộng 43 gia đình, thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính được cơ quan chức năng lên danh sách để thu thập mẫu ADN.