Cô gái Việt chinh phục kỹ sư Mỹ, đám hỏi nhà trai mặc áo dài bê 7 tráp cưới
(Dân trí) - Lễ ăn hỏi của cô dâu Minh Ngọc và chú rể John Kent gây sốt mạng xã hội khi đoàn nhà trai "nhập gia tùy tục" mặc áo dài, bê 7 tráp đi hỏi cưới cô gái Việt.
Buổi gặp gỡ định mệnh lúc 23h
Trong chuyến du lịch Việt Nam hồi tháng 9/2019, chàng kỹ sư người Mỹ John Kent (35 tuổi) làm quen một cô gái Việt thông qua ứng dụng hẹn hò.
Thoạt nhìn hình ảnh đại diện và thông tin cá nhân viết bằng tiếng Anh của Minh Ngọc (34 tuổi), John đánh liều bắt chuyện xem cô gái có phản hồi không. Anh chủ động nói lời chào, không ngờ đối phương hồi đáp bằng tiếng Anh nên anh cảm thấy rất vui vì có cơ hội để nói chuyện và trao đổi mà không có rào cản ngôn ngữ.
"Sau thời gian nói chuyện, chúng tôi hẹn gặp mặt", Minh Ngọc nhớ lại.
Buổi hẹn đầu tiên, cô gái quê Bắc Giang, làm trong ngành du lịch, do bận tiếp đón đoàn khách quan trọng nên liên tục trì hoãn cuộc hẹn. Công việc quay cuồng khiến cô quên mất thời gian, quên luôn cả buổi gặp gỡ đầu tiên với John.
Đến khi nhớ ra thì đã là 23h, cô vội nhắn tin xin lỗi, hẹn anh một buổi khác. Nhưng điều khiến cô bất ngờ là chàng trai Mỹ vẫn nhất quyết gặp mặt.
Trong buổi hẹn, cả hai trao đổi về công việc, sở thích cá nhân. Ngọc quan tâm nhiều về những chuyến đi của John, kể anh nghe những trải nghiệm của ngành du lịch. Anh chăm chú lắng nghe, nhận ra cô gái trước mặt "thật thú vị và cuốn hút".
"Đó đơn giản là một buổi nói chuyện giữa hai người bạn, chúng tôi chưa xác định mối quan hệ chắc chắn nào", Ngọc nói, cho biết trở ngại khoảng cách giữa hai đất nước khiến cô băn khoăn về mối nhân duyên này.
(Trải qua nhiều thử thách, vợ chồng anh John chính thức về chung một nhà bằng một đám cưới viên mãn ở Việt Nam).
Ngày John trở về Mỹ, Ngọc chỉ trao đổi xã giao lịch sự là nếu anh muốn tiếp tục nói chuyện thì cô sẽ trả lời nếu có thời gian nhưng không hứa trước điều gì cả. Điều cô không ngờ là chàng trai Mỹ vẫn tiếp tục giữ liên lạc trao đổi, hỏi han và quan tâm hàng ngày.
John và Ngọc quen nhau khoảng 1-2 tháng thì sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã chia cắt họ. Hơn hai năm, cặp đôi chấp nhận yêu xa, cùng lúc Ngọc gặp biến cố lớn trong cuộc sống. Có những lúc, cô cảm thấy không muốn tiếp tục mối quan hệ này vì nghĩ "mọi chuyện chẳng đi đến đâu".
Trải qua những thăng trầm, yêu xa trở thành thử thách lớn nhất mà cô phải đương đầu. Mỗi năm họ chỉ gặp nhau một lần, năm nào may mắn thì 2 lần.
Ngay khi Việt Nam chính thức mở cửa sau đại dịch, John lập tức đặt vé máy bay sang thăm bạn gái. Cả hai du lịch Hà Nội, Hà Giang, về quê của Ngọc đúng dịp lễ Trung thu.
Ngay cả khi đại dịch qua đi thì cả hai cũng gặp nhiều trở ngại về mặt khoảng cách địa lý khiến việc gặp gỡ gặp nhiều khó khăn. Mối quan hệ cũng vì thế mà có nhiều sóng gió và thử thách, thậm chí có thời điểm cả hai quyết định không đến với nhau nữa.
Nhưng sau một biến cố lớn xảy ra, hai người nhận ra mình thật sự muốn gắn bó cùng nửa kia trong cuộc sống này.
Trong chuyến du lịch Nhật Bản năm 2023, John quỳ gối, cầu hôn người yêu trong một ngôi đền bình yên.
"Em có đồng ý lấy anh không?", chàng trai xấu hổ, chân thành nhìn bạn gái. Cái gật đầu nhẹ nhàng của Ngọc đã xua tan mọi lo lắng trong John. Lắng đọng giây phút đó, cô gái Việt vừa bất ngờ vừa hạnh phúc.
Tết Nguyên Đán 2024, bố mẹ John từ Mỹ sang Việt Nam hỏi cưới vợ cho con trai. Trước đó, Ngọc chia sẻ với bạn trai về phong tục quê hương, rằng hai người muốn kết hôn phải có sự đồng ý của hai bên gia đình. Nhân dịp này, cô mời gia đình bạn trai ở lại ăn Tết cổ truyền, sau đó hai bên cùng bàn tính chuyện tương lai.
"Bố mẹ anh rất quý gia đình tôi, yêu thích phong tục văn hóa của Việt Nam, đặc biệt coi trọng kết nối các thành viên trong gia đình, tôn trọng người lớn tuổi", Ngọc nói.
5 năm bên nhau trước khi tiến đến hôn nhân, cả John và Ngọc đều cân nhắc nhiều. Chính những khó khăn và thách thức lúc yêu xa đã thức tỉnh tình cảm, khiến cả hai cảm thấy trân trọng, muốn sống bên nhau hơn bao giờ hết.
"Chúng tôi đặt lại câu hỏi về quyết định cuộc đời mình, xem bản thân có thực sự muốn đến với đối phương bất chấp mọi hoàn cảnh không? Khi có câu trả lời, chúng tôi đều chung suy nghĩ: Không cần biết ở Mỹ hay Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, miễn là chúng tôi vẫn nắm chặt tay nhau", John nói.
Đám cưới "nhập gia tùy tục"
Đám cưới của John và Ngọc diễn ra tại thành phố Bắc Giang vào hai ngày 11-12/10, bao gồm tất cả nghi lễ truyền thống của Việt Nam như lễ ăn hỏi và lễ rước dâu theo đúng phong tục nhà gái, đồng thời kết hợp các yếu tố của một đám cưới phương Tây.
"Với sự hiện diện của gia đình và bạn bè từ cả hai phía, chúng tôi đã có một đám cưới thực sự đặc biệt với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ", John cho hay.
Đoàn nhà trai gồm 40 người, thêm 15 người bạn nước ngoài của Ngọc, đều sang Việt Nam dự đám cưới. Dù đã 82 tuổi, ông nội của John vẫn ngồi máy bay suốt 22 tiếng, vượt gần 15.000km để chứng kiến đám cưới của cháu trai.
(Đoàn nhà trai mặc áo dài, bê 7 tráp đi hỏi cưới cô dâu Minh Ngọc).
Để chuẩn bị gần 60 bộ áo dài bao gồm cả nam lẫn nữ cho đoàn khách, cô dâu Việt cho biết đã tốn rất nhiều công sức.
Do vóc dáng người nước ngoài cao lớn hơn so với người Việt, các cửa hàng đều không có mẫu sẵn. Ngọc đành tìm các mẫu áo dài trên mạng để từng người lựa chọn. Sau đó, cô đặt may riêng theo từng kích cỡ.
Trong ngày ăn hỏi, chú rể John mặc áo dài màu xanh in hình rồng, cùng dàn phù rể mặc áo dài xanh, mang theo 7 tráp hỏi cưới cô dâu xinh đẹp. Bố của John - ông Edward - thích thú mặc áo dài màu vàng, nói "hợp năm tuổi của mình". Còn mẹ chú rể nền nã trong tà áo dài màu xanh ngọc.
(Cô dâu mặc cổ phục, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thông trong ngày rước dâu).
Đến ngày rước dâu, cô dâu Minh Ngọc khoác lên mình bộ cổ phục màu đỏ trang trọng. Cô nói muốn tận dụng ngày trọng đại của cuộc đời để "tìm về và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống".
Trong giây phút trao tay con gái cho chàng rể Mỹ, ông Nguyễn Văn Quyến (64 tuổi) xúc động, lấy tay gạt nước mắt, mong "con sẽ luôn sống hạnh phúc". Đám cưới của cặp đôi được tổ chức tại một khách sạn ở Bắc Giang theo phong tục phương Tây, Ngọc thay sang một chiếc váy cưới màu trắng.
Giống những cô dâu khác, cô từng thử nhiều kiểu váy cưới khác nhau. Có những bộ trông lộng lẫy và xinh đẹp, nhưng cô cảm nhận "không nhìn thấy được con người của mình trong đó".
Khi thử đến chiếc váy cưới "định mệnh" kiểu cúp ngực, điểm nhấn ở phần eo, Ngọc thốt lên "nhìn thấy chính mình trong đó, là những gì từ trước đến nay tôi vẫn mong muốn". Chiếc váy cưới không quá nhiều chi tiết, vẫn tôn lên đường nét nhỏ nhắn của người phụ nữ Việt, đồng thời thể hiện nét hiện đại và cá tính của cô dâu.
Ban đầu, Ngọc dự định thuê chiếc váy cưới này, nhưng John động viên vợ "nên mua để giữ làm kỷ niệm".
(Cặp đôi tổ chức đám cưới theo phong tục phương Tây, cô dâu tâm đắc với chiếc váy cưới "định mệnh").
Biết ơn đã không buông tay nhau giữa muôn vàn khó khăn
Một tuần sau đám cưới, vợ chồng Ngọc bay sang bang Idaho (Mỹ). Giây phút tiễn con gái ở sân bay, ông Nguyễn Văn Quyến và bà Hà Thị Vân (60 tuổi) không kìm nén được cảm xúc, nghẹn ngào dặn dò con giữ gìn sức khỏe. Chính Ngọc phải động viên lại bố mẹ và người thân, hứa chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình, một năm sau sẽ về thăm nhà
Ngọc biết bố mẹ không ngăn cấm chuyện tình này, nhưng họ có những sự lo lắng nhất định, không muốn con gái lấy chồng xa.
"Tôi biết bố mẹ buồn nhưng qua những lần gặp gỡ anh John và gia đình, bố mẹ yên tâm vì anh sống tình cảm, chăm sóc tôi rất tốt", Ngọc nói.
Hơn 3 tuần thích nghi cuộc sống mới, cô dâu Việt ở Mỹ còn bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn, như khác biệt khí hậu, thói quen và văn hóa.
Bố mẹ chồng sống cùng bang, nhưng cách vài trăm km. Ông bà thường xuyên gửi đồ ăn cho vợ chồng John, gọi điện hỏi thăm, hướng dẫn con dâu sớm hòa nhập cuộc sống.
Thử thách lớn nhất với Ngọc là không được ăn đồ ăn Việt Nam. Có những ngày cô nằm mơ đi chợ ăn bánh cuốn, bánh giò. Trước khi sang Mỹ, cô đã gói theo bánh đa nem và miến để mỗi khi nhớ nhà sẽ làm món ăn Việt. Thỉnh thoảng, cô gọi điện kể cho bố mẹ nghe cuộc sống ở Mỹ.
(Vợ chồng John - Minh Ngọc đăng ký kết hôn tại Mỹ).
5 năm yêu và kết hôn, Ngọc thầm cảm ơn vì hai vợ chồng đã không buông tay nhau giữa muôn vàn khó khăn và thử thách. Chính người thân và bạn bè hai bên từng hoài nghi về chuyện tình này, hỏi cô "liệu mọi sự hi sinh có xứng đáng không?".
"Tôi nghĩ khi chúng tôi thực sự chân thành, tình yêu xuất phát từ cả hai phía, có sự nỗ lực và cam kết thì sẽ đổi lại được hạnh phúc", cô nói.
Cô dâu Việt biết ơn những người bạn đã đồng hành, lắng nghe tâm sự trong những lúc cô gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi cô muốn từ bỏ John, chính họ đã động viên, vực cô dậy khỏi những dòng nước mắt.
"Tôi cũng biết ơn những trải nghiệm trước đây của mình để khi bước chân vào chuyện tình cảm, tôi có sự tỉnh táo để đưa ra quyết định. Và tôi đã đúng đắn khi lựa chọn John là gia đình của mình", Ngọc nói.
Hai vợ chồng John hi vọng ổn định cuộc sống, sớm có em bé. Những lúc mệt mỏi, Ngọc nhớ lại câu nói ấm áp của chồng để làm động lực: "Anh muốn đưa em sang Mỹ để trải nghiệm, khám phá những vùng đất cùng anh".
Ảnh: Nhân vật cung cấp