Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc tinh gọn bộ máy như một cuộc cách mạng, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo ra một hệ thống quản lý hiện đại, minh bạch và tiết kiệm.

Sáng 6/12, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quán triệt, triển khai Kết luận số 09 của Ban chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước.

Bộ LĐ-TB&XH là một trong những bộ ngành nằm trong kế hoạch sắp xếp, hợp nhất theo kế hoạch đề ra. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng - 1

Toàn cảnh hội nghị của Bộ LĐ-TB&XH quán triệt và triển khai việc tinh gọn bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII (Ảnh: Tống Giáp).

Quyết tâm đổi mới toàn diện

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực trạng hiện nay cho thấy bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh và thiếu hiệu quả. Hiện tại một tỷ lệ ngân sách không nhỏ  phải sử dụng để chi trả cho các đối tượng hưởng lương trong khu vực công (khoảng 3 triệu người, trong đó có hơn 200.000 cán bộ, công chức, còn lại là viên chức). 

Tinh gọn bộ máy, theo đó, cả nước sẽ có nhiều nguồn lực hơn dành cho đầu tư phát triển, thay vì đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên quá lớn.

Dù vậy, Bộ trưởng chỉ rõ, mục tiêu quan trọng nhất đề ra trong Nghị quyết 18 không chỉ là tinh gọn bộ máy mà còn là nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành của các cơ quan nhà nước, đảng và đoàn thể. Việc này còn có ý nghĩa hơn giảm số lượng người hưởng lương ngân sách.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định: "Tinh gọn bộ máy lần này như một cuộc cách mạng", cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo ra sự đổi mới toàn diện, nhằm xây dựng một hệ thống quản lý hiện đại, minh bạch và tiết kiệm, có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển xã hội.

Để thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu về tổ chức bộ máy và nhân sự, phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo (VPQG Giảm nghèo) để xây dựng phương án nhân sự và các chức năng nhiệm vụ mới cho các đơn vị này.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ để báo cáo về phương án trụ sở và nơi làm việc của Bộ sau khi tiến hành sáp nhập các cơ quan.

Chia sẻ với những tâm tư, băn khoăn nếu có của cán bộ công chức với việc hợp nhất Bộ nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ông động viên toàn thể nhân sự tại Bộ bằng trải nghiệm qua những lần chia tách, sáp nhập trong suốt quá trình công tác của mình. Đó là lần chia tách tỉnh Hà Nam Ninh năm 1991 thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, lần tách tỉnh Nam hà thành Hà Nam và Nam Định năm 1996...

Mỗi lần điều chỉnh, sắp xếp như vậy đều có vấn đề riêng, không đơn giản, đều ghi nhận những tâm tư, băn khoăn thực tế, từ chuyện chia chiếc xe công, chọn phân nhân sự về mỗi địa phương... 

"Tôi hiểu tâm trạng của mọi người nhưng mỗi cán bộ, đảng viên của Bộ LĐ-TB&XH cần nhất quyết chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và của Tổng Bí thư để thực hiện quá trình sắp xếp cho tới khi hoàn thành quy trình thông qua tổ chức bộ máy mới tại Quốc hội.

Trong thời gian này, mỗi cán bộ, đảng viên của Bộ phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao và làm theo đúng chỉ đạo của Đảng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những cuộc điện thoại trong đêm của Bộ trưởng 

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng chia sẻ, bản thân ông cũng nhận nhiều sức ép, mỗi ngày đều nhận rất nhiều tin nhắn của cán bộ, thư từ phản ánh của các lão thành cách mạng, người có công trong ngành về hướng sắp xếp, tổ chức lại Bộ. 

Qua rất nhiều cuộc báo cáo, trao đổi với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều Bộ ngành cũng như các tỉnh thành, nhiều thời điểm giữa đêm, Bộ trưởng cho biết, những nhận thức khác nhau đã được thống nhất, làm sáng rõ. Lãnh đạo, cán bộ nhân viên nhiều Cục, Vụ thuộc bộ đã thông suốt, phấn chấn về phương án hợp nhất được cập nhật từ Chính phủ ngày hôm qua. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Đánh giá tinh thần chung như vậy là tích cực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt ba nhiệm vụ quan trọng mà các cơ quan, đơn vị của Bộ cần thực hiện trong thời gian này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có bề dày lịch sử hình thành, phát triển.

Bộ Lao động được thành lập năm 1945 (khi đó tên là Bộ Cứu tế), là một trong 13 bộ đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Đến năm 1947, Bộ Thương binh - Cựu binh được thành lập theo quyết định của Hội đồng Chính phủ. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Bộ LĐ-TB&XH hiện nay là sự hợp nhất của Bộ Lao động và Bộ Thương binh - Xã hội theo Quyết định số 782/HĐNN ngày 16/2/1987 của Hội đồng Nhà nước.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong hệ thống quốc tế, 186/187 quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều có một bộ hoặc cơ quan mang tên "lao động". Tương tự, 10 quốc gia ASEAN, 54 quốc gia châu Á và 26 quốc gia phát triển cũng duy trì khái niệm này trong bộ máy nhà nước. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của "lao động" không chỉ với xã hội mà còn đối với kinh tế.

Tinh thần ban đầu của Ban Chỉ đạo Trung ương là "kết thúc hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH", với ý nghĩa chuyển toàn bộ chức năng của Bộ sang các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng. Trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ trong ngành mong muốn giữ ý nghĩa sâu sắc của "lao động", đại diện cho danh dự, truyền thống và lịch sử của ngành.

Phương án hợp nhất với Bộ Nội vụ mới được cập nhật, thành Bộ Nội vụ và Lao động sẽ tiếp tục đảm bảo việc thực hiện hai nhiệm vụ chính là quản lý về lao động và chăm sóc người có công. Một số chức năng như chăm sóc sức khỏe sẽ được chuyển giao cho các bộ khác phù hợp hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần chung là đảm bảo quá trình chuyển giao ổn định, không làm gián đoạn công việc và các chính sách quan trọng. Ông khẳng định: "Chúng ta có thể thay đổi cơ cấu nhưng giá trị cốt lõi và danh dự của ngành lao động vẫn sẽ được giữ vững".

Thứ nhất, từng cơ quan, đơn vị của Bộ phải ổn định tổ chức. Bộ trưởng nhấn mạnh, dù còn một phút làm việc tại Bộ LĐ-TB&XH, cán bộ, Đảng viên vẫn phải giữ nghiêm kỷ cương, nguyên tắc và tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình.

Các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo nhiệm vụ và công việc phải làm, các chính sách cần phải triển khai đầy đủ, chú trọng việc chăm lo Tết cho người nghèo, người có công vẫn phải được thực hiện. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu "không để xảy ra tư tưởng lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay sự phân tán trong công việc".

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương về việc sắp xếp lại tổ chức, tinh gọn và chuyển giao bộ máy. Theo Bộ trưởng, đây là công việc không đơn giản, dễ dàng, liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức, song mọi người cần tự giác, vui vẻ và gương mẫu trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên cấp dưới, để họ bình tĩnh làm việc, duy trì tinh thần đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ

Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn.

Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học Công nghệ và Truyền thông.

Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi Ban này kết thúc hoạt động). Dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ.