DNews

"Bệ đỡ" giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Hạnh Linh

(Dân trí) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những "bệ đỡ" giúp bà con vùng cao Thanh Hóa thoát nghèo.

"Bệ đỡ" giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 159 hoạt động, Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, được đánh giá là chương trình bao quát sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Để hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả cũng như tiến độ giải ngân vốn từ khi Thanh Hóa triển khai thực hiện chương trình, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Kiên, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Ông có đánh giá như thế nào về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025?

- Quý 1, quý 2/2024 dù tình hình kinh tế có thể sáng hơn năm 2023 nhưng chưa thể quay lại thời kỳ của năm 2022

Bệ đỡ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo - 1

Ông Phạm Trung Kiên, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

Những năm gần đây, chính sách dân tộc đã hình thành hệ thống tương đối toàn diện, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Tuy nhiên, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn trước bộc lộ nhiều bất cập, mang tính nhiệm kỳ, quá trình xây dựng chính sách dài, thời gian thực hiện ngắn; chính sách chưa tạo ra bước phát triển bền vững.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là cần thiết.

Mục tiêu của chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Thanh Hóa đã có những kết quả như thế nào?

- Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2023 đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS&MN so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTT&MN giảm 4,15%; thu nhập bình quân ước tính đến hết năm 2023 là 40,7 triệu đồng.

Bệ đỡ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo - 2

Nhiều bà con vùng đồng bào DTTS&MN mạnh dạn chăn nuôi, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo (Ảnh: Hạnh Linh).

Cùng với đó, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTT&MN.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Việc triển khai chương trình còn củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Thưa ông, đến thời điểm hiện tại nguồn vốn Trung ương từ chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã phân bổ cho Thanh Hóa là bao nhiêu, tiến độ giải ngân đến nay như thế nào?

- Tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 là hơn 1.100 tỷ đồng.

Vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2022 là 394 tỷ đồng (vốn đầu tư 238 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 156 tỷ đồng). Hiện nay đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là gần 394 tỷ đồng (đạt 99,99% kế hoạch vốn giao).

Bệ đỡ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo - 3

Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 được xem là "bệ đỡ" giúp bà con vùng đồng bào DTTS&MN thoát nghèo (Ảnh: Hạnh Linh).

Vốn ngân sách Trung ương thực hiện năm 2023 là 759 tỷ đồng (vốn đầu tư 310 tỷ  đồng; vốn sự nghiệp là 449 tỷ đồng). Hiện đã thực hiện phân bổ cho UBND các huyện, các đơn vị, chủ dự án thành phần là 703 tỷ đồng (đạt 92,5% kế hoạch vốn giao).

Tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt thấp, vậy lý do gì dẫn đến tình trạng này?

- Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện chương trình MTQG chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi sự nghiệp.

Việc giao chi tiết góp phần quản lý việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng lĩnh vực chi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên không tạo được sự chủ động cho các địa phương tự quyết định việc sử dụng, lồng ghép nguồn vốn, nhiều nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt thấp.

Bệ đỡ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo - 4

Từ nguồn vốn của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nhiều địa phương đã tổ chức các lớp dạy nghề cho bà con nhân dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Việc quy định trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất làm chậm quá trình thực hiện và chưa thực hiện được chủ trương tăng cường phân cấp; chưa tích hợp, làm rõ cơ chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp qua chủ trì liên kết, cho cộng đồng dân cư.

Cơ chế quản lý tài sản hình thành tại doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc cộng đồng dân cư sau hỗ trợ còn phức tạp, khó thực hiện đối với cấp cơ sở có nguồn lực ít.

Một số tiểu dự án thuộc chương trình hiện nay Trung ương chưa hướng dẫn, quy định cụ thể về phương thức, định mức và địa bàn hỗ trợ nên chưa có cơ sở để triển khai thực hiện, như: Tiểu Dự án 1, Dự án 9 "Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn", do đó dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn chậm.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg cần được giải quyết như thế nào?

- Hiện Chính phủ đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 nhóm giải pháp theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương.

Bệ đỡ giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo - 5

Bà con huyện miền núi Thanh Hóa những năm gần đây có thêm nguồn thu nhập từ các vườn cây ăn quả (Ảnh: Hạnh Linh).

Cụ thể 6 nhóm giải pháp gồm: Cơ chế lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG; thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án thuộc các chương trình MTQG; giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm; cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng, vốn hợp pháp khác; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG; sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Ngoài 6 nhóm giải pháp nêu trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình MTQG chưa giải ngân hết trong năm 2023.