1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Kích hoạt ngân hàng gen, mở cơ hội "trả lại tên" cho 300.000 liệt sĩ

Nhóm PV

(Dân trí) - Tại hội nghị tôn vinh người có công sáng 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng bấm nút kích hoạt ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân để xác định danh tính 300.000 hài cốt "khuyết danh".

Tại hội nghị "Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ" diễn ra sáng nay, 23/7, dấu mốc mới với hành trình "trả lại tên" cho các liệt sĩ sẽ được thiết lập. 

Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan tổ chức đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).  

Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì hội nghị. Lãnh đạo các Bộ ngành liên quan như Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương và đại diện các tổ chức cùng các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc sẽ tham gia, chứng kiến thời khắc quan trọng khi ngân hàng gen được ra mắt.

Kích hoạt ngân hàng gen, mở cơ hội trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ - 1

Cả nước đang quyết tâm "trả lại tên" những người đã hy sinh hơn nửa thế kỷ (Ảnh: Hoàng Lam).

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã triển khai hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo thống kê, các lực lượng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, so sánh đối khớp hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Năm 2024, Chính phủ giao ngành LĐ-TB&XH chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…

Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân.

Sau nhiều năm triển khai công tác tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ. Gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại khắp các chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020 (Ban chỉ đạo 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.

Các đơn vị đã phân tích, lưu trữ được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp. Qua hoạt động giám định, lực lượng chức năng cũng xác định, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1736 ngôi mộ của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắc Lắc (đạt tỷ lệ 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).

Việc hình thành Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ được xác định là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ.