DMagazine

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về

(Dân trí) - Năm 2022, Thắng và nhóm bạn phục dựng 200 bức ảnh liệt sĩ để đưa các anh, chị về với gia đình. Khi biết cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, anh choáng váng nhận ra sự khủng khiếp của nỗi đau hậu chiến.

Năm 2022, Thắng và nhóm bạn phục dựng 200 bức ảnh liệt sĩ để đưa các anh, chị về với gia đình. Khi biết cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, anh choáng váng nhận ra sự khủng khiếp của nỗi đau hậu chiến.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 1

Trưa một ngày cuối tháng 7, gió từ biển thổi vào không đủ xua đi nóng nực trong căn nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thành (trú phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Mẹ Thành năm nay 94 tuổi, mắt mờ, chân chậm, ngồi lặng phắc trên giường, thỉnh thoảng đáp lời cậu con trai út. Rồi bà lẩm bẩm: "Con Chân, thằng Ngân đi lâu lắm rồi chưa về, mẹ nhớ".

18 tuổi, chị Nguyễn Thị Chân (SN 1953), con gái của mẹ, tham gia dân công hỏa tuyến, có mặt khắp chiến trường Lào và các trọng điểm đánh phá ác liệt ở Nghệ An. Năm 1972, chị  về tham gia trung đội dân quân địa phương, bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương.

Lời hẹn ước cuối năm hết giặc sẽ tổ chức đám cưới của chị và chàng trai cùng xã đã mãi mãi không thể trở thành hiện thực. Chị chiến đấu và ngã xuống trong một trận bom của địch ở xã Nghi Hương... Nhận tin con, Mẹ Thành như đứt từng khúc ruột.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 3

Năm 1975, đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng họa xâm lăng vẫn còn, mẹ lại tiễn người con trai thứ 3 Nguyễn Văn Ngân (SN 1958) lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam của Tổ quốc, chàng trai mới 20 tuổi đã ngã xuống, để lại mối tình dang dở với cô gái làng bên. Mẹ không còn nước mắt để khóc...

Bão lũ cuốn hết những kỷ vật của con trai, con gái, chỉ còn tấm ảnh của anh Ngân, chụp ở chiến trường gửi về, được phóng to làm ảnh thờ. Tấm ảnh đã cũ, nhòe mờ đường nét.

Mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng xúc động nhận ảnh con trai (Video: H. Lam).

"Mẹ ơi, hôm nay chúng con đưa chị Chân, anh Ngân về với mẹ đây", Lê Quyết Thắng - trưởng nhóm Team Lee, ôm khung ảnh được bọc trong lá cờ Tổ quốc, đặt vào tay mẹ. Mẹ Thành run run: "Chân ơi, Ngân ơi, về với mẹ các con ơi". Mẹ ôm chặt tấm hình con, ghé sát mặt, như thể thu vào mắt hình ảnh đứa con thân yêu đã đi xa hơn cả nửa thế kỷ. Khuôn mặt anh Ngân bầu bĩnh, đôi mắt còn chưa hết nét thơ ngây, đôi mày rậm nhưng sống động hơn bức ảnh đen trắng trên ban thờ. Khuôn mặt chị Chân tròn trịa hơn, vẫn nguyên nét xuân xanh...

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 5

"Ảnh chị Chân không còn, chúng con nghe các em của chị tả lại rồi phục dựng từ các đường nét trên ảnh anh Ngân, chỉnh sửa nhiều lần để ra bức hình giống nhất có thể", Thắng ôm đôi vai rung rung của mẹ Thành, lí giải.

Mẹ ngắm nghía, lần bàn tay nhăn nheo lên từng đường nét trên bức ảnh rồi ôm chặt vào lòng, khóc thành tiếng "Chân ơi! Ngân ơi!, mẹ chờ các con lâu lắm rồi, răng (sao - pv) giờ mới về với mẹ...". Không ai có thể nói gì, chỉ có thể lặng im, chia sẻ nỗi đau cùng mẹ. 

Trong đợt này, nhóm sẽ trao 17 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thắng và các cộng sự vượt hơn 200 cây số từ Hà Nội để có mặt tại Diễn Châu, Nghệ An trao bức chân dung của liệt sĩ Gạc Ma Phan Huy Sơn tới gia đình rồi tức tốc di chuyển lên huyện Thanh Chương, tặng món quà tri ân đặc biệt tới mẹ Nguyễn Thị Ba.

Mẹ Ba năm nay 96 tuổi, đôi tai đã nghễnh ngãng, nói cứ phải hét thật to mới nghe được. "Mẹ già rồi, có thể quên nhiều việc nhưng có một việc không bao giờ mẹ quên là nói chuyện với anh Đồng. Sáng nào cũng vậy, mẹ nhìn lên bàn thờ, thì thầm cả buổi với tấm ảnh anh. Bức ảnh chỉ có 2 màu đen trắng, mà mắt mẹ thì mờ rồi...", ông Nguyễn Văn Tình - con trai thứ của mẹ Ba, kể.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 7

Hôm nay, mẹ được nhận món quà đặc biệt, đó là bức chân dung phục dựng ảnh màu của con trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng (SN 1957, quê Thanh Lương, Thanh Chương) và bức ảnh anh Đồng, vẫn nguyên bộ quân phục màu xanh lá, ngồi bên mẹ. Ngắm bức ảnh, mẹ thốt lên: "Thằng Đồng đấy, hắn chụp ảnh với mẹ đấy, cái bữa hắn đi tòng quân. Đây này, hắn ngồi bên này này, tay ôm vai mẹ đây này. Hắn đẹp trai, học giỏi lắm, mỗi tội ra đi sớm quá. Mẹ thì ở đây mà con không còn nữa...", Mẹ nói với đám trẻ mà như độc thoại với chính mình.

Mẹ nâng niu tấm ảnh màu của con, luôn miệng khen "cái thằng đẹp trai và giỏi", cười mà như khóc. Mẹ bảo, bức ảnh này phải bỏ đầu giường, để mẹ ôm đi ngủ, như hồi xưa anh Đồng về phép để lấy vợ mà vẫn ôm mẹ ngủ trước đêm tân hôn...

Đây chỉ là số ít trong số hàng trăm bức ảnh chân dung liệt sĩ - món quà của các thành viên Team Lee gửi tới các mẹ nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 9
200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 11

Đây là năm thứ 2, Lê Quyết Thắng (32 tuổi) cùng các thành viên nhóm Team Lee thực hiện việc phục dựng hình ảnh liệt sĩ tặng thân nhân của họ. Thắng quê ở Nghệ An, ra Hà Nội lập nghiệp, công việc chính là thiết kế nội thất nhưng anh có niềm đam mê đặc biệt với làm ảnh. Với Thắng, hành trình tri ân đến với anh và các cộng sự như một cơ duyên mà anh xem đó là sứ mệnh của tuổi trẻ.

Thắng kể, năm 2022, trong thời gian nghỉ việc vì dịch Covid-19, lướt mạng, tình cờ thấy một số bức ảnh phục chế ảnh chân dung liệt sĩ nên mày mò làm theo, đăng lên trang Facebook cá nhân. Tối 30/4/2022, Thắng nhận được tin nhắn từ cháu của một liệt sĩ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng một bức ảnh phác thảo chì. Người cháu cho biết, bác anh hi sinh đúng ngày 30/4/1975, thân thể không còn nguyên vẹn vì bom đạn, giờ chỉ còn một bức ảnh đen trắng vẽ phác thảo bằng chì này làm ảnh thờ. Anh mong muốn được hỗ trợ để có một bức ảnh "thật" hơn về bác của mình. Ngay trong đêm, Thắng đã hoàn thành phục dựng bức ảnh màu của liệt sĩ và quyết định đến tận nhà để trao cho gia đình. 

"Chứng kiến niềm hạnh phúc và những giọt nước mắt của thân nhân liệt sĩ khi nhận bức ảnh như đang đón một người con trở về từ quá khứ, chúng tôi cũng nghẹn ngào. Tôi nhận ra rằng, đằng sau mỗi bức ảnh là cả một câu chuyện về một người anh hùng đã hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.  Chúng tôi quyết định phải làm được nhiều hơn thế, và nhóm Team Lee ra đời", Thắng kể. 

Team Lee ban đầu có 6 thành viên, nay quân số đã gấp đôi. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, có công việc khác nhau, người làm ảnh chuyên nghiệp, người làm nhân viên công ty, người là lái xe.... và chung nhau ở tấm lòng hướng về thân nhân gia đình liệt sĩ với mong muốn xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Tháng 7/2022, nhóm bắt tay vào thực hiện dự án tri ân. 200 bức ảnh màu đã được phục dựng và trao tận tay bố, mẹ, vợ và con liệt sĩ ở nhiều tỉnh thành.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 13

"Hơn 200 bức ảnh là thành quả của cả nhóm trong suốt tháng Bảy - Tháng tri ân. Chưa kịp vui mừng với kết quả đó thì tôi như bị một cú tát thẳng vào mặt khi biết, đất nước mình có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, nghĩa là có từng đó người mẹ, người vợ, người con đang mong ngóng con mình, chồng mình, cha mình trở về, bằng cách này hay cách khác, dẫu có khi chỉ bằng một tấm ảnh thôi. Và tôi, đã có lúc quên rằng, gia đình mình cũng có chú là liệt sĩ. Nếu tôi không nhớ, thì sau này các con của tôi cũng không nhớ đến ông của mình. Sự lãng quên ấy là có tội với những người đã ngã xuống hôm qua", Thắng tâm sự.

Những bức ảnh màu sống động và chân thực được trao tới tay thân nhân liệt sĩ, đồng thời được đăng tải trên Facebook và kênh TikTok của các thành viên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Thắng nhận ra rằng, thế hệ trẻ không vô tâm, không lãng quên quá khứ, không lãng quên công lao của biết bao thế hệ đã xả thân vì đất nước, không dửng dưng trước nỗi đau năm tháng của người mẹ, người vợ mòn mỏi chờ chồng, chờ con... Chỉ là họ chưa có nhiều cách để thể hiện tấm lòng biết ơn ấy thôi.

Thắng không ngờ dự án có hiệu ứng lan tỏa đến như thế. Thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc tới tấp gửi ảnh về. Có thời điểm, nhóm nhận được hơn 10.000 tin nhắn nhờ phục dựng ảnh liệt sĩ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện khiến những người trẻ như Thắng và cộng sự không khỏi day dứt.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 15
200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 17

Nhóm Team Lee có 12 thành viên, trong đó 9 thành viên phụ trách việc phục dựng ảnh, 3 thành viên khác phụ trách truyền thông và hậu cần.

So với nhiều thành viên trong nhóm, Nguyễn Quốc Anh (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) có nhiều thuận lợi hơn. Quốc Anh hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực ảnh nên đảm nhận việc phục dựng chính. Ít ai biết rằng, ông chú của Quốc Anh là liệt sĩ nhưng trên ban thờ chỉ có tấm Bằng Tổ quốc ghi công. Những người biết rõ về ông cũng đã qua đời hoặc không đủ minh mẫn để có thể cung cấp dữ liệu phục dựng ảnh. Bởi vậy, hơn ai hết, Quốc Anh hiểu niềm mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ, nhiều khi chỉ một tấm ảnh trên ban thờ cũng thấy được niềm an ủi...

Mẹ VNAH Phạm Thị Thành bật khóc khi nhận ảnh 2 con liệt sĩ (Video: H. Lam).

"Thực ra, với sự hỗ trợ của công nghệ, việc phục chế ảnh không khó nhưng tiêu chí của nhóm không phải là phục chế mà là phục dựng. Bức ảnh được tạo ra đảm bảo giống nhất, phải có hồn, có thần thái và quan trọng là được chính thân nhân các liệt sĩ chấp nhận. Có những bức ảnh chỉ mất vài tiếng nhưng cũng có những bức ảnh phải mất 3-5 ngày, thậm chí lâu hơn, nhất là đối với những trường hợp không có ảnh mà phục dựng từ những đường nét của người thân, phải chỉnh sửa nhiều lần", Quốc Anh tâm sự.

Nối tiếp thành công của năm 2022, nhóm Team Lee lên kế hoạch thực hiện tháng tri ân 2023. Hàng chục nghìn tin nhắn gửi đến, hàng chục nghìn thân nhân liệt sĩ gửi gắm và chờ đợi. "Anh em quyết định nghỉ việc cả tháng 7, tập trung cho nhiệm vụ phục dựng ảnh", trưởng nhóm Lê Quyết Thắng, cho biết. Thắng và các cộng sự may mắn luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình, dẫu rằng áp lực cơm áo khi nghỉ việc cả tháng là không hề nhỏ.

200 tấm ảnh thờ và 1,2 triệu gia đình liệt sĩ ngóng con về - 19

9 con người, không thể đáp ứng hết tất cả đề nghị, sau khi bàn tính kỹ, nhóm ưu tiên các mẹ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, bởi các mẹ không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Cả nhóm dốc sức cho tháng tri ân, đánh giá, lựa chọn những trường hợp ưu tiên, trung bình 2-3 ngày sẽ thực hiện một đợt trao ảnh tới thân nhân liệt sĩ. 

Trên chặng đường ấy, nhóm đã có thêm nhiều bạn đồng hành, hỗ trợ kinh phí cho những chuyến đi. Dường như, ai cũng muốn góp một phần vào hành trình đặc biệt ấy. Cùng những bức chân dung, nhóm còn có thêm món quà đặc biệt, là bức ảnh ghép liệt sĩ cùng mẹ, vợ hoặc các con. Dù mất nhiều thời gian hơn, công sức hơn, nhưng niềm vui các thành viên nhận lại cũng lớn hơn.

"Đợt vừa rồi nhóm nhận được đề nghị từ thân nhân liệt sĩ ở tỉnh Thanh Hóa, mẹ ốm rất nặng, khó lòng qua khỏi. Đọc dòng tin nhắn, thực sự mỗi thành viên đều nghẹn ngào. Chỉ trong vòng một đêm, chúng tôi hoàn thành bức ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ, ảnh ghép liệt sĩ và mẹ để trao vào ngày hôm sau. Nhận bức ảnh, mẹ khóc. Mẹ ghì chặt tấm ảnh con vào lòng, bảo, từ nay, mẹ sẽ ôm anh ngủ. Từ hôm đó đến nay, nhóm vẫn duy trì liên lạc với gia đình. Người thân của mẹ bảo, nhận được ảnh, mẹ khỏe hơn rất nhiều. Đó là điều chúng tôi hạnh phúc nhất và cũng chính là động lực để cả nhóm tiếp tục hành trình tri ân của mình trong những năm tiếp theo", Lê Quyết Thắng chia sẻ.                    

Nội dung: Hoàng Lam

Thiết kế: Thủy Tiên