Tăng lương tối thiểu ý nghĩa nhất với 30% công nhân luôn ở cảnh khó khăn

Nguyễn Sơn

(Dân trí) - Khảo sát đời sống lao động cho thấy khoảng 5 năm qua luôn cho tỷ lệ trên 30% bị túng thiếu, không có tích lũy, thường xuyên vay mượn nếu đến kỳ đóng học cho con hoặc người nhà đi viện...

TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết, kết quả khảo sát trực tiếp hồi tháng 3 với 2.000 công nhân cho thấy, 12% lao động thường xuyên vay tiền chi tiêu; 35,5% vay tiền 3-4 lần mỗi tháng.

Trên 30% người lao động thường bị túng thiếu với những biểu hiện như không có tiền tích lũy, phải vay mượn nếu đến kỳ đóng học cho con hoặc người nhà đi viện.

Tăng lương tối thiểu ý nghĩa nhất với 30% công nhân luôn ở cảnh khó khăn - 1

TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Tôi chưa gặp công nhân nào vay tiền đầu tư bất động sản. Họ vay chỉ để giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt. Cá biệt có những người thậm chí cắm sổ BHXH hoặc chứng minh thư, vay mượn 0,5-1 triệu đồng để mua gạo, trả tiền thuê nhà", ông Tiến nói.

Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới đây có ý nghĩa lớn với đời sống người lao động. Tuy nhiên, vì xăng dầu tăng liên tục khiến giá cả các mặt hàng leo thang theo cũng là một thách thức đau đầu với người lao động.

TS Vũ Minh Tiến khuyến nghị, người lao động làm theo giờ như giúp việc gia đình, bán hàng cho công ty, pha chế cà phê… cần tham khảo người làm việc trước và mạnh dạn đòi hỏi mức lương cao hơn. Người lao động có thể chủ động đề xuất bổ sung tiền ăn ca, tiền làm thêm giờ, đóng bảo hiểm xã hội; dựa vào trung tâm dịch vụ việc làm, hội nhóm để đàm phán lương…

"Mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/tháng của công nhân trong doanh nghiệp là tính gộp cả thu nhập của nhóm quản đốc, quản lý. Còn thực tế thu nhập chưa tính tăng ca của lao động trẻ mới đi làm có thể thấp hơn nhiều" - ông Tiến nhận định. 

Theo ông Tiến, tính theo thu nhập, người lao động chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm người lao động có trình độ, năng lực, tu chí, chịu khó thì thu nhập tốt và ổn định cuộc sống. Nhóm thứ hai chiếm 30 - 40% tổng số lao động có thu nhập trung bình. Nhóm còn lại là 30% công nhân lao động luôn trong tình trạng khó khăn.

Nêu ý nghĩa, vai trò của lương tối thiểu theo quy định chỉ là mức thấp nhất, làm căn cứ để thương lượng, thỏa thuận về mức thu nhập khi giao kết hợp đồng lao động, TS Vũ Minh Tiến cũng đề cập thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn mức này một ít, thậm chí lấy mức này để đóng BHXH cho người lao động chứ không đóng trên thu nhập thực.

Tại doanh nghiệp, lương của quản lý, nhân sự cấp cao lại được trả ở mức hoàn toàn khác biệt.

Ông Tiến một lần nữa nhấn mạnh, tiền lương tối thiểu là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế. Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 38 quyết định việc tăng 6% lương tối thiểu rất có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống người lao động khó khăn do sinh hoạt phí tăng cao.

Tăng lương tối thiểu ý nghĩa nhất với 30% công nhân luôn ở cảnh khó khăn - 2

Công nhân phải chắt bóp tằn tiện mới đủ sống (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Tại cuộc tọa đàm mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho hay, lương tối thiểu được đại diện các bên xem xét, thống nhất dựa vào nhiều yếu tố như nhu cầu của người lao động và gia đình, khả năng chi trả của doanh nghiệp...

Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để đảm bảo mức chi trả cho người lao động giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường, có ý nghĩa là sàn an sinh, là lưới bao phủ bảo vệ người lao động. Doanh nghiệp không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo bà, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm hiện đang phần nào bù đắp tỷ lệ trượt giá ảnh hưởng tới đời sống người lao động. Nhưng điều chỉnh lương tối thiểu cộng các khoản đội lên do tăng giá xăng dầu sẽ "ngốn" thêm phần chi phí lớn đối với doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài lương, Chính phủ cần tung thêm các biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động để ổn định sản xuất, tạo việc làm bền vững, đồng thời kìm chế lạm phát, ổn định giá cả cho người lao động yên tâm sản xuất.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cũng bày tỏ mong muốn có luật về lương tối thiểu.

Đề cập điểm mới trong quy định về lương tối thiểu, trong đó có quy định về lương tối thiểu theo giờ, bà Hương đánh giá cao việc này. Bà phân tích, cách tiếp cận lương tối thiểu tháng lâu nay chủ yếu "nhắm" đến những người lao động có hợp đồng lao động, chưa "phủ" được khu vực phi chính thức. 

Để đảm bảo người lao động không bị "lọt" khỏi lưới an sinh, quy định về lương tối thiểu giờ chính là để bảo vệ những nhóm lao động yếu thế.