Bình Định:
Vận động doanh nghiệp ưu tiên tuyển người lao động về quê tránh dịch
(Dân trí) - Nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp ở Bình Định từ nay đến cuối năm rất lớn, song số lao động về quê tránh dịch cao hơn nhiều, trở thành bài toán khó đối với địa phương.
Doanh nghiệp tăng tốc dịp cuối năm
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 16.500 người lao động từ vùng dịch trở về có nhu cầu tìm việc và học nghề. Trong khi đó, nhu cầu việc làm tại địa phương ít nên bài toán hỗ trợ, giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng này cần sự chung sức của nhiều phía.
Ông Lê Văn Nghinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định cho biết, trong những tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp trong tỉnh cần khoảng 2.000 lao động. Khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục duy trì ổn định, nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2022 có khoảng 4.000 vị trí việc làm.
"Nhu cầu về việc làm của người lao động trở về từ vùng dịch khoảng 12.800 người, cộng với nhu cầu đào tạo nghề khoảng 3.700 người. So với số lao động về quê lớn như vậy thì các doanh nghiệp trong tỉnh không thể đáp ứng được. Đây thực sự đang là áp lực lớn với tỉnh", ông Nghinh nói.
Ông Nghinh cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lớn như: may mặc, giày da, gỗ và chế biến lâm sản, chế biến thủy sản…
Theo bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, để đảm bảo hoạt động sản xuất cho 3 nhà máy, đơn vị này cần tuyển 170 - 200 công nhân trong những tháng cuối năm 2021, và trong năm 2022 là hơn 1.100 người.
"Tuy nhiên, do đặc thù môi trường làm việc có mùi tanh, nhiệt độ thấp, áp lực, công việc không như kỳ vọng của nhiều người trẻ tuổi nên công ty phải tuyển gấp đôi", bà Lan cho hay.
Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thông tin, nhu cầu lao động trong ngành gỗ có xu hướng tăng. Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang tập trung sản xuất các đơn hàng cho quý I/2022, bù đắp cho việc giảm công suất trong 2 tháng vừa qua do dịch.
Kết nối với các tỉnh phía Nam
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định Lê Văn Nghinh cho biết, trước nhu cầu việc làm rất lớn của người lao động, hiện đơn vị đang kết nối với các tỉnh phía Nam để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng.
Qua nắm bắt, 5 địa phương phía Nam: TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An cần tuyển hơn 76.000 lao động trong 3 tháng cuối năm và dự kiến tuyển 221.000 lao động cho quý I/2022.
"Trung tâm đang chờ các huyện tổng hợp số lượng người lao động có nguyện vọng quay lại phía Nam, sau đó chúng tôi sẽ phối hợp kết nối, giới thiệu việc làm. Nếu số lượng lao động nhiều có thể các tỉnh yêu cầu doanh nghiệp cho xe về đón. Nếu trường hợp lao động ít thì chúng tôi đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ xe hoặc chi phí để tạo điều kiện cho họ quay lại nơi làm việc", ông Nghinh nói.
Ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định thông tin thêm, thời gian tới, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng cường công tác tuyển dụng, nhất là người lao động trẻ có tác phong công nghiệp; cải thiện điều kiện làm việc, nâng mức lương, phụ cấp để thu hút người lao động.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng kiến nghị Sở LĐ-TB&XH và các địa phương triển khai đào tạo nghề sơ cấp cho người lao động nông thôn nhằm tạo nguồn lao động. Đồng thời, đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ xây nhà lưu trú, nhà ở xã hội tại các khu đông người lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Nguyễn Mỹ Quang cho biết, ngành LĐ-TB&XH vẫn tiếp tục rà soát nhu cầu tìm việc làm, học nghề của người lao động, đặc biệt là người lao động từ vùng dịch trở về; tăng tần suất các phiên giao dịch việc làm, chú trọng các hình thức trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động; thường xuyên dự báo cung - cầu lao động.
Sở LÐ-TB&XH và các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục tăng cường vận động doanh nghiệp đang thiếu lao động ưu tiên tiếp nhận người lao động trở về từ vùng dịch. Các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường.