DNews

Chuyện đau lòng khi "trẻ em sinh trẻ em"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chỉ trong một năm hoạt động thí điểm tại một bệnh viện, nhà tạm lánh dành cho phụ nữ và trẻ em đã hỗ trợ được 51 trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại dẫn đến có thai.

Chuyện đau lòng khi "trẻ em sinh trẻ em"

Mẹ dắt con 13 tuổi đi bán dâm

Ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc, hơn 100 nhân viên công tác xã hội tập trung về TPHCM dự hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thí điểm "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM", tìm giải pháp hỗ trợ những người chưa từng có được hạnh phúc.

Mô hình một cửa chính thức ra mắt từ tháng 3/2023, được đặt tại bệnh viện Hùng Vương, với mong muốn bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây sẽ được bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại. Sau đó, nạn nhân sẽ được chuyển sang phòng công tác xã hội triển khai quy trình tư vấn, hỗ trợ nạn nhân chấm dứt bạo lực, xâm hại.

Những nạn nhân có nhu cầu tạm lánh, tránh xa thủ phạm sẽ được cán bộ chương trình chuyển về Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM chăm sóc.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 1
Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 2
Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 3

Khi phát hiện trường hợp cần can thiệp, nạn nhân sẽ được tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý và bố trí tạm lánh nếu có nhu cầu (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH TPHCM).

Tại hội nghị, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) nhắc lại câu chuyện đau lòng mà nhóm của bà vừa hỗ trợ. Sau khi nhận thông tin từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 về một người mẹ dẫn con 13 tuổi đi phá thai, bà liên hệ cơ quan chức năng xác minh, can thiệp và kịp thời giải cứu hai bé gái bị chính mẹ ruột nhẫn tâm dẫn từ quê lên TPHCM bán dâm.

"Cháu 13 tuổi đã bị mẹ bán hai lần, một lần giá 5 triệu, một lần 3 triệu đồng. Cháu 11 tuổi may quá chưa kịp bán vì còn nhỏ quá. Chúng tôi phối hợp cùng công an xác minh, sau một ngày nhận thông tin đã phát hiện và can thiệp xử lý ngay để bảo vệ hai đứa trẻ", luật sư Nữ chia sẻ.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 4
Khó khăn lớn nhất của nạn nhân bị xâm hại, bạo lực là có nhà mà không thể về
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Chị Thảo (mái ấm "Nhà may mắn" TPHCM) kể về một ca can thiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được nuôi dưỡng tại mái ấm sinh con từ năm 14 tuổi. Khi bé gái này mang thai, bạn trai bỏ đi, bé đến ở cùng một người bạn trai khác cho đến lúc sinh con.

Đứa trẻ sinh ra bị người tình của mẹ hành hạ, bẻ gãy tay chân của bé rồi bắt hai mẹ con live stream (công chiếu trực tuyến) trên mạng xã hội, bịa chuyện bị ngã, tai nạn, kể khổ để xin tiền nhà hảo tâm.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 5

Hầu hết thủ phạm xâm hại các bé gái chính là người thân trong nhà (Ảnh minh họa: Đặng Dương).

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, sau một năm triển khai mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, chương trình đã tiếp nhận hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục thì có đến 48 ca là trẻ vị thành niên; đặc biệt, 14 ca là trẻ gái 14 tuổi, 16 ca 15 tuổi, nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi.

"Khi thống kê những con số này, tôi đau lòng lắm! Cứ tưởng tượng đứa trẻ mới 13-14 tuổi, đang tuổi ăn tuổi chơi đã phải sinh con, trẻ em sinh trẻ em thì sau này chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao?", bà Kim Thanh chia sẻ.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 6
Trẻ em sinh trẻ em thì sau này chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ ra sao?
Bà Trần Thị Kim Thanh Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TPHCM

Theo bà Kim Thanh, 51 ca được hỗ trợ trong năm qua của chương trình chưa phải là tất cả. Bởi năm 2023, tại bệnh viện Hùng vương có 34.360 ca sinh thì đến 423 ca là trẻ vị thành niên, 9.762 ca phá thai thì có 105 ca trong cảnh tương tự.

Tuy nhiên, chỉ có 51 ca (trong tổng số 528 trẻ vị thành niên sinh con, phá thai) là đồng ý chia sẻ, xác nhận là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, cưỡng bức. Các trường hợp còn lại, nạn nhân và người nhà không muốn chia sẻ, chỉ cố phá thai cho nhanh hoặc để nạn nhân sinh con rồi về nhà tự giải quyết.

Thậm chí, trong 51 ca được phát hiện thì chỉ có 7 ca đồng ý báo công an xử lý và một ca duy nhất xin về nhà tạm lánh, còn lại không khai báo, thỏa hiệp với thủ phạm, chờ trẻ đến tuổi cho làm đám cưới, nạn nhân từ chối hỗ trợ…

Bà Kim Thanh đặt vấn đề: "Đó chỉ là thống kê ở bệnh viện Hùng Vương, còn bệnh viện khác thì sao? Thành phố này có bao nhiêu bệnh viện?".

Nạn nhân bị xâm hại có nhà mà không thể về

Bà Kim Thanh cho biết, hầu hết trẻ em bị xâm hại sống trong gia đình không phải là mái ấm, gia đình có cha mẹ ly hôn, ở với ông bà, sống cùng gia đình riêng của cha hoặc mẹ... Thậm chí, thủ phạm phần lớn là người thân của nạn nhân. Do đó, việc thiết kế nơi tạm lánh cho nạn nhân rất quan trọng.

Mô hình một cửa đáp ứng được điều quan trọng trên, khi đầu vào là bệnh viện phát hiện ca, tư vấn và hỗ trợ y tế, sau đó bố trí tạm lánh tại Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM nếu nạn nhân có nhu cầu.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 7
Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 8

Trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM được chăm sóc, nuôi dưỡng, học văn hóa và học nghề (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, qua 20 năm hoạt động hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bà nhận thấy khó khăn lớn nhất của nạn nhân bị xâm hại là có nhà mà không thể về vì thủ phạm hầu hết là người thân trong nhà. Do đó, bà đánh giá cao mô hình này khi hoàn thiện quy trình từ phát hiện, tư vấn, hỗ trợ cho đến chăm sóc tại nơi tạm lánh.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá mô hình một cửa rất quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em yếu thế. Nhờ có mô hình này mà năm qua có 51 ca được phát hiện tại bệnh viện Hùng Vương. Do đó, nếu mô hình được xây dựng hoàn thiện, nhân rộng ra các bệnh viện khác trên địa bàn thì chúng ta có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Tuy mô hình này đã chứng minh được tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn nhưng ông Thinh cũng xác nhận việc vận hành vẫn còn gặp nhiều thách thức. Ông nói: "Đây là mô hình đầu tiên của cả nước đặt tại bệnh viện, việc vận hành chưa có kinh nghiệm".

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 9
Mô hình này tập trung can thiệp, hỗ trợ nạn nhân không tự bảo vệ được bản thân, có ý nghĩa nhân văn và quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là công tác phòng ngừa ở các địa phương, trong từng gia đình…
Ông Lê Văn Thinh Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM

Thực tế vận hành một năm qua cho thấy, mô hình này chỉ mới vận dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ nạn nhân mà chưa có cơ chế riêng dẫn đến hàng loạt khoảng trống về nhân sự, kinh phí hoạt động, chi phí hỗ trợ xã hội, y tế và pháp lý cho nạn nhân…

Bác sĩ CKII Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện Hùng Vương, cho hay: "Các em ở phòng công tác xã hội kiêm nhiệm cả công việc này, chưa xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ… nên không dùng để đánh giá hiệu quả công việc. Khi hỗ trợ nạn nhân, thời gian trò truyện, tư vấn… phải tận dụng lúc rảnh. Khi gọi điện liên lạc, mời nạn nhân cơm nước… phải bỏ tiền túi chứ không có cơ chế nào thanh toán".

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 10

Thời gian qua, TPHCM có nhiều mô hình hay hỗ trợ, giải cứu trẻ em bị bạo hành, xâm hại... nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Qua một năm thí điểm mô hình, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM chỉ mới tiếp nhận một ca tạm lánh (bé gái 14 tuổi mang thai 28 tuần, không người chăm sóc) nhưng thực tế vận hành hoạt động hỗ trợ cho thấy cơ chế, chính sách hiện hành không phù hợp để hỗ trợ nạn nhân.

Trung tâm áp dụng kinh phí hỗ trợ hiện hành của TPHCM là 1.920.000 đồng/tháng là đảm bảo đầy đủ chế độ ăn uống, lưu trú cho trẻ ở trung tâm. Tuy nhiên, thực tế nạn nhân đang trong quá trình mang thai, cần chế độ dinh dưỡng tốt hơn, chế độ chăm sóc y tế và các dịch vụ khác.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: "Nhu cầu dinh dưỡng của người mang thai đặc biệt hơn, chưa kể nạn nhân là trẻ em mang thai, trong thời gian mang thai đã phải đưa đi khám thai và điều trị bệnh khác hơn 10 lần. Rồi sau này, em bé còn cần hỗ trợ chi phí giám định ADN để tìm cha… Các chi phí này chưa có mức chi và hướng dẫn chi cụ thể".

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 11
Nhiều chi phí hỗ trợ nạn nhân chưa có định mức chi cụ thể
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM

Để giải quyết các khoảng trống giúp mô hình hoàn thiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: "Hiện Cục Trẻ em đang làm 2 công việc quan trọng. Một là hoàn thiện tài liệu hướng dẫn mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tích hợp. Hai là căn cứ làm dự toán hằng năm cho mô hình này cũng như định mức toàn bộ dịch vụ bảo vệ trẻ em. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em".

Ông Đặng Hoa Nam hướng dẫn thêm: "Thẩm quyền của thành phố cũng làm được, Sở LĐ-TB&XH TPHCM có thể cùng các ban ngành họp bàn, tham mưu UBND thành phố, đề xuất HĐND thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và mức chính sách trợ giúp xã hội đối với những trường hợp trẻ em cần hỗ trợ, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại".

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 12
Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có định mức kinh tế kỹ thuật cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH

"Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM" là sáng kiến của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, chính thức ra mắt vào ngày 24/3/2023 với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, tổ chức PE&D tại Việt Nam, công ty TNHH Tư vấn Snowball và các đơn vị liên quan.

Sau nửa năm hoạt động, hiệu quả mô hình được đánh giá rất cao, UBND TPHCM đã trao Giải nhì trong lĩnh vực quản lý Nhà nước "Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3 - Năm 2023" cho mô hình này.

Chuyện đau lòng khi trẻ em sinh trẻ em - 13

Logo nhận diện mới của mô hình là Bồ công anh với số điện thoại đường dây nóng: 1900545559 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên - Trịnh Nguyễn