Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đôn đốc tháo gỡ chính sách cho địa phương
(Dân trí) - Sau khi ra khỏi danh sách huyện nghèo, Như Xuân còn không ít khó khăn. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tin tưởng với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vươn lên, Như Xuân sẽ thành công.
Chiều 25/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 tại huyện Như Xuân.
Như Xuân là địa phương duy nhất của khu vực miền núi Thanh Hóa thoát khỏi danh sách huyện nghèo theo Chương trình 30A của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2016-2020, Như Xuân có 8 xã và 87 thôn thuộc khu vực I, II, III, gồm: Thanh Lâm, Thanh Phong, Thanh Quân, Thanh Hòa, Thanh Sơn, Cát Tân, Xuân Hòa và Thanh Xuân.
Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các Bộ, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả Chương trình 135, Như Xuân đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, hỗ trợ đồng bào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Đến nay, có 3 xã Cát Tân, Xuân Hòa, Thanh Xuân và 57 thôn được công nhận ra khỏi khu vực I, II, III. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 chiếm 16,94%, hộ cận nghèo chiếm 19,02%. Địa phương này phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3%.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, một số vướng mắc ở cơ sở cũng được cử tri nêu ý kiến, kiến nghị và mong muốn được các ĐBQH giải đáp.
Cụ thể, cử tri Lê Thanh Hải - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Như Xuân nêu thắc mắc về một số chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. Trong đó, đối tượng đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì có được hưởng trợ cấp một lần, tính theo thời gian thực tế làm việc tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…
Ngoài ra, cử tri có ý kiến về những vướng mắc trên địa bàn xã Tân Bình, xã Thanh Hòa liên quan đến dự án triển khai sau 13 năm nhưng người dân chưa được cấp đất, chưa được di dời…, gây nên khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
"Xã Tân Bình hiện còn 3 thôn với 200 hộ nằm gọn trong Vườn quốc gia Bến En, bà con chưa được cấp đất ở. Các hộ muốn vay vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo chưa thực hiện được. Cử tri mong muốn các ĐBQH kiến nghị Chính phủ sớm có hướng hỗ trợ, cấp quyền sử dụng đất để các hộ dân yên tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế để thoát nghèo…", cử tri Đàm Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Tân Bình nêu ý kiến…
Trao đổi lại với các cử tri huyện Như Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong khuôn khổ trách nhiệm của mình, cũng như thực hiện lời hứa của ĐBQH trước cử tri, sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành trách nhiệm của mình, không chỉ là trách nhiệm với xã, với huyện, với Thanh Hóa, đặc biệt với Như Xuân, mà còn làm tròn trách nhiệm ĐBQH của cả nước và trọng trách của Đảng và Nhà nước giao.
Về ý kiến, kiến nghị của các cử tri, Bộ trưởng đề nghị tổng hợp, phân loại để chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết.
"Kiến nghị nào của Trung ương thì gửi về cho Trung ương, thậm chí có thể chuyển cho tôi để tôi chuyển tới các Bộ trưởng. Hôm nay có một số kiến nghị của cử tri liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi sẽ có ý kiến với các Bộ trưởng xem xét xử lý. Còn vấn đề nào của tỉnh thì mong các cán bộ, lãnh đạo ở tỉnh tiếp tục quan tâm, những gì sát sườn của dân thì tỉnh và huyện cố gắng xử lý", Bộ trưởng lưu ý.
Theo Bộ trưởng, nhiệm kỳ trước khi quyết định Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo, Bộ cùng với chính quyền địa phương cũng đã có tính toán đến một số chính sách mà giai đoạn đầu, người dân có thể sẽ gặp một số khó khăn. Để người dân không bị hẫng chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã bàn với địa phương về việc kéo dài một số chính sách.
Bộ trưởng cũng nhận định, thời gian tới, theo tiêu chí hộ nghèo mới người dân sẽ gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực vươn lên, Như Xuân sẽ thành công.
Đi vào vấn đề cụ thể, đối với ý kiến cử tri về trường hợp trợ cấp khi chuyển khỏi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định về nguyên tắc là được hưởng.
"Đã công tác ở vùng này bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì khi chuyển khỏi vùng này, thậm chí mất rồi vẫn được hưởng trợ cấp. Chính chúng tôi bàn và đề xuất chính sách này", Bộ trưởng cho biết.
Trả lời trước các cử tri huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hóa), Bộ trưởng nhấn mạnh tiếp tục tinh gọn bộ máy theo hướng tinh gọn nhưng hiệu lực, hiệu quả.
"Chỗ nào cần tinh gọn thì tinh gọn, chỗ nào có công việc thì phải bố trí người, làm sao bất cứ một công việc gì cũng phải có người làm và theo dõi. Một người, một cơ quan có thể làm nhiều việc, chứ không để nhiều cơ quan làm một việc, dẫn đến chồng chéo", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Là người đứng đầu ngành lao động và cũng là ĐBQH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Các ĐBQH cần thể hiện trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân, trong thời gian tới ĐBQH tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng, quyền hạn của người đại biểu nhân dân, thường xuyên lắng nghe và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới các cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vấn đề đang được nhân dân đặc biệt quan tâm…".