Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Cải cách chính sách tiền lương là động lực thúc đẩy phát triển
(Dân trí) - Các vấn đề liên quan quy định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải cách chính sách tiền lương được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải đáp trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa ngày 27/9.
Trong ngày, Bộ trưởng và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Cải cách chính sách tiền lương
Thông tin đến cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 8 dự án luật; đồng thời sẽ bàn kỹ về vấn đề BHXH và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm việc cải cách chính sách tiền lương.
Theo Bộ trưởng, năm 2018, Trung ương ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH cũng đã được ban hành, đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế, thời gian qua có hiện tượng nhiều cán bộ, công nhân viên chức bỏ việc vì nhiều nguyên nhân, trong đó lương thấp cũng là một lý do. Việc điều chỉnh lương cơ sở vừa qua (từ 1/7/2023) là để tạm thời bù đắp một phần thu nhập, đảm bảo đời sống cho người hưởng lương. Hiện các địa phương đã chuẩn bị cho việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Nhấn mạnh cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm, Bộ trưởng cho biết, lộ trình sẽ bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Nhà nước đồng thời thiết kế 5 bảng lương mới, gồm bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...
Riêng lực lượng vũ trang có 3 bảng lương gồm mức lương cho sỹ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.
Bộ trưởng cho hay, thời gian tới, sau khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sẽ tiến hành việc cải cách chính sách tiền lương với những điểm mới đã được định hướng tại Nghị quyết 27. Ông bày tỏ tin tưởng, lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ thành công, với tinh thần xác định việc này là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nhiều chương trình hỗ trợ người dân giảm nghèo
Tại hội nghị, các cử tri quan tâm, kiến nghị một số nội dung liên quan quy định tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); xây dựng cơ bản, đất đai, giao thông; cải cách chính sách tiền lương; nâng mức hỗ trợ kinh phí khi di chuyển các phần mộ liệt sỹ nơi khác về địa phương; rà soát, kiểm tra lại chế độ hưởng bảo hiểm y tế cho người có công, đồng bào dân tộc thiểu số…
"Đề nghị Quốc hội xem xét giảm thời gian đóng BHXH tự nguyện xuống còn từ 10 đến 15 năm đối với người tham gia BHXH tự nguyện là nông dân khu vực nông thôn, miền núi, hộ có mức sống trung bình, hộ nghèo, hộ cận nghèo", cử tri kiến nghị.
Đáp lại những nội dung trao đổi, Bộ trưởng ghi nhận, thời gian qua, huyện Thường Xuân có sự "thay da đổi thịt" rất nhanh, có tiến bộ vượt bậc về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, huyện có hướng đi đúng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ thoát nghèo.
Thông tin đến cử tri huyện Thường Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Đảng bộ Bộ LĐ-TB&XH cùng Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp với địa phương để có những bước đi tốt hơn. Đặc biệt là việc quan tâm đến sinh kế và đời sống của người dân.
Bên cạnh các chương trình, mô hình hỗ trợ giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, Đảng ủy Bộ LĐ-TB&XH cùng với báo Dân trí đã hỗ trợ địa phương xây dựng, cải tạo trường học, xây nhà tặng người có công, giúp trẻ em nghèo, trao học bổng, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ huyện Thường Xuân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, việc đầu tư hỗ trợ phải ra tấm ra miếng, đến từng hộ dân, không làm một cách chung chung, kém hiệu quả.
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến chương trình đầu tư nâng cấp nơi thờ tự, nghĩa trang liệt sỹ, Bộ trưởng tán thành và giao Cục Người có công bố trí, bàn bạc với Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa để sớm triển khai.
Đối với kiến nghị hỗ trợ xây nhà tặng người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Trung ương đang giao cho Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục xây dựng đề án này.
"Vừa qua, cả nước đã thực hiện việc hỗ trợ xây dựng hơn 500.000 căn nhà với số tiền trên 11.000 tỷ đồng. Tới đây, phấn đấu đến hết năm 2025 thực hiện cuộc vận động cả nước chung tay vì người nghèo, xóa toàn bộ những căn nhà tạm bợ, dột nát bằng vốn nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức trong toàn xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Dự kiến trong 2 năm tới cả nước sẽ xóa được 900.000 căn nhà tạm bợ, dột nát cho người nghèo và người có công. Chương trình được thực hiện theo hướng, nhà nước hỗ trợ 60-80 triệu đồng với mỗi căn nhà xây mới, 30-40 triệu đồng với nhà sửa chữa, còn lại người dân sẽ đóng góp, các tổ chức xã hội hỗ trợ thêm.