Có nhà mới, vợ chồng cựu binh già hết nỗi lo là gánh nặng cho con cháu
(Dân trí) - "Trước đây, tôi chỉ mong có đủ tiền để xây thêm một gian nhà nhỏ, nhường lại nhà cũ cho con cháu. Nay được hỗ trợ xây nhà, vợ chồng tôi không còn lo trở thành gánh nặng cho các con".
Đó là cảm xúc của cựu chiến binh Vi Văn Tổn (77 tuổi, ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) khi được ở trong ngôi nhà mới - mong ước tuổi xế chiều của hai vợ chồng. Ngôi nhà được chính quyền địa phương, bạn đọc báo Dân trí và Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ xây dựng và khánh thành cuối tháng 4/2023.
Niềm vui những ngày cuối đời
Hơn một năm ở nhà mới, cựu binh Vi Văn Tổn không quên những ngày cả gia đình 5-6 người chen chúc trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Với ông, ngôi nhà đó từng là tổ ấm duy nhất mà cả đời ông và vợ dành dụm xây dựng. Nhưng qua thời gian, căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, nhất là khi gia đình người con trai sinh thêm cháu, khiến không gian ngày càng chật chội.
"Những năm qua, con trai tôi chung vốn làm ăn nhưng thất bại, cả gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Vợ chồng tôi phải cuốc nương làm rẫy, chắt chiu từng đồng phụ các con nuôi cháu ăn học.
Có lúc thương con nhưng chẳng biết làm gì hơn. Tiền trợ cấp 5 triệu đồng hằng tháng từ Nhà nước đối với Người có công và chất độc da cam phần lớn dùng để chi trả thuốc men, bởi di chứng chiến tranh khiến tay trái tôi gần như tê liệt hoàn toàn, không thể làm việc nặng", ông Tổn nghẹn ngào.
Ước nguyện lớn nhất của ông là có thể xây một căn nhà nhỏ để ở riêng, nhường lại ngôi nhà cũ cho con cháu. Thế nhưng, những khó khăn cứ liên tiếp ập đến, từ nợ nần đến bệnh tật, khiến ước mơ ấy mãi dang dở.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn đọc báo Dân trí, Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng chính quyền địa phương, ước mơ cuối đời của người cựu binh già đã thành hiện thực.
"Ở tuổi này, ngôi nhà không chỉ là nơi ở mà còn là niềm vui cuối đời đối với tôi. Bao nhiêu lần hai vợ chồng dành dụm để sửa nhà nhưng vì cuộc sống khó khăn, hết gặp chuyện này đến chuyện khác, lại thêm bệnh tật, giấc mơ ấy cứ mãi xa vời.
Nay, nhờ sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Dân trí và Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH, vợ chồng tôi có một mái ấm vững chãi để an hưởng tuổi già. Tết Âm lịch sắp tới là năm thứ hai gia đình tôi được ở trong ngôi nhà mới. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn", ông Tổn chia sẻ.
Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tổn rời quê hương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Từ năm 1966 đến 1975, ông trải qua không ít trận "mưa bom, bão đạn" tại khắp các mặt trận miền Trung.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông về quê được một thời gian ngắn thì tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Trong một trận đánh, ông bị mảnh đạn găm vào chân, để lại vết thương dai dẳng.
"Trở về quê hương sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia, tôi mang trong mình những vết thương chiến tranh và ảnh hưởng từ chất độc da cam, mất 19% sức khỏe", người cựu binh nhớ lại.
Ngày trở về, ông Tổn được đưa vào chăm sóc tại khu điều dưỡng ở quê nhà, rồi lập gia đình với bà Đỗ Thị Ba. Cuộc sống của hai vợ chồng gắn liền với những khó khăn, nhất là khi trái gió trở trời, những cơn đau từ vết thương cũ lại hành hạ.
Dù mang trong mình di chứng chiến tranh, ông Tổn luôn tự hào là người lính Cụ Hồ, người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân để bảo vệ đất nước. Ông thường nói rằng, được sống và trở về đã là may mắn hơn biết bao đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.
Hai vợ chồng sinh được 4 người con. Ba người con may mắn khỏe mạnh, riêng người con gái út bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Mặc dù vậy, ông bà vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh, nuôi các con trưởng thành.
Ông Tổn cho biết, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song người cựu binh già luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, và tình làng nghĩa xóm. Chính sự động viên và hỗ trợ đó đã giúp gia đình người cựu binh già vượt qua những tháng ngày gian nan.
"Trở về cuộc sống đời thường, tôi luôn thấy biết ơn vì sự quan tâm của mọi người xung quanh. Nhờ đó, vợ chồng tôi đã có thêm sức mạnh để nuôi các con trưởng thành", ông xúc động nói.
Hoàn thành tâm nguyện về ngôi nhà không dột cho cựu binh
Ước mơ của cựu binh Ma Ngọc Chinh (76 tuổi, trú tại xã Hợp Thành, Phú Lương, Thái Nguyên) được ở trong ngôi nhà không bị dột đã thành hiện thực từ hồi tháng 7.
Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang, bà Lý Thị Mài (vợ ông Ma Ngọc Chinh) vẫn chưa thể tin được rằng mong ước cả đời của vợ chồng bà đang hiện hữu.
Hoàn cảnh gia đình cựu binh Ma Ngọc Chinh đặc biệt khó khăn. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, gia đình ông chấp nhận sống chật vật trong căn nhà sàn tuềnh toàng, khi trời mưa thì dột khắp, mùa đông thì lạnh thấu xương.
Ông Ma Văn Chinh nhập ngũ năm 1968, gia nhập tiểu đoàn 683 Bắc Thái. Tháng 10 cùng năm, ông lên đường vào chiến trường miền Nam, đóng quân tại Tây Ninh và tham gia nhiều trận đánh ác liệt khắp vùng Nam Bộ.
Sau những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, năm 1976, ông Chinh xuất ngũ và trở về quê nhà, lập gia đình và sinh con.
Tuy nhiên, những năm tháng chiến đấu đã để lại di chứng lâu dài. Năm 2019, ông Chinh bị tai biến mạch máu não, và từ đó, ông phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân.
Nỗi đau không chỉ dừng lại ở ông Chinh. Bà Mài, vợ ông, cho biết con trai út tên Ma Văn Thư cũng bị nhiễm chất độc da cam nên sinh con ra thì con bị chậm phát triển. Cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn, tất cả gánh nặng dồn lên đôi vai của bà Mài, năm nay tuổi đã ngoài 70.
"Giá như không ốm đau thì tiền trợ cấp của Nhà nước chúng tôi tằn tiện cũng đủ sống. Nhưng khổ nỗi, ông nhà tôi bệnh tật quá nhiều, mỗi lần đi viện lại tốn kém vô cùng. Con trai và cháu trai của chúng tôi cũng phải uống thuốc hàng ngày, nợ mới nợ cũ cứ chồng chất lên nhau, đến cái ăn hàng ngày cũng trở thành gánh nặng", bà Mài xúc động.
Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Hợp Thành Lương Thanh Phương, cho biết căn nhà sàn xuống cấp này là nơi 3 thế hệ, tổng là 6 người cùng sinh sống, nhưng 3 người nhiễm chất độc da cam.
"Gia đình ông Chinh suốt bao năm qua cứ mãi là hộ nghèo rồi cận nghèo không biết bao giờ thoát ra được", ông Phương nói.
Trước hoàn cảnh éo le và khát khao có nơi ở che mưa, che nắng của gia đình cựu binh Ma Ngọc Chinh cũng như nhiều hộ nghèo khác, hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ về việc xóa nhà tạm nhà dột và lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung "Toàn ngành chung tay để thực hiện tốt nhất mục tiêu hết 2025 không còn nhà tạm nhà dột nát trên cả nước", báo Dân trí đã triển khai Chương trình xây dựng nhà Nhân ái dành tặng 100 hộ nghèo trên toàn quốc.
Căn nhà Nhân ái dành tặng gia đình người cựu binh Ma Ngọc Chinh là căn nhà đầu tiên của chương trình đã hoàn thành theo đúng tiêu chí đề ra, đó là có sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân, bạn đọc, mạnh thường quân và các đơn vị đồng hành với báo Dân trí.
Căn nhà 2 tầng theo kiến trúc nhà sàn của người Tày, lợp mái tôn lạnh với 1 phòng khách và 3 phòng ngủ khép kín rộng rãi được hoàn thành, thay thế căn nhà sàn lợp bằng lá cọ dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào.
Vừa qua, để hỗ trợ tích cực hơn nữa cho gia đình người có công khó khăn về nhà ở, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.
Theo quyết định này, các hộ gia đình có công với cách mạng có đủ tiêu chí sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng nếu xây nhà mới và 30 triệu đồng cho việc cải tạo, sửa chữa nhà.
Trước khi Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu chiến lược cho Chính phủ trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ LĐ-TB&XH cùng với các cơ quan liên quan đã nhạy bén tham mưu, đề xuất Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai chương trình.
Chương trình Xây dựng nhà Nhân ái của báo Dân trí với mục tiêu đề ra trong 2 năm 2024-2025 sẽ xóa 100 căn nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Đến nay Chương trình đã vượt mục tiêu xóa 50 căn nhà Nhân ái của năm 2024, cụ thể ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã hoàn thành 15 căn, đang xây dựng 10 căn; ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã hoàn thành 8 căn và chuẩn bị khởi công 7 căn; hoàn thành 6 căn tại Sơn La, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ; đang thi công 10 căn tại xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; chuẩn bị khởi công 7 căn tại Lào Cai và 8 căn tại Lục Yên, Yên Bái.