Giảm nghèo bền vững, phải "trao cần câu, hướng dẫn làm mồi"
(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững, phải "trao cho người dân cần câu, hướng dẫn cách làm mồi và cách câu".
Ngày 20/12, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
3 năm, gần 27.000 hộ thoát nghèo
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh, qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua, từng cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều cố gắng, thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thực hiện thành công phong trào.
Cụ thể, thực hiện hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi cho 118.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn với kinh phí hơn 5.545 tỷ đồng; cấp gần 464.000 thẻ BHYT; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập, ăn trưa cho 70.000 lượt trẻ em học mẫu giáo, trung học phổ thông, kinh phí gần 164 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 70.488 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, số tiền hơn 48 tỷ đồng; hỗ trợ 1.060 nhà ở hộ nghèo, cận nghèo kinh phí gần 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã huy động trên 635 tỷ đồng, hỗ trợ 160.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trong đó 1.596 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; hơn 29.000 lượt bệnh nhân nghèo, cận nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, cấp thuốc điều trị, hỗ trợ sinh kế.
Hơn 120.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được trợ giúp khó khăn trong các dịp lễ, tết. Trong đại dịch Covid-19, tỉnh đã huy động tiền và hiện vật giá trị khoảng 104 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 417 tỷ đồng, trong đó có hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo.
Đến nay, đã có hơn 35 dự án phát triển sản xuất (dự án chăn nuôi: trâu, bò, heo đen, gà thả đồi, cá lồng trên hồ thủy lợi); dự án trồng trọt (chuối, dứa, dừa xiêm, bơ, mít) với hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án đã tạo nguồn vốn cho hộ để tái sản xuất, hầu hết các hộ tham gia dự án có hiệu quả đã thoát nghèo.
Qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, đã có gần 27.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05% vượt kế hoạch 1,5%-2% đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ đã giảm nghèo đạt 2,89% với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" là phong trào lớn, có ý nghĩa đặc biệt mà toàn xã hội cùng tham gia, trong đó các cấp chính quyền, tổ chức xã hội là trọng tâm.
Theo ông Tuấn, sau 3 năm thực hiện, Bình Định có gần 27.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, đây là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng để thoát nghèo bền vững, thời gian tới các cấp, ngành, chính quyền các địa phương phải nhận diện tất cả các vấn đề cụ thể, tránh nói chung chung; nhận diện tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chính sách của địa phương.
"Trước đây, chủ yếu giúp cho người nghèo chút gạo, ít tiền, sau này trao cho cần câu. Nhưng bây giờ, muốn giảm nghèo bền vững, phải trao cho người dân cần câu, hướng dẫn cách làm mồi, hướng dẫn câu. Hiện nay, tỉnh Bình Định tiên phong làm việc đó, có như vậy bà con mới yên tâm thoát nghèo", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, ý thức toàn xã hội trong việc chung tay vì người nghèo, trong đó các cấp chính quyền là trọng tâm dẫn dắt. Như vậy, nguồn lực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải là chủ lực và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này.
Muốn làm việc này, ý thức người đứng đầu rất quan trọng, phải có trách nhiệm với người dân, nhất là người dân nghèo trên địa bàn.
"Chính quyền phải chăm lo giúp dân thoát nghèo. Ở đâu còn nhiều người nghèo thì lỗi đầu tiên là chính quyền địa phương", ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan, chính quyền phải rà soát, đánh giá lại hộ nghèo đa chiều theo khái niệm mới. Phải xác định tình trạng hộ nghèo theo các nguyên nhân cụ thể, từ đó mới xác định nguyên nhân nào chính quyền xử lý, nguyên nhân nào phải huy động cả xã hội vào cuộc.