Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với câu hỏi về 4 mẹ con đi xe đạp 1.700km về quê

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Việc đánh giá vai trò lao động ngoại tỉnh nhập cư, trách nhiệm liên đới về việc lao động sau dịch cũng như vấn đề tạo việc làm cho 1,3 triệu lao động hồi hương làm nóng nghị trường Quốc hội.

Lao động nhập cư: Công dân loại 2?

Nêu ý kiến tại phiên chất vấn chiều ngày 10/11, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) quan tâm tới giải pháp căn cơ nào để phục hồi và ổn định thị trường lao động thị trường lao động Việt Nam. Đồng thời, đại biểu đề cập tới thực tế nhiều doanh nghiệp địa phương hiện nay mới nhận thấy vai trò đích thực và tính cấp thiết của lao động nhập cư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần phải làm gì trong chính sách hỗ trợ để họ không bị coi là công dân hạng 2?

Trả lời vấn đề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: " Tại Phiên thảo luận về kinh tế xã hội trước đây, Bộ đã đưa ra đề xuất với Chính phủ về 7 nhóm giải pháp, trong đó tập trung sâu vào những giải pháp về an sinh, giải pháp về hỗ trợ người lao động, phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ việc làm trực tuyến, hỗ trợ đào tạo đào tạo nghề tuyển sinh.

Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo thế rồi đầu tư chăm lo cho các đối tượng yếu thế người dễ bị tổn thương, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động chuyển đổi lĩnh vực dân cư lao động và chăm lo nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cho công nhân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với câu hỏi về 4 mẹ con đi xe đạp 1.700km về quê - 1

Về vấn đề lao động nhập cư, Bộ trưởng khẳng định: "Chúng ta không bao giờ coi người nhập cư, người lao động các tỉnh về thành phố đô thị là công dân hạng 2. Công dân ở đâu cũng là công dân Việt Nam. Hiện nay, công dân và người lao động dịch chuyển từ các tỉnh, địa phương về thành thị gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta nhìn dòng người di chuyển để thấy điều đó".

Theo Bộ trưởng, có 3 vấn đề quan tâm trong việc đánh giá lao động nhập cư: "Phải nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của lực lượng lao động ngoại tỉnh đối với việc phát triển kinh tế. Thứ hai là quan tâm đến môi trường làm việc môi trường sống tối thiểu của người lao động. Cụ thể là nhà ở là những vấn đề liên quan đến nhà trẻ, mẫu giáo liên quan đến cuộc sống bình thường trong dịch bệnh vừa rồi thì thêm một cái nữa là vắc xin. Cuối cùng là vấn đề chế độ làm việc cho người lao động: Tiền lương, thu nhập…

Giải bài toán việc làm cho 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch ra sao?

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) hỏi: "Thời gian qua, nhiều người dân đã về quê tránh dịch, nhiều người mất việc và cuộc sống bấp bênh. Vậy, Chính phủ và Bộ đã có những chính sách gì để hỗ trợ người lao động về quê để họ không bị bỏ lại phía sau?" 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Thời gian qua, lực lượng lao động về quê vừa qua tương đối lớn. Qua nhiều kênh thống kê và rà soát ở 63 tỉnh thành, Bộ LĐ-TB&XH ước tính có khoảng 1,3 triệu lao động về quê, chiếm 60 % tổng số người dân di chuyển từ TPHCM, Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm phía nam về quê".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với câu hỏi về 4 mẹ con đi xe đạp 1.700km về quê - 2

Phân tích về nhu cầu của nhóm lao động hồi hương trên, Bộ trưởng chia sẻ thêm thông tin: "Qua khảo sát và cuộc họp trực tuyến đầu tháng 11 với nhiều tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía nam, 30% người dân về quê đang muốn quay lại TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía nam, 30% muốn chuyển sang lĩnh vực và địa bàn khác, số còn lại muốn tìm việc ở quê nhà".

Cũng qua trao đổi nắm tình hình và khảo sát thực tế với các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy cần triển khai 3 nhóm vấn đề lớn nhằm giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương.

"TPHCM, Hà Nội và các tỉnh trọng điểm cần kết nối với các tỉnh thành khác để vận động, thuyết phục và khuyến khích người lao động quay trở về quê", Bộ trưởng nêu giải pháp thứ nhất.

Hai là, các địa phương cần chủ động liên kết tỉnh với tỉnh, liên kết vùng để tạo việc làm cho người lao động trở về. Bộ trưởng đơn cử như tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu để người lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang. 

"Riêng tại Bắc Giang, số lao động đã tăng hơn 50.000 người so với thời điểm trước khi có đợt bùng phát lần thứ 4", Bộ trưởng cho biết. Mô hình tương tự cũng được triển khai ở Hà Nam.

Giải pháp cuối cùng là chủ động tạo việc làm tại chỗ. Chia sẻ tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đánh giá nhiều địa bàn đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.

Đơn cử như chính quyền tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam đã linh hoạt kết nối toàn bộ công nhân may và một số nghề khác làm việc ngay tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

"Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các chính sách an sinh, như: Giảm nghèo, cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.v.v… nhằm hỗ trợ người lao động ổn định việc làm ở địa phương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý.

Nhà nước có cam kết không để lao động rời thành phố về quê?

Chia sẻ những băn khoăn về lao động hồi hương, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nêu hình ảnh một bà mẹ 50 tuổi cùng 3 con đạp xe từ Đồng Nai về quê hay một cô gái sinh con được 10 ngày ôm con về quê. "Điều này thực sự đặt ra trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu, liệu có sự lúng túng bị động và không nhận định được tình hình trong thực tiễn như thế nào về thực trạng làn sóng về quê như trên?", đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Vấn đề này trước hết có một phần trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng không phải là Bộ Lao động chịu trách nhiệm chính vấn đề. Vì việc đi lại liên quan đến vấn đề di dân an ninh, trật tự…".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với câu hỏi về 4 mẹ con đi xe đạp 1.700km về quê - 3

Trong phạm vi trách nhiệm, Bộ đã cố gắng làm những gì có thể được. "Đơn cử việc chúng tôi đề xuất các chính sách hỗ trợ cho 1,3 triệu người chúng tôi đã kịp thời thế rồi hỗ trợ cho những người phụ nữ hay trẻ em", Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập tại thời gian trước tại phiên chất vấn.

Liên quan tới vấn đề này, tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhắc tới "làn sóng" lao động rời bỏ Thành phố Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần mà 3 lần, với số lượng 1,3 triệu người.

Lãnh đạo Quốc hội yêu cầu, không chỉ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho đến khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào trưa mai, 12/11, các thành viên Chính phủ cùng tập trung giải trình, làm rõ thêm vấn đề trước cử tri và Quốc hội.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề trách nhiệm liên quan tới tình trạng người lao động về quê: "Không chỉ là vấn đề chúng ta xác định nguyên nhân vì sao mà trách nhiệm là như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân? Vấn đề quan trọng là bây giờ cái giải pháp để mà giải quyết việc thiếu hụt lao động các thị trường này?".

Quan trọng hơn nữa là qua việc này cần rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá dự báo.

"Chúng ta có cam kết không để xảy ra tình trạng này trong tương lai hay không?. Chúng ta có cam kết được chuyện đấy không trước tình hình dịch bệnh còn đang rất khó lường. Chúng ta không được chủ quan…", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Ông cũng đề nghị trong qua việc thảo luận cần quan tâm tới đây sẽ cần làm cách nào để không để xảy ra tình trạng này và trách nhiệm của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi lại có nơi lao động nhận về.

Cho rằng đây là điều được cử tri rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ giờ tới khi kết thúc phiên chất vấn các thành viên của Chính phủ cố gắng giải trình rõ thêm vấn đề này...