DMagazine

Con nhà giàu cũng trầm cảm: "Tàn phế" khi không thể yêu thương bản thân

(Dân trí) - Gia đình siêu giàu, theo quan niệm của nhiều người, Thùy Dương "không được phép trầm cảm". Nhưng cô gái trở thành "tàn phế" khi không thể yêu thương bản thân nếu không đi kèm các thành tích.

Lớn lên trong một gia đình siêu giàu, theo quan niệm của nhiều người, Thùy Dương "không được phép trầm cảm". Nhưng cô gái trở thành người "tàn phế" khi không thể yêu thương bản thân nếu không đi kèm các thành tích...

"Chỉ có con mèo yêu mình không kèm điều kiện" 

Câu chuyện của Thùy Dương, cô nữ sinh 24 tuổi được chia sẻ trong buổi giao lưu với tác giả cuốn sách "Đại dương đen" của TS Đặng Hoàng Giang vừa diễn ra tại TPHCM. Cô là nhân vật ở một trong 12 câu chuyện có thật của cuốn sách ám ảnh về trầm cảm này. 

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 1

Thùy Dương sinh ra trong một gia đình giàu có, nhìn bề ngoài theo quan niệm nhiều người thì cô "không được quyền trầm cảm" (Ảnh minh họa).

"Mình đã biết vì sao trước mỗi lần về Việt Nam, mình cứ điên điên khùng khùng. Đấy là vì mình sợ.  Sợ phải tiếp xúc với bố mẹ, cả đời mình họ đã không bao giờ cho mình được tiếng nói, cho mình được bày tỏ bản thân. Mình sợ quay về nhà và câm lặng bên bàn ăn vì mở mồm ra nói cái gì cũng không được tôn trọng", đó là những tâm sự u uất của Thùy Dương.

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ, gia đình Dương vô cùng giàu có, nhìn bề ngoài, theo đánh giá của nhiều người thì cô "có quyền gì mà trầm cảm?".

Nhưng trái với vẻ ngoài, bên trong gia đình "đẳng cấp" đó là những bi kịch không ai hay biết, rất thê thảm. Cô phải nghỉ học và vật vã điều trị trầm cảm.

Cô gái chỉ có con mèo Lily là sinh vật sống để chuyện trò, để thấy mình được lắng nghe. Con mèo đó cũng là sinh vật duy nhất vui mừng vì sự tồn tại của cô mà không cần đi kèm một điều kiện nào cả. Còn những người xung quanh, như bố mẹ, người thân, chỉ muốn những thành tích từ cô. 

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 2

Nhiều bạn trẻ không thể yêu thương bản thân mình nếu không "đính kèm" thành tích (Ảnh minh họa).

TS Giang cho rằng, Dương có thể giống nhiều bạn trẻ hiện nay là đã bị "lập trình", luôn luôn cho rằng mình phải làm thêm cái này cái kia, học thêm khóa này khóa kia, phải có thêm bằng này nọ, thực tập ra sao, có học bổng nào... thì cuộc đời của mình mới có ý nghĩa.

Cô gái lao vào học hành, công việc mà vẫn không ngừng sỉ vả bản thân là vô dụng... Đến mức độ những điều đó hủy hoại cô, khiến cho cô trở thành người "tàn phế", không thể yêu thương bản thân nếu không đi kèm với các thành tích.

"Thật kinh khủng, điều nhiều bố mẹ ngút ngát ngưỡng mộ lại vô cùng độc hại với đứa con, tàn phá con người. Những chuyện đó nhồi trong đầu đứa trẻ sẽ kéo dài và rất khó khăn để thay đổi, khắc phục", TS Đặng Hoàng Giang bày tỏ.

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 3

"Chỉ cần sống thôi", điều Thùy Dương kể lại trong cuốn sách.

Điều may mắn với Dương là cô học ở nước ngoài, có kiến thức tâm lý và tiếp cận được các dịch vụ tâm lý với những nhà tâm lý có chuyên môn, lòng trắc ẩn suốt hành trình chữa lành kéo dài gần 5 năm qua của cô. 

Hành trình đó, kết quả lớn nhất là cô đã có thể yêu thương bản thân mình. Cô đã nói được rằng, không cần cố gắng nữa, mình tồn tại là tốt rồi, mình xứng đáng được yêu thương. 

Nhưng cũng có những ngày, Dương lại thấy trống rỗng, điên cuồng vào mạng tìm những chương trình học mới, học bổng này nọ... Một hành trình bất an dai dẳng.

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 4

"Sức khỏe tinh thần của bạn quan trọng hơn thi cử" là câu chuyên gia tâm lý ở nước ngoài đưa cho Thùy Dương.

Chuyên gia tâm lý đưa cho Dương một nguyên tắc, một câu thần chú "Sức khỏe tinh thần của bạn quan trọng hơn thi cử" để cô đặt trên bàn.

"Ở Việt Nam, liệu có bố mẹ, thầy cô nào nói với con cái, sinh viên của mình hãy viết lên tờ giấy, đặt lên trên bàn dòng chữ "Thi cử, các nhiệm vụ khác không quan trọng bằng sức khỏe tinh thần" để  mỗi học sinh có thể nhìn thấy hàng ngày không?", TS Đặng Hoàng Giang đặt câu hỏi,

Người trầm cảm bị quy kết là "giả vờ", là yếu đuối 

TS Đặng Hoàng Giang cho biết, trầm cảm không chỉ ở người trẻ như nhiều người quan niệm mà có thể gặp ở bất cứ gia đình nào, giàu, nghèo, trung lưu, ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ, bằng cấp...

Quá trình thực hiện dự án cuốn sách, có giai đoạn, công việc bị gián đoạn, ông tưởng người tham gia bỏ cuộc. Rồi khi họ quay lại, ông mới biết hóa ra thời gian đó họ kiệt sức, không thể bước nổi chân ra khỏi nhà. 

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 5

TS Đặng Hoàng Giang.

Việc mở email trở lời: "Chú ơi, cháu bận" tưởng như rất bình thường nhưng với nhiều người trầm cảm, đó là nỗ lực rất kinh khủng, họ không thể nào mở laptop, đọc, trả lời email.

Bản thân ông cũng có khi bị xâm chiếm với cảm giác bất lực. Đó là khi trước mắt ông, một thanh niên trai tráng, khôi ngô vừa tự sát hụt cách đây không lâu. Ông không giúp được gì cả, chỉ biết rằng, nếu họ đã tự sát một lần thì xác suất họ sẽ có hành vi tự sát lần thứ hai rất cao. Và bố mẹ họ không hề hay biết. 

Có người bị chỉ trích rằng "người khác hoàn cảnh y như vậy, cũng thi trượt, cũng thất tình, nhiều người ngoài kia còn khổ hơn nhiều mà có sao đâu, sao mày lại trầm cảm?". Nhiều người bệnh bị quy kết là giả vờ, kém cỏi, yếu đuối, vô kỷ luật... 

Nhân vật Hoa trong cuốn sách, cũng là một câu chuyện có thật khác, sinh trưởng trong gia đình tướng tá. Cứ có điều kiện là cô phóng xe ngoài đường đêm, về nhà thì lấy thớt ra chặt chặt. Chồng cô cho là vợ "thích quậy", nhà chồng cô thì cho đó là lối sống "tây hóa"... Tất cả đều mặc định chị "không được phép trầm cảm". 

Theo ông Giang, người ta không hiểu cơ chế trầm cảm là thùng chứa stress của mỗi cá nhân. Cái thùng giống nhau nhưng bên trong mỗi thùng là những cá nhân khác nhau.

Có người từ trong bụng mẹ đã có sẵn 5 - 7 "khúc gỗ", có thể từ ông bà, bố mẹ họ trải qua chiến tranh, nghèo đói; mẹ bị trầm cảm nên có gen bất lợi; có tuổi thơ bất hạnh (như bị đánh đập, chửi rủa, thiếu tình yêu thương), lớn lên thì gặp những khó khăn, nghịch cảnh (như gánh nặng phải chăm sóc người bệnh, tài chính khó khăn)...  

Khi cái thùng đã khá đầy thì chỉ thêm chút nữa thôi là tràn, là đổ vỡ, người ta có thể rơi vào trạng thái không thể gượng dậy, không thể  hồi phục về mặt tinh thần và rơi vào trầm cảm. 

"Rất nhiều người rất thành công như là giáo sư, tiến sĩ, giám đốc, doanh nhân... nhưng bên trong họ đã mang rất nhiều thân gỗ. Không ai biết cái thùng của mình đã đầy như thế nào, chỉ cần một cú hích thôi, như Covid-19 chẳng hạn, họ sẽ suy sụp", ông Giang cảnh báo. 

Con nhà giàu cũng trầm cảm: Tàn phế khi không thể yêu thương bản thân - 6

Các bạn trẻ hỏi đáp về trầm cảm tại buổi giao lưu.

Vị tiến sĩ trăn trở về sự vô tâm của người xung quanh đối với người trầm cảm vì thiếu hiểu biết. Ông Giang nêu nghịch lý, nhiều người hay nói "vui lên, đừng trầm cảm nữa" nhưng thực sự, không ai đùa cợt với người bị ung thư kiểu "ồ, ung thư à", "trông như ung thư ấy nhỉ?"... Trong khi rõ ràng, trầm cảm không phải là vấn đề để đùa cợt. 

Tác giả bộc bạch: "Không ai nói, con nhà ấy được bố mẹ chăm, toàn cho ăn rau sạch, không thể ung thư được, còn nhà kia nghèo, không được ăn rau sạch nên bị ung thư. Vậy thì với trầm cảm cũng không thể nói như thế. Không nên đánh giá theo cách đó với người khác và cũng đừng tự suy đoán vô lý như vậy với chính mình.  Ai cũng xứng đáng được quan tâm và được chữa trị". 

TS Đặng Hoàng Giang mong mọi người, xã hội sẽ hiểu trầm cảm là bệnh chứ không phải là thứ nằm ở trong đầu người bị trầm cảm, không phải cứ nói "cố gắng lên, không ai giúp được mình đâu, phải tự giúp mình thôi" là giải quyết được căn bệnh. Nhận thức đầy đủ để giảm bớt sự vô cảm của người xung quanh, của xã hội, sự thiếu hụt đầu tư, quan tâm của hệ thống y tế đối với căn bệnh trầm cảm. 

Hoài Nam