Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Đã có tiền để giải quyết cái khó nhất của cải cách tiền lương"
(Dân trí) - Cải cách tiền lương từ 1/7, theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, phần khó nhất là nguồn lực, đến nay đã có 680.000 tỷ đồng để thực hiện. Vấn đề tác động của cải cách tiền lương không khó giải quyết.
Trao đổi, làm rõ về ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp cặn kẽ nhiều nội dung.
Tác động từ chính sách cải cách tiền lương
Liên quan chuyện cải cách tiền lương tác động không nhỏ tới luật này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với những ý kiến lo ngại về việc những quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chưa được đánh giá tác động đầy đủ.
Dự thảo luật quy định, "mức tham chiếu" là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội. Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cải cách tiền lương là cấp bách, cần thiết. "Vấn đề cải cách tiền lương, chúng ta chuẩn bị hơn 20 năm rồi, nói đi nói lại. Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, đợt này thì có tiền rồi, 680.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội rồi", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng chỉ rõ tính chất phức tạp, tác động lớn của cải cách tiền lương đối với các vấn đề khác là từ thay đổi cốt lõi: trả lương theo vị trí việc làm. Bãi bỏ lương cơ sở cũng là vì thay đổi cách trả lương đó.
Theo Bộ trưởng, liên quan đến việc này, dự thảo luật BHXH sửa đổi bổ sung 3 nội dung.
Một là, "mức tham chiếu" là khái niệm mới được xây dựng thay thế cho lương cơ sở hiện hành.
"Mức tham chiếu thực chất là gì? Là mức được tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, CPI và trên thực tiễn, cũng như thu - chi. Mức tham chiếu thay cho lương cơ sở, chứ còn bản chất không có vấn đề gì", Bộ trưởng giải thích.
Vẫn theo Bộ trưởng, nếu thời gian tới, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng hiện nay chưa được bãi bỏ thì mức tham chiếu tiếp tục là mức này. Sau thời điểm thực hiện Nghị quyết 27, mặt bằng lương chung nâng lên mấy chục phần trăm, thì đó là mức tham chiếu.
"Tăng lương hưu ở mức cao nhất có thể"
Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là bỏ quy định mức lương hưu thấp nhất. Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, quy định về lương hưu tối thiểu chỉ đúng trong giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, tới đây, thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, không có nghĩa là không còn người tham gia bảo hiểm ở mức lương thấp.
"Mức lương hưu thấp nhất được quy định hiện tại là bằng lương cơ sở. Như thế căn cứ đóng thấp nhất phải bằng lương tối thiểu vùng. Theo quy định này thì nhiều người có nhu cầu không thể tham gia bảo hiểm xã hội được bởi không đủ khả năng.
Tại sao không cho người dân được tham gia bảo hiểm xã hội với mức thấp hơn? Việc đóng thấp thì mức hưởng chế độ cũng thấp, nhưng rõ ràng hưởng thấp còn hơn không có. Dù có thể nhận lương hưu thấp nhưng có thêm quyền lợi rất quan trọng là bảo hiểm y tế. Với người cao tuổi, bảo hiểm y tế là chính sách an sinh quý giá", Bộ trưởng nhận định.
Ông cũng thông tin, phương án đề xuất phù hợp thực tiễn. Khảo sát khu vực nông thôn, hầu hết các ý kiến của người dân đều đánh giá dự thảo luật phù hợp.
Cũng về lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quả quyết, vấn đề chênh lệch lương hưu trước và sau 1/7 như nhiều ý kiến lo ngại không khó giải quyết.
Cơ quan soạn thảo đã từng xử lý việc vấn đề này bằng Nghị định 42/2023/NĐ-CP. Nguyên tắc đề ra, người hưởng lương hưu sau 1/7 với chế độ cao thì sau này chỉ điều chỉnh theo CPI (chỉ số tăng giá tiêu dùng). Còn lại, những người nghỉ hưu trước 1/7 sẽ tính cả chỉ số CPI , tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của quỹ lương hưu.
Thường trực Chính phủ mới đây cũng đã họp, thống nhất đề xuất người hưởng lương hưu từ ngày 1/7 được áp dụng mức cao nhất có thể, cùng thời điểm với cải cách tiền lương.
"Theo tinh thần đó, có thể 6 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 đạt thu - chi ở mức cân bằng quỹ chứ không có kết dư, để bảo đảm quyền lợi với người hưu trí", Bộ trưởng khẳng định.
Quy định rút bảo hiểm xã hội hướng tới 2 mục tiêu
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề phức tạp, nhạy cảm này được xử lý trên cơ sở chính trị là Nghị quyết 28 -NQ/TW của Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
"Yêu cầu lớn nhất đề ra là quy định để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh lâu dài của đất nước. Từ việc phủ bảo hiểm xã hội, người lao động về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên yêu cầu khác cần giải quyết là phải quan tâm đến đời sống thực tế của người lao động. Rõ ràng, một bộ phận người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội chính là vì khó khăn", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Mục tiêu đề ra chi phối hướng thiết kế quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, quy định cho phép người lao động rút bảo hiểm xuất phát từ nhu cầu thực tế, có tính thời điểm. Nghị quyết 93 quy định việc này ra đời khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có hiệu lực, để giải quyết tình thế lúc bấy giờ.
Đến nay, với cả hai phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần được đưa ra, Chính phủ đã tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi, nghiên cứu các giải pháp.
"Ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này và thấy rằng không có phương án nào khác, ưu việt hơn hẳn so với hai phương án trình Quốc hội", Bộ trưởng nêu.
Trước gợi ý tích hợp cả 2 phương án, Bộ trưởng thông tin, các chuyên gia đánh giá, nếu cộng hai phương án này vào thì lại toàn cộng nhược điểm hơn là cộng ưu điểm.
Ông cũng nhắc lại, từ kỳ họp Quốc hội lần trước, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo dự luật đã lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động về vấn đề này. Bộ trưởng đã đọc báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất. Các báo cáo cho thấy, đại đa số người được lấy ý kiến vẫn chọn phương án 1 (quy định người tham gia bảo hiểm từ thời điểm luật này có hiệu lực không được rút bảo hiểm một lần), chỉ ít người chọn phương án 2.
Liên quan đến đề xuất cùng với phương án rút bảo hiểm xã hội một lần cần có những giải pháp như hỗ trợ tín dụng, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách hỗ trợ không thể đưa vào luật này mà phải bố trí bằng những văn bản quy phạm pháp luật khác.