Con gái liệt sỹ òa khóc: 54 năm rồi con mới được "gặp" bố, bố ơi...
(Dân trí) - Cầm trên tay bức ảnh phục dựng chân dung người bố liệt sỹ của mình, bà Phạm Thị Oanh (Hà Tĩnh) òa khóc: "54 năm rồi con mới được "gặp" bố, bố ơi...".
Ngày 20/1, tại Bảo tàng Quân khu 4, nhóm Team Lee và nhà tài trợ tổ chức trao tặng hơn 100 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tới thân nhân. Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Tết liệt sỹ - Tri ân quê hương" do nhóm Team Lee khởi xướng và triển khai.
Chương trình được khởi động từ ngày 26/12/2023, trong đó ưu tiên thực hiện việc phục dựng di ảnh của các liệt sỹ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi có hàng chục nghìn người con đã ngã xuống trong chiều dài giữ nước.
Những tấm ảnh liệt sỹ được bọc trang trọng trong lá cờ Tổ Quốc, chuyển từ Hà Nội vào để kịp trao tới tay người thân trước dịp Tết cổ truyền của dân tộc, như giấc mơ về cuộc đoàn viên, sum họp trong mỗi gia đình Việt Nam.
Hàng trăm thân nhân liệt sỹ hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mặt từ sớm, mong ngóng phút giây được cầm trên tay bức ảnh với những đường nét rõ ràng, chân thực về người chồng, người cha, người anh, người em của mình. Nhiều người bao nhiêu năm nay chỉ có thể nhìn ngắm thân nhân qua các tấm ảnh nhỏ xíu, mờ nhòe hay ảnh truyền thần với những đường nét ước lệ...
"Ngay từ khi chính thức khởi động chương trình, chúng tôi đã nhận hàng trăm tin nhắn, kèm ảnh hoặc thông tin của các liệt sỹ. Mục tiêu ban đầu của nhóm là phục dựng 70 tấm nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành hơn 100 bức ảnh. Chúng tôi muốn gửi tới thân nhân, gia đình các liệt sỹ như món quà Tết, tri ân những người đã hi sinh để có nền hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay", anh Lê Quyết Thắng, trưởng nhóm Team Lee chia sẻ.
Mỗi liệt sỹ là một câu chuyện bi tráng về những người anh hùng đã ra đi vì nghĩa lớn, để lại người mẹ, người vợ mòn mỏi chờ mong, để lại những người con chưa một lần được nhìn thấy mặt bố.
"54 năm rồi, con mới được "gặp" bố, bố ơi...", bà Phạm Thị Oanh (trú Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bật khóc ngay khi lá cờ Tổ quốc gói bức ảnh được mở ra.
"Bố tôi là lính lái xe, chở quân từ miền Bắc vào Nam. Ông hi sinh năm 1972, khi tôi mới hơn 2 tuổi. Trong trí nhớ của tôi, không lưu giữ được hình ảnh nào của bố. Chiến tranh kết thúc, từ bức ảnh bố chụp chung với đồng đội bé bằng hai ngón tay, chúng tôi đã nhờ người vẽ hình bố để làm ảnh thờ. Hôm nay, cầm trên tay bức ảnh của bố, với những đường nét rõ ràng, chân thực, tôi như được gặp bố của mình...", bà Oanh thổn thức.
Câu chuyện của chị Phạm Thị Oanh khiến những người tham dự chương trình và ngay chính bản thân người phục dựng bức ảnh xúc động nghẹn ngào.
Ngoài những bức ảnh được gửi tới, dẫu mờ, nhòe vẫn có thể nhìn hay mường tượng ra đường nét của khuôn mặt, có nhiều trường hợp liệt sỹ được phục dựng dựa trên mô tả của người thân vì không có di ảnh.
"Chúng tôi thường xuyên kết nối, thảo luận với người thân, lắng nghe góp ý từ người quen của các liệt sỹ để cố gắng tạo ra bức ảnh giống nhất theo đánh giá của thân nhân liệt sỹ. Đây là việc rất khó, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của tất cả thành viên trong nhóm. Có những thời điểm 2-3h chúng tôi vẫn thức để trao đổi với thân nhân liệt sỹ", anh Thắng thông tin.
Ôm vào lòng bức ảnh của bố - liệt sỹ Hồ Sỹ Tường - ông Hồ Sỹ Thắng (62 tuổi, quê Nam Cát, Nam Đàn, Nghệ An) bật khóc: "Bố đã về đây rồi, bố ơi...".
Năm 1970, ông Tường hi sinh. Theo chia sẻ của ông Thắng, bức ảnh duy nhất người bố liệt sỹ là bức ảnh 3x4 chụp từ khi chưa cưới mẹ ông. Năm 1990, trong lúc chuyển nhà, bức ảnh duy nhất của liệt sỹ Tường bị thất lạc, gia đình thờ phụng ông bằng tấm ảnh được vẽ lại.
"Cảm ơn nhóm Team Lee đã giúp tôi và em gái phục dựng bức ảnh của bố. Nhìn bức ảnh, tôi thấy như bố về với anh em chúng tôi", ông nghẹn ngào.
Thân nhân các liệt sỹ xúc động ngắm bức di ảnh được phục dựng màu.
Các bức ảnh được phục dựng không chỉ giúp gia đình các liệt sỹ có một bức ảnh thờ, mà hơn hết, là lòng tri ân của những người trẻ đối với những người đã ngã xuống, sự động viên, sẻ chia với những nỗi đau của người vợ, người mẹ, người con... các liệt sỹ.
Cuộc "đoàn tụ" gia đình trong một bức ảnh phục dựng di ảnh liệt sỹ khiến những người tham dự xúc động.
Nhóm Team Lee hiện có 12 thành viên, là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ thuộc nhiều tỉnh, thành. Với khả năng trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh từ ý tưởng của trưởng nhóm Lê Quyết Thắng (quê Nghệ An), nhóm triển khai chương trình phục dựng ảnh liệt sỹ từ năm 2022.
Sau hơn 2 năm, nhóm đã phục dựng và trao khoảng hơn 1.000 bức ảnh màu liệt sỹ tới tận tay thân nhân như lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ đối với những người đã hi sinh xương máu cho hòa bình, độc lập hôm nay.