DNews

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần!

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Người hưởng hưu trí có nhiều chế độ như lương hưu, bảo hiểm y tế, tử tuất, mai táng… Còn người nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần chỉ được hưởng số tiền cố định ít hơn số tiền đã đóng.

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần!

Chẳng đặng đừng mới phải rút BHXH một lần

Anh Lê Văn Trình là công nhân tại công ty Tinh Dụng (Bình Dương). Anh đi làm công nhân từ năm 2012 và chuyển qua nhiều công ty, đến nay đã rút BHXH một lần 2 đợt. Theo Trình, những lần anh rút BHXH một lần đều là chẳng đặng đừng mới phải rút.

Lần thứ nhất, anh làm được 2 năm thì công ty cháy, bị mất việc đột ngột, cuộc sống khó khăn quá nên anh phải rút BHXH một lần.

Lần thứ 2, anh làm được 7 năm, dành dụm một số tiền về quê cất nhà báo hiếu cha mẹ. Đang làm nhà thì hết tiền, nợ tiền vật tư, Trình phải xin rút BHXH một lần để trả vì sợ tiền lãi sẽ làm tăng số nợ.

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 1

Đợt Covid-19 bùng phát, rất nhiều lao động gặp khó khăn phải rút BHXH một lần (Ảnh: Hải Long).

Chị S. là công nhân một công ty may mặc ở quận Bình Tân. Trong 22 năm đi làm, chị S. cũng đã nhận BHXH một lần 2 đợt như anh Trình.

Lần thứ nhất, chị S. nhận do trục trặc hồ sơ lao động. Ban đầu chị S. mượn giấy tờ để đi làm nên phải chốt sổ BHXH hưởng một lần, sau đó ký lại hợp đồng mới, tham gia BHXH trở lại.

Lần thứ 2, chị S. rút BHXH một lần khi mất việc vào năm 2017. Lúc đó, chị S. đã gần 50 tuổi, đi tìm việc có đóng BHXH mấy tháng trời không được nên chị quyết định rút một lần.

"Lúc đó, tôi cũng tiếc lắm. Tôi đã đóng BHXH gần 12 năm, chỉ còn hơn 3 năm là được hưởng lương hưu rồi nhưng khó kiếm việc quá, đành rút một lần", chị S. chia sẻ.

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 2

Các hội nghị góp ý cho luật BHXH luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, BHXH có thêm hơn 4,2 triệu lao động tham gia nhưng cũng có hơn 4 triệu người rút khỏi hệ thống. Con số này cho thấy tỷ lệ rút BHXH một lần quá cao so với số phát triển mới.

Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng: "Bản chất của việc tham gia BHXH là để dành, tích lũy để khi về già hưởng lương hưu, có nguồn thu nhập. Do đó, việc lựa chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn về kinh tế trước mắt không phải là giải pháp đúng".

Theo ông, khi về già mà không có lương hưu, người lao động dễ trở thành gánh nặng cho con cháu, gia đình, xã hội; thậm chí là người lao động đó phải tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu để tìm kiếm thu nhập.

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 3

Một thực tế là lao động phổ thông lớn tuổi rất khó tìm được công việc chính thức (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

"Nếu có điều kiện thì em đóng BHXH hoài luôn"

Theo BHXH Việt Nam, việc nhận BHXH một lần là "lợi trước mắt, hại lâu dài", không đảm bảo an ninh thu nhập cho người lao động khi về già. Ngay khi hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cụ thể, nếu tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Được nhận lương hưu hằng tháng, định kỳ được điều chỉnh tăng lên; được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi chết với quyền lợi hưởng 95% (mức hưởng BHYT hộ gia đình là 80%); khi qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất (bao gồm: mai táng phí, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần).

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 4

Đóng BHXH chờ đến khi lĩnh lương hưu sẽ đảm bảo an ninh thu nhập cho người lao động khi về già (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Trong khi đó, nếu người lao động nhận BHXH một lần thì chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất. Số tiền nhận BHXH một lần còn ít hơn nhiều so với số tiền mà người lao động và doanh nghiệp đã đóng vào quỹ Hưu trí, tử tuất.

Theo quy định hiện hành, mỗi tháng, người lao động đóng BHXH bằng 8% mức lương cơ bản, người sử dụng lao động đóng 14%, tổng cộng là 22%. Như vậy, mỗi năm người lao động đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương cơ bản.

Khi rút BHXH một lần, người lao động chỉ được nhận số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. Chỉ tính về số tiền đóng, hưởng đã thấy thiệt thòi (mỗi năm mất từ 0,64 đến 1,14 tháng lương).

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 5

Khi chọn rút BHXH một lần, người lao động đã chọn phần thiệt thòi về mình (Ảnh minh họa: Cao Bách).

Năm 2022, BHXH Việt Nam đã có bảng giả định so sánh thể hiện rất rõ lợi ích của chế độ hưu trí so với rút BHXH một lần.

Trong bảng so sánh này, BHXH Việt Nam giả định một tình huống cụ thể là người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ 2001-2020) với mức lương bình quân đóng BHXH là 6 triệu đồng.

Khi người lao động rút BHXH một lần vào năm 2022 thì số tiền họ sẽ được lĩnh là 201 triệu đồng (nam và nữ có mức hưởng như nhau).

Trong khi đó, nếu năm 2022, lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, tức là đủ 60 tuổi 6 tháng. Với tuổi thọ trung bình của nam là 71 tuổi thì người này sẽ được hưởng lương hưu 11 năm.

Khi đó, tổng số tiền mà lao động nam hưởng lương hưu sẽ được lãnh từ BHXH là hơn 395 triệu đồng, nếu rút BHXH một lần sẽ bị thiệt hơn 194 triệu đồng.

Với lao động nữ, nếu năm 2022, người này đủ tuổi nghỉ hưu, tức là đủ 55 tuổi 8 tháng. Với tuổi thọ trung bình của nữ là 76,3 tuổi thì người này sẽ được hưởng lương hưu 20 năm.

Khi đó, tổng số tiền mà lao động nữ hưởng lương hưu sẽ được lãnh từ BHXH là hơn 852 triệu đồng, nếu rút BHXH một lần sẽ bị thiệt hơn 651 triệu đồng.

Chờ hưởng lương hưu có lợi hơn rút BHXH một lần! - 6

Khi về già mà không có lương hưu, người lao động dễ trở thành gánh nặng cho con cháu, gia đình, xã hội (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo anh Lê Văn Trình, cán bộ công đoàn công ty thường xuyên tuyên truyền lợi ích của việc đóng BHXH chờ hưởng lương hưu nhưng khó khăn quá anh mới phải rút BHXH một lần. Nếu có việc làm, không gặp khó khăn trong cuộc sống, gặp khó khăn thì được hỗ trợ vay không lãi thì anh sẽ không rút BHXH một lần mà đóng cho đến lúc nghỉ hưu.

"Nếu có điều kiện thì em đóng hoài luôn, đến chừng nào em xuống lỗ luôn. Em chết không lấy được thì con em lấy chứ có mất đi đâu!", anh Trình cho biết.