Gia Lai:

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, các thầy giáo mang quân hàm xanh thay nhau đứng lớp, gieo chữ cho bà con khu vực suối Khôn ở xã vùng biên giới tỉnh Gia Lai.

Tại khu vực suối Khôn (xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai), cụm dân cư có khoảng 100 hộ với 561 khẩu. Bà con tuy sinh sống trên địa giới hành chính xã Ia Mơr nhưng lại là người dân do xã Ia Piơr quản lý. 

Cuộc sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, chỉ nhờ cây lúa rẫy, cây mì để qua bữa. Cũng vì cái bụng chưa no nên nhiều người không có thời gian để đi học chữ.

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên - 1

Lớp học ở vùng biên Chư Prông của những thầy giáo mang quân hàm xanh sáng đèn 3 buổi mỗi tuần (Ảnh: Chí Anh).

Trung tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp, cho biết khu vực suối Khôn có hơn 70 bà con là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai chưa biết chữ. Nhiều người hàng ngày bám nương, rẫy mưu sinh vẫn luôn mong mỏi biết đọc, biết viết.

Đồn đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để xin mở lớp xóa mù chữ.

Từ cuối tháng 4, lớp học đầu tiên được mở với 15 học viên. Mỗi tuần, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng chia nhau đứng lớp 3 buổi, giảng dạy 2 môn chính: toán và tiếng Việt.

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên - 2

Lớp học ban đầu có 15 học viên, từ 15 đến 50 tuổi (Ảnh: Chí Anh).

Thường ngày, chị Siu Nginh (45 tuổi, xã Ia Mơr) đi làm đến gần nửa đêm mới về nhà. Từ khi tham gia lớp học xóa mù chữ, chị đã tranh thủ về từ rất sớm để kịp đến lớp học.

Chị Nginh bộc bạch: "Nhà có 4 anh em, tôi thường theo bố mẹ lên rẫy từ nhỏ nên không đi học. Khi lấy chồng, tôi mới thấy thiệt thòi vì không biết chữ. Nhiều lúc muốn dùng điện thoại, đọc giấy tờ, phải đi nhờ cậy khắp nơi.

Khi thấy mọi người rủ đi học chữ, tôi cũng mạnh dạn đăng ký. Đi học, tôi đã thuộc gần hết cuối sách Tiếng Việt và biết viết một số chữ đơn giản".

Có mặt ở lớp học rất sớm, hai bố con ông Kpah Choan và con trai Kpah Vớt cùng tranh thủ lấy sách Tiếng Việt ngồi ngoài phòng học để luyện các chữ cái đã học ngày hôm qua. 

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên - 3

Dù đời sống còn nhiều khó khăn và bộn bề công việc nương, rẫy, nhưng bà con vẫn tranh thủ đến lớp với mong muốn biết chữ (Ảnh: Chí Anh).

Ông Choan tâm sự ông có 8 người con, Vớt là con út. Ngày trước, Vớt không chịu đi học. Nay thấy bộ đội biên phòng mở lớp, hai cha con ông cùng xin học để biết chữ và biết tính toán làm ăn.

"Nhờ lớp học này mà em đã biết đọc, biết viết, biết làm toán nữa. Em sẽ cố gắng học rồi đi xin học nghề để nuôi sống gia đình, vợ con", em Kpah Vớt tâm sự.

Trung tá Vũ Văn Hoằng và Đại úy Nguyễn Văn Luân thay phiên nhau đứng lớp trong nhiều tháng nay. Để vào được lớp học này, các anh phải băng qua cánh rừng khộp dài hàng chục kilomet giữa đêm tối.

Lớp học đặc biệt của những thầy giáo mang quân hàm xanh ở vùng biên - 4

Các thầy giáo không ngại vất vả, thay phiên nhau đứng lớp, vận động bà con đi học (Ảnh: Chí Anh).

Đại úy Nguyễn Văn Luân kể: "Cuộc sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Để bà con đến lớp, chúng tôi phải đến từng nhà động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con đi học. Ban đầu cũng khó khăn nhưng thấy người lớn tuổi đi học thì thanh niên, đàn bà trong làng cũng đi học theo".

Trung tá Vũ Văn Hoằng góp chuyện trước khi vào lớp, các anh thường gọi điện nhắc bà con. Những người vắng học nhiều ngày, những thầy giáo mang quân hàm xanh tìm đến nhà để vận động đi học trở lại. Có hôm trời mưa, các anh chia nhau chạy xe máy đến nhà để đón bà con đến lớp.

Học viên của lớp ở độ tuổi khác nhau. Vì thế, cách dạy cũng khác nhau, nhưng chủ yếu là vừa dạy vừa nói chuyện, động viên.

"Phải nắm bắt tâm lý, thực sự chân thành thì bà con mới chịu học", Trung tá Hoằng cho hay.