Quảng Nam:
Suy nghĩ cả tháng, thức trắng nhiều đêm mới quyết định rút BHXH một lần
(Dân trí) - Để đi đến quyết định rút bảo hiểm xã hội, nhiều lao động chia sẻ rất đắn đo, suy nghĩ cả tháng, thức trắng nhiều đêm.
Chị Nguyễn Thị Phượng (38 tuổi, trú ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã có 18 năm làm nhân viên tại một nhà khách tại đây. Vì lương thấp, cuối năm 2022, chị xin nghỉ việc và ở nhà buôn bán nhỏ, bán hàng trực tuyến.
Sau 18 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chị Phượng tạm ngưng một thời gian để tham khảo ý kiến gia đình, cán bộ ngành bảo hiểm để quyết định đóng thêm 2 năm, sau này có lương hưu hay rút một lần.
Tháng 7 vừa qua, chị Phượng quyết định đến BHXH tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ để rút bảo hiểm. Tại BHXH tỉnh Quảng Nam, chị Phượng được cán bộ tư vấn giải thích cặn kẽ thiệt hơn khi muốn hưởng một lần.
"Sau khi được tư vấn, tôi về nhà cũng suy nghĩ nhiều lắm. Bàn với chồng con nhiều ngày, nhiều đêm thức trắng để đưa ra quyết định. Hôm nay, tôi quyết định đi nhận BHXH một lần", chị Phượng chia sẻ trong lúc chờ đến lượt làm thủ tục.
Trong khoảng thời gian chờ đó, cán bộ BHXH Quảng Nam tiếp tục tư vấn, thuyết phục chị Phượng cân nhắc khi nhận BHXH một lần. Cuối cùng chị vẫn chốt làm thủ tục để nhận một lần số tiền BHXH đã tham gia được đến 18 năm.
"Cực chẳng đã tôi mới rút bảo hiểm như vậy. Biết là sau này già yếu, không còn sức khỏe thì cần có đồng lương hưu nhưng hiện tôi không còn cách nào xoay xở", chị Phương phân trần.
Chưa biết số tiền chị sẽ nhận là bao nhiêu nhưng cán bộ BHXH Quảng Nam nhận định, trường hợp rút bảo hiểm như chị Phượng thực sự đáng tiếc. Vì chị đã đóng BHXH được tới 18 năm, chỉ tự nguyện đóng thêm vài năm nữa cho đủ điều kiện 20 năm, hết tuổi lao động chị sẽ nhận lương hưu.
Được biết, trong tháng 8 này, rất nhiều trường hợp đến BHXH tỉnh Quảng Nam để làm thủ tục nhận BHXH một lần.
Có lao động vừa nghỉ việc đã muốn nhận BHXH một lần để có tiền giải quyết khó khăn trước mắt. Có lao động đã nghỉ việc ở công ty một thời gian nhưng tìm việc mới chưa được cũng đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Mỗi lao động đến nhận BHXH một lần là một hoàn cảnh bất đắc dĩ.
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng Phòng chế độ, BHXH Quảng Nam - cho hay, người dân hiện rất chú ý thông tin việc sửa Luật BHXH, trong đó có nêu 2 phương án quy định về việc rút bảo hiểm một lần (Điều 77).
2 phương án được đưa ra, một phương án là không cho rút BHXH một lần nữa (với những người bắt đầu tham gia từ thời điểm luật này có hiệu lực) và cho rút nhưng chỉ được 50%, nửa còn lại được bảo lưu chờ khi người lao động có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ, chuẩn xác, người lao động lo sợ, khi áp dụng luật mới, chỉ được nhận 50% thì sẽ bị thiệt thòi, mất 50% còn lại. Đó là một trong những lý do khiến số người quyết định rút bảo hiểm có xu hướng tăng lên.
Nói lại về việc này, ông Quang khẳng định, BHXH là chính sách an sinh xã hội cơ bản, là nguồn tiền người lao động đóng vào, là tích lũy cho bản thân mỗi người. Nhiều người cho rằng không nhận được nửa số tiền còn lại sẽ bị mất là không đúng. Tiền đã đóng là của người lao động. Phần giữ lại là của để dành, để sau này người lao động sẽ được nhận.
Ông Quang cảnh báo, số người lao động rút BHXH một lần tăng lên nghĩa là nguy cơ số người lọt lưới an sinh xã hội khi về già càng lớn.
"Có người chúng tôi đã tư vấn hết sức mà vẫn quyết nhận BHXH một lần. Số tiền bảo hiểm nhận được có thể lo giải quyết nhu cầu trước mắt nhưng đến khi về già sẽ thực sự khó khăn", ông Quang nói.
Theo BHXH Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc số người lao động nhận BHXH một lần có xu hướng tăng.
Trước hết, đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh sau đại dịch Covid-19 tuy có phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, việc trích nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc cho người lao động chưa kịp thời, để nợ đọng đã ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Từ đó, khi nghỉ việc, người lao động muốn rút BHXH một lần để xoay xở.
Với nhóm người lao động đóng BHXH tự nguyện, việc đóng bảo hiểm phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia. Thực tế đời sống của nhiều người dân trên địa bàn hiện còn khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.