Cảnh sát cứu hộ ám ảnh ánh mắt người mẹ chứng kiến con nhảy cầu
(Dân trí) - Người phụ nữ hai tay bấu chặt vào thành cầu, đôi mắt đờ đẫn, đau đớn nhìn xuống dòng sông - nơi vừa "nuốt" đứa con trai dại dột của chị...
Mở cuốn sổ công tác, Đại úy Lê Quốc Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên sông, Phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An - thống kê, chỉ tính từ đầu năm tới nay, đơn vị đã thực hiện gần 20 vụ cứu hộ, cứu nạn trên sông.
Phần lớn vụ việc xảy ra ở khu vực cầu Bến Thủy và cầu Bến Thủy 2, bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Hai chiếc cầu này trở thành "điểm hẹn tử thần" khi nhiều người chọn đây là địa điểm kết thúc sinh mạng. Một điều đáng buồn, theo đại úy Phúc, thống kê các vụ việc cho thấy người trẻ chọn cách quyên sinh tiêu cực này ngày càng chiếm tỉ lệ cao.
Trong số gần 20 vụ nhảy cầu tự vẫn, Đội tiếp nhận và cứu hộ từ đầu năm tới giờ chỉ 2 trường hợp được cứu sống. Thông thường, khi nhảy cầu, áp lực nước khi rơi từ độ cao xuống, các chướng ngại vật dưới mặt nước hoặc do yếu tố dòng chảy, vực xoáy..., các nạn nhân "lành ít, dữ nhiều".
2 trường hợp được cứu sống có thể do yếu tố cơ địa và may mắn nên không bị thương, cơ thể nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, việc cơ thể tự nổi sẽ không duy trì được lâu, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nạn nhân bị mất sức và chìm dần.
Người phụ nữ gần 50 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh có lẽ là trường hợp hiếm hoi trôi nổi trên sông Lam gần 1 tiếng đồng hồ sau khi nhảy xuống từ cầu Bến Thủy. Theo Đại úy Phúc, khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thì chị này đã kiệt sức.
Vị đội trưởng kể: "Khi chúng tôi tiếp cận để đưa lên cano, chị ấy thều thào "đừng cứu chị, để chị chết". Sau khi lên bờ an toàn, chị ấy không cung cấp thông tin cá nhân, cũng không chia sẻ gì về bản thân. Phải làm công tác tâm lý mãi chị mới đồng ý cung cấp số điện thoại người thân.
Chúng tôi vừa động viên, vừa giải thích để chị hiểu sinh mạng của mình là điều quý giá nhất, những việc khác, dù khó khăn đến đâu cũng có cách giải quyết. Khi liên hệ với em trai chị ấy, chúng tôi cũng cung cấp thông tin để gia đình phối hợp, tránh việc nạn nhân tiếp tục bị tác động tâm lý, dẫn tới hành động dại dột như vừa rồi".
Mỗi vụ việc xảy ra, công tác cứu hộ phải được thực hiện nhanh nhất có thể, để giảm bớt nỗi đau cho gia đình. Khi nhiệm vụ của lực lượng cứu nạn, cứu hộ hoàn thành, đồng nghĩa một con người đã lìa xa cuộc sống, dù bằng cách tiêu cực. Và hơn ai hết, người thân, mẹ cha, chính là người đau đớn nhất, phải sống với những dằn vặt suốt đời. Bởi vậy, cùng với nỗ lực tìm kiếm người bị nạn, cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu nạn, cứu hộ còn phải tư vấn tâm lý cho người thân, hỗ trợ việc chuẩn bị khâm lượm...
Đại úy Đậu Khắc Hà - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông - ám ảnh mãi ánh mắt của một người mẹ có con trai nhảy cầu tự tử.
"Khi chúng tôi tiếp nhận tin báo về vụ việc và triển khai công tác thu thập thông tin để phục vụ cho cứu hộ, cứu nạn thì người mẹ ấy đang bấu chặt vào thành cầu, đôi mắt đờ đẫn, đau đớn, nhìn trân trân xuống dòng nước - nơi chỉ ít phút trước thôi, đã "nuốt" đứa con trai dại dột của bà", Đại úy Hà kể về vụ nhảy cầu xảy ra ở cầu Bến Thủy 2 hồi tháng 7 vừa qua.
Cùng với sự cố gắng tìm kiếm nhanh nhất có thể của đồng đội dưới sông, trên bờ, Đại úy Hà không ngừng động viên người mẹ. "Thi thể người con được tìm thấy nhưng nỗi đau người mẹ phải mang theo mình suốt phần đời còn lại", anh Hà buồn rầu.
Tìm kiếm người bị nạn do nhảy cầu chỉ là một trong những nhiệm vụ của Đội PCCC&CNCH trên sông. Với nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ những sự vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra trên sông nước, phạm vi hoạt động của đơn vị trải rộng, khi cần thiết, tham gia chi viện, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn toàn tỉnh.
"Khi xảy ra các vụ tai nạn trên sông nước, do đặc thù của địa hình, mực nước, dòng chảy… thời gian tính bằng giây, bằng phút nên tỷ lệ thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân cao hơn. Quan trọng ở chỗ nhận được tin báo sớm hay muộn, dù triển khai nhanh hết mức nhưng sự việc diễn ra đã lâu thì xác suất cứu được người bị nạn là rất thấp", Đại úy Lê Quốc Phúc cho hay.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phải trải qua những tình huống khó lường, nhiều rủi ro như mưa, bão, trong điều kiện đêm tối, nước chảy xiết, đá ngầm, mảnh kính, chai vỡ, vật cản... Bởi vậy, cường độ luyện tập của cán bộ, chiến sỹ trong đội rất cao, để đảm bảo các thao tác thuần thục, chuẩn xác và quan trọng nhất là trang bị những kỹ năng cần thiết đảm bảo an toàn tuyệt đối trong từng điều kiện cụ thể ở trên sông, trên biển.
Đại úy Đậu Khắc Hà vẫn nhớ như in vụ cứu hộ một trường hợp đuối nước xảy ra ở cống Rào Đừng, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Thông tin chuyển đến trung tâm chỉ huy cho hay, trong quá trình tắm ở đây, một nam sinh 17 tuổi bị cuốn vào cống. "Chúng tôi nhanh chóng triển khai phương tiện, thiết bị và lực lượng đến hiện trường. Khu vực xảy ra vụ việc là gần cửa xả đáy của cống ngăn mặn. Với tình huống này, khả năng sống sót của nạn nhân là gần như không còn", Đại úy Hà kể.
Trong khi một tổ cứu hộ tìm kiếm khu vực hạ nguồn của cống xả thì một cán bộ được phân công lặn xuống, đi sâu vào lòng cống. Lòng cống đen kịt một màu, thành lởm chởm, áp suất lớn, nên chỉ đi đến nửa cống nước, cán bộ phải đưa ra tín hiệu cho đồng đội trên bờ kéo lên. Sau khi phân tích kỹ địa hình, các phương án đảm bảo an toàn nhất cho lực lượng cứu hộ được đưa ra. Lần này, hai cán bộ sẽ xuống cống cùng lúc để hỗ trợ lẫn nhau. Tiết trời mùa đông, càng đi xuống sâu nhiệt độ càng giảm, hai người dò dẫm trong ống cống lởm chởm gạch vỡ, mảnh sành...
"Thực ra với thiết kế của cống xả đáy, việc nạn nhân mắc kẹt phía trong là khó xảy ra. Nhưng trước nỗi đau của gia đình nạn nhân, chúng tôi không được phép bỏ qua bất kỳ khả năng nào để tìm kiếm. Tìm được sớm từng nào sẽ ít nhiều giúp gia đình nạn nhân vơi bớt được đau đớn, day dứt", Đại úy Hà cho hay.
Nếu chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên đường bộ, người dân dễ nhìn thấy được hình ảnh lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy, leo lên xe thang hay leo tường rào, phá dỡ cấu kiện cứu người bị nạn. Trên đường thủy, họ chỉ nhìn thấy những chiếc xuồng cao su, ca-nô như chiếc lá mong manh, khi rẽ sóng lướt nhanh, khi trôi chầm chậm theo dòng nước. Ở môi trường ấy, dòng chảy hay bãi đá ngầm, cồn cát, các chướng ngại vật ẩn mình dưới nước... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của mỗi chiến sỹ.
Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp được tôi luyện qua quá trình huấn luyện khắt khe và thực tiễn công tác, những khó khăn, trở ngại, hiểm nguy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên sông nước được cán bộ, chiến sỹ cứu hộ cứu nạn hóa giải. Và đặc biệt, họ phải khắc chế những ám ảnh về tâm lý để thực hiện nhiệm vụ đặc thù của mình.
19 tuổi, chiến sỹ nghĩa vụ Hoàng Ngọc Hiếu là thành viên trẻ nhất Đội. Chàng trai quê Đô Lương (Nghệ An) mới về đội được 5 tháng nhưng đã trực tiếp tham gia 13 vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông. "Lần cứu hộ đầu tiên, em bị ám ảnh không ăn được cơm, ngủ toàn gặp ác mộng. Phải gần 1 tuần sau, những ám ảnh ấy mới hết", Hiếu kể.
Ám ảnh của Hiếu là điều mà hầu như các thành viên trong đội đều từng trải qua bởi nhiều trường hợp nạn nhân phải 3, 4 ngày, thậm chí là lâu hơn mới được tìm thấy, trong tình trạng đang phân hủy mạnh. Những ám ảnh ấy đã dần hình thành nên thói quen ăn uống, sinh hoạt của anh em trong đội. Có những lần cứu hộ, cứu nạn trở về, họ mất nhiều thời gian tắm rửa, giặt giũ để "gột" hết mùi tử thi. Thậm chí, có người, sau mỗi lần trục vớt thi thể người đuối nước phải ở lại đơn vị, ngày hôm sau mới trở về nhà.
"Có những đợt cứu hộ dài 3-4 ngày, thậm chí lâu hơn. Có lần anh em "thông" cả mấy ngày Tết tìm kiếm người bị nạn trên sông hay những ngày hè giang nắng bỏng rát da, những ngày đông môi thâm tím vì giá rét. Với chúng tôi, đó không chỉ là nhiệm vụ của người lính cứu hộ mà thông qua việc tìm kiếm thi thể, chúng tôi chia sẻ với gia đình người bị nạn, giúp họ vơi bớt nỗi đau", Đại úy Lê Quốc Phúc tâm sự.
Mùa mưa bão đã cận kề, cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC&CNCH trên sông lại tất bật chuẩn bị cho "mùa cao điểm" cứu hộ cứu nạn. Với họ, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ đặc thù của người lính, mà trên hết là việc nghĩa, việc tình với người đã khuất và người ở lại.
Hiểm nguy và những nỗi buồn vẫn theo họ, nhưng tình yêu với màu áo đã chọn, trọng trách với sứ mệnh đang mang, họ vẫn sẵn sàng lao mình vào bão lũ. Họ tình nguyện lặn ngụp dưới dòng nước đục ngầu, chảy xiết để tìm kiếm sự sống, hoặc ít nhất là sự an ủi với thân nhân người bị nạn.
Nội dung: Chu Minh - Vĩnh Khang
Thiết kế: Đức Bình