DMagazine

"Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây!"

(Dân trí) - Covid-19 không chỉ để lại những đứa trẻ mất bố, mất mẹ mà tận cùng đau đớn của kiếp người chính là những ông bố bà mẹ... mồ côi con.

"CON MẤT RỒI, VỢ CHỒNG TÔI VỀ QUÊ ĐÂY!" 

Covid-19 không chỉ để lại những đứa trẻ mất bố, mất mẹ mà tận cùng đau đớn của kiếp người chính là những ông bố bà mẹ... mồ côi con.

Những chỗ ngồi trống ở lớp học 

Sau nhiều tháng chật vật vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trường THCS Lạc Hồng, Quận 10, TPHCM đang hồi sinh, hầu hết hoạt động quen thuộc đã dần trở lại. 

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 1

Trường THCS Lạc Hồng, Quận 10, TPHCM, "bão" Covid-19 quét qua, có những học sinh không bao giờ trở lại trường học nữa (Ảnh: H.N).

Lớp học kín học sinh, tiếng giảng bài, trả bài của thầy trò trầm, khàn hơn qua lớp khẩu trang. Khi tiếng trống trường "Tùng! Tùng!" báo hiệu giờ chơi, học sinh ùa ra sân... Các em chơi đá banh, ném bóng rổ, nhiều em đến khu vực chơi bi lắc hoặc vào thư viện. Những nhóm bạn khác ngồi ở dãy ghế hành lang trò chuyện, tỉ tê... 

Ông Nguyễn Thành Phát - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong lúc chờ ngày học sinh quay trở lại, trường đã chăm chút từng mảng xanh, sửa sang từng phòng học, chỗ vui chơi giúp các em lấy lại năng lượng để hòa nhập sau thời gian dài giãn cách xã hội, bức bối ở trong nhà, thiếu tương tác, kết nối. Thầy cô chuẩn bị giáo án với những bài giảng nhẹ nhàng hơn để học trò dần thích nghi trở lại với môi trường học tập trực tiếp... 

Bên cạnh niềm vui khi nhìn học sinh đang lấy lại sinh khí, ông giáo già lặng đi khi dẫn chúng tôi qua một lớp học ở khối lớp 8... Lớp học này đã thiếu đi một em học sinh không bao giờ trở lại nữa.

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 2

Bốn chị em ở thành phố Thủ Đức, TPHCM mồ côi vì Covid-19 (Ảnh: N.Q).

Thầy Phát nhớ như in, cô học trò nước da đen giòn màu nắng, sau giờ học hay ngồi chơi trước phòng thầy Hiệu trưởng. Cuối năm học trước, em còn ngồi ở phòng Hiệu trưởng giúp thầy cô bọc, dán phần thưởng. 

Nhưng chỉ vài tuần sau, khi trường phải đóng cửa khi toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cô học trò là một trong hàng ngàn người ở TPHCM đã ra đi vì Covid-19 thời điểm đó. Em đã mãi mãi dừng bước khi cuộc đời vừa bước qua tuổi 14... 

Đầu tháng 10/2021, khi thành phố vừa nới giãn cách, bố mẹ em tìm đến trường chào thầy cô. Đôi vợ chồng nhìn xanh xao, rũ rượi... 

Hai vợ chồng kể từ miền Tây lên Sài Gòn làm thuê làm mướn với mục tiêu lớn nhất là để con được ăn học ở thành phố. "Giờ cháu nó mất rồi, chúng tôi đến chào thầy cô, chúng tôi đi đây!", lời chào của họ hòa trong nước mắt.

Con mất, họ rời thành phố tìm một nơi khác để sống qua ngày... 

Kể đến đó, ông Phát nghẹn khóc! 

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 3
Cháu nó mất rồi, chúng tôi đến chào thầy cô, chúng tôi đi đây!".
Đôi vợ chồng "mồ côi con" khóc nghẹn.

Covid-19 không chỉ để lại những đứa trẻ mồ côi bố mẹ, mà tận cùng đau đớn của một kiếp người là có những ông bố bà mẹ... mồ côi con. Bố mẹ mất con, thầy cô mất học trò, học sinh mất bạn. 

Và nữ sinh xấu số đó không phải là "chiếc ghế trống" duy nhất ở trường, vì Covid-19. 

Ông Phát kể trường hợp cô học trò L.N.K.N của mình, học lớp 7 mất cả gia đình. Cả nhà mắc Covid-19 vào đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19 năm ngoái nhưng chỉ có N. và cậu em trai học lớp 2 từ bệnh viện về nhà. Còn cha, mẹ và ông nội của em đều qua đời, trở về trong hình hài những hũ tro cốt. 

Ngày N. cùng bà ngoại vào trường để rút hồ sơ chuyển về quê, vị hiệu trưởng ám ảnh với hình ảnh em nữ sinh và cô giáo chủ nhiệm dắt tay nhau bước đi liêu xiêu đi tạm biệt trường lớp. Thầy cô trong trường ai cũng cố để không khóc thành tiếng mà nước mắt đều giàn giụa, cay xè. 

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 4

Vì Covid-19, cuối năm 2021, nhiều gia đình với trẻ nhỏ hành trình rời TPHCM trong cảnh đau thương (Ảnh: P.N).

Hàng chục năm trong nghề,, đã sắp đến tuổi về hưu, từng trải qua những năm tháng công tác ở vùng sâu vùng xa, chứng kiến nhiều cái chết đau thương như sốt rét, tai nạn, ông Phát chấp nhận sinh tử là một phần của cuộc đời.

Vậy nhưng, chưa khi nào ông trải qua những ám ảnh, chới với, khủng hoảng như việc chứng kiến những mất mát từ Covid-19. Không chỉ với người đã ra đi mà còn là những mất mát hằn sâu cho những người ở lại, thay đổi cả những số phận, cuộc đời vốn bình lặng nhất. 

Khó chạm đến nỗi đau sâu thẳm bên trong

Trẻ em TPHCM đã quay trở lại trường học sau nhiều tháng trời nghỉ học do Covid-19. Nhiều hoạt động khác ở thành phố, trường học đang hồi sinh, lấy lại sinh lực từ những tiếng cười trẻ thơ... 

Trong nụ cười đó, còn có bao gắng gượng, đau đớn bởi mất mát để lại in hằn trong ánh mắt, cuộc đời của nhiều người, nhất là của những đứa trẻ hiện rõ hơn bất cứ lúc nào. 

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 5

Một học trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM chia sẻ nỗi đau, sự tuyệt vọng khi gia đình có người thân mất vì Covid-19 (Ảnh: Phú Hoài).

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM cho biết, toàn trường có 16 học sinh mồ côi vì Covid-19, trong đó có em mất cả bố lẫn mẹ. 

Cô nhớ lại lúc cao điểm dịch năm ngoái, khi trường cập nhật tình hình học sinh, có em buổi trưa vừa báo cáo xong chiều đã khóc nghẹn ngào gọi lại để điều chỉnh thông tin vì "Bố em vừa mất rồi!". 

Như bao trường học, trước hệ lụy khủng khiếp của Covid-19 để lại trên học trò, trường Bùi Thị Xuân đã lập tức kích hoạt, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý học đường cùng nhiều chương trình hỗ trợ học sinh. 

Chỉ mới tính đến tháng 10/2021, thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có khoảng 2.500 trẻ mồ côi vì Covid-19, riêng tại TPHCM đã có trên 1.500 em, dù chỉ mới tính ở bậc học phổ thông. Thời điểm đó, 23.000 người Việt tử vong vì Covid-19. Còn con số hiện tại, theo số liệu mới cập nhất từ Bộ Y tế là trên 42.000 người đã chết. 

Nỗ lực làm tất cả trong khả năng để chia sẻ mất mát với các em nhưng cô Dung trần tình: "Những gì chúng ta nhìn thấy, cảm nhận về nỗi đau của các em chỉ mới là bề ngoài. Còn cuộc sống riêng tư của các em, đau đớn sâu thẳm trong các em không dễ gì chạm tới được".

"Tôi luôn nhắc thầy cô để ý quan sát các em không may mắn nhưng thực tế, thầy cô cũng chỉ quan tâm được phần nào. Nhất là với những học sinh ít trò chuyện, giao tiếp với bạn bè, không sẻ chia được nỗi lòng, đau đớn của mình thì tổn thương như thế nào, thật sự chúng ta không biết được hết. Thương và lo cho các em nhiều lắm!", cô Dung nói.  

Ông Nguyễn Thành Phát cho biết, trường đã tìm mọi nguồn kết nối để hỗ trợ học sinh mồ côi, đẩy mạnh công tác tư vấn học đường cho học sinh, thiết kế nhiều hoạt động văn hóa, thể thao... kéo các em hòa mình vào cuộc sống, hạn chế những tác động tiêu cực.

Ông cũng động viên người ở lại, sau những mất mát đau đớn, phải nỗ lực gấp nhiều lần, làm tốt nhất việc của mình, sống tử tế, sống cho cả phần của những người xấu số. 

Trong buổi chia sẻ mới đây về tác động của Covid-19 với học trò, TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay cho biết, trên thế giới, khoảng 5,2 triệu trẻ mồ côi hoặc mất đi người chăm sóc trong đại dịch Covid-19. Việt Nam không nằm ngoài "cơn bão" tang thương đó.  

Con mất rồi, vợ chồng tôi về quê đây! - 6

Người dân TPHCM trong lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì Covid-19 vào tháng 11/2021 (Ảnh: Hữu Khoa).

Tùy độ tuổi và tùy từng em sẽ có những biểu hiện tâm lý, hành vi khác nhau nhưng nhìn chung, trẻ mất bố mẹ, vì quá sốc nên hầu hết các em không tin, không chấp nhận được sự thật. Trẻ thường trở nên trầm lặng, ít hoạt động, giao tiếp, gặp sang chấn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ nghiêm trọng...

Việc hỗ trợ cấp bách cho trẻ mồ côi vì Covid-19, TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh, các em cần được hỗ trợ một cách toàn diện trong tầm nhìn lâu dài, ít nhất cho đến thời điểm các em trưởng thành. Trong đó, nhà nước, các tổ chức xã hội cần quan tâm đến nhu cầu của các em về chăm sóc, giáo dục, kinh tế, xã hội, phòng chống xâm hại, bạo lực... 

Hoài Nam