Cần nhiều hơn nhà trẻ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp
(Dân trí) - Con công nhân không có chỗ gửi trẻ, học phí các trường mầm non tư thục khá cao, cơ hội vào trường công thấp… chính là rào cản với người lao động có ý định gắn bó với thành phố lớn.
Thiếu nơi giữ trẻ, nhiều công nhân "bỏ phố về quê"
Trong 5 năm qua (2017 -2022), Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM đã vận động chi phí gửi con công nhân đi nhà trẻ, mẫu giáo để người lao động yên tâm làm việc. Đã có 7 doanh nghiệp xây dựng 3 nhà trẻ, tổ chức 4 phòng giữ trẻ cho trên 1.000 con công nhân lao động.
Điều này giúp công nhân có nơi gửi trẻ an toàn, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho con công nhân lao động. Vận động 79 doanh nghiệp lắp đặt 104 phòng vắt sữa, tạo điều kiện cho nữ công nhân lao động tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian đi làm.
Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, toàn quận có khoảng 800 nghìn dân với 350 nghìn lao động; tỷ lệ nhập cư chiếm hơn 70%. Quận có 22.450 doanh nghiệp trong đó có một công ty may với 60 nghìn công nhân lao động (lao động nữ chiếm hơn 80%).
Vấn đề đặt ra ở đây là, nhu cầu về việc có nơi giữ trẻ an toàn với chi phí thấp, hợp lý cho con công nhân là rất lớn. Nhiều trường hợp gia đình công nhân không thể gửi con ở thành phố nên phải về quê.
Điều này làm giảm nguồn lao động của các quận, huyện, thành phố. Do đó, bà Tuyên đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên quan tâm, giải quyết vấn đề này.
Tại TP Thủ Đức, dân số trên một triệu người, dân nhập cư chiếm khoảng 50%. Nơi đây có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng nghìn công nhân lao động. Vấn đề đặt ra là công nhân ở trọ và con công nhân sẽ được chăm sóc, tiếp cận giáo dục như thế nào?
Bà Đỗ Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 kéo dài, LĐLĐ TP Thủ Đức đã phối hợp vận động giảm giá nhà trọ, giảm giá giữ trẻ cho con công nhân và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Bà Hiền gợi ý, thời gian tới cần có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn đối với con công nhân lao động. Bên cạnh vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, cần hỗ trợ học bổng, các sự kiện, chương trình, sân chơi giải trí cho nhóm đối tượng này.
Phòng, chống bạo lực trẻ em
Thực hiện đề án 404 "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2020", Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã phối hợp với Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố xây dựng kênh thông tin tiếp nhận tin báo về vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Hướng dẫn cơ sở thành lập "Nhóm phụ huynh nòng cốt" nhằm tăng cường giám sát, thông tin hạn chế bạo lực trẻ em tại các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, đã có 28 câu lạc bộ nhóm trẻ gia đình với 764 thành viên. 17/24 quận, huyện, thành phố thành lập 141 nhóm "Phụ huynh nòng cốt" với 1821 thành viên là giáo viên, bảo mẫu, cha, mẹ, ông bà... có con, cháu đang đi học lại trường, nhóm trên địa bàn TPHCM.
Tham mưu với Ban chỉ đạo Đề án TPHCM chi hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi. Bố trí vốn đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập. Tại khu chế xuất, khu công nghiệp và 11 phường trên địa bàn TPHCM chưa có trường mầm non.
Đặc biệt, trong năm 2021, chương trình "Vòng tay yêu thương" đã đỡ đầu hơn 2.230 trẻ em mồ côi, khó khăn vì Covid -19.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và LĐLĐ TPHCM, trong giai đoạn 2022 -2027, sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các đề án, chương trình, dự án, chiến lược quốc gia có liên quan đến phụ nữ và trẻ em do Trung ương Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố triển khai.
Các cơ quan tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi bổ sung, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới; chú trọng các chính sách việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, đời sống văn hóa cho công nhân lao động và con của họ.
Dương Thùy