Bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo lực mạng
(Dân trí) - Thời gian trẻ em tham gia mạng xã hội ngày càng nhiều trong khi cha mẹ không đủ kỹ năng để hỗ trợ trẻ. Nguy cơ trẻ bị bắt nạt trên mạng, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ngày càng nghiêm trọng.
Mạng ảo nhưng ảnh hưởng thực
Tối 30/3/2021, một bệnh viện nhi lớn trên địa bàn TPHCM tiếp nhận cấp cứu bé gái 13 tuổi tên Na (tên nạn nhân đã thay đổi) uống thuốc trừ sâu tự tử.
Sau khi uống thuốc, Na ói liên tục, khó thở, co giật, lơ mơ... May mắn người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên bé được cứu sống sau 1 tuần thở máy, súc ruột.
Cha của bé chia sẻ, Na có hành động dại dột như trên do bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt hội đồng trên mạng facebook. Bé từng ngất xỉu vì bị bạn bè chế giễu trên mạng xã hội trước khi có hành vi tự tử.
Theo các chuyên gia, những lời khích bác, chế giễu, nói xấu trên mạng xã hội có tác động rất lớn đến tâm lý trẻ em, đặc biệt là hiện nay thời gian các em tiếp xúc với mạng xã hội rất lớn. Mạng xã hội tuy ảo nhưng gây ra những hậu quả rất chân thực.
Bà Phạm Thị Thủy - Phụ trách Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, sự phát triển nhanh chóng tỷ lệ tiếp cận internet, tham gia mạng xã hội của trẻ em thời gian gần đây kéo theo nhiều rủi ro, nguy hiểm rình rập quanh các em.
Theo bà Phạm Thị Thủy - Phụ trách Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em, bạo lực mạng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc đăng tải những nội dung, hình ảnh gây xấu hổ cho người khác, đến việc đe dọa, gây rối, bình luận tiêu cực trên môi trường mạng...
Kẻ bắt nạt trên mạng sẽ công kích nạn nhân về nhiều khía cạnh, từ vóc dáng cơ thể, bề ngoài, đến học vấn, gia đình, các mối quan hệ xã hội, sở thích… Thậm chí, kẻ bắt nạt sẽ đặt điều, bịa ra những thông tin giả nhằm tăng thêm tính thuyết phục của chúng.
Theo bà Thủy, kết quả khảo sát cho thấy có đến 89% trẻ em sử dụng internet, trong số này có 87% sử dụng hàng ngày. Trên mạng, trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương khi bị người lạ, hay chính bạn bè bắt nạt, vô tình xem thông tin không phù hợp…
Trong khi đó, có tới 11% người chăm sóc trẻ em chưa bao giờ dùng internet, hầu hết trẻ dưới 16 tuổi chưa được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả xấu khi trẻ tham gia mạng xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Lên facebook, chỉ cần gõ từ khóa "tự tử" sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm tụ tập những người có ý định tự tử, hầu hết đều là thanh thiếu niên có tuổi đời rất trẻ. Những bài viết phổ biến nhất trên các hội nhóm này là "có cách nào chết mà không đau đớn", "mua thuốc độc ở đâu"…
Rất khó quy kết những lời hướng dẫn cách tự tử lạnh lùng trong các hội nhóm trên gây ra các vụ trẻ em tự tử. Tuy nhiên, khó mà giải thích tại sao những đứa trẻ 12, 13 tuổi lại biết cách dùng thuốc trừ sâu để tự tự nếu không phải là học hỏi từ các trang mạng.
Tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn thực hiện công tác trẻ em ngành LĐ-TB&XH năm 2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà yêu cầu toàn ngành phải tập trung chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội dài ngày dẫn đến trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, ít tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè, thường xuyên tiếp xúc với các trang mạng, trong đó có các trang mạng độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu: "Cần tăng cường truyền thông, giáo dục kỹ năng cho giáo viên, cha mẹ và các thành viên gia đình về kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em nhằm phát hiện sớm, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em".
Trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em. Đồng thời tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu truyền thông về nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý cho trẻ em.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (thuộc Cục Trẻ em) đã phối hợp với các chuyên gia triển khai hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn chăm sóc cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung thông qua hình thức trực tuyến, tổ chức hướng dẫn, tư vấn về an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội…
Tổng đài 111 còn triển khai dịch vụ hỗ trợ trẻ em thông qua mạng lưới các chuyên gia và cộng tác viên hỗ trợ tư vấn cho trẻ về phòng ngừa xâm hại, bạo lực, hỗ trợ tâm lý tâm thần.
Tuy vậy, báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH dự báo tình hình trẻ em tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu.
Do đó, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với trẻ em; Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ.
Hướng dẫn bảo vệ trẻ trước bạo lực mạng
Giới hạn người tiếp cận được thông tin cá nhân về trẻ: Hãy cẩn thận với những người có thể biết được thông tin liên hệ, thông tin cá nhân về sở thích, thói quen, công việc, chuyện học tập của con trẻ. Việc cảnh giác này có thể giúp giảm khả năng kẻ gây bạo lực mạng có thể tiếp xúc với trẻ mà cha mẹ không biết. Quan trọng hơn, trên môi trường mạng, đừng đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân của trẻ và gia đình để kẻ xấu có thể lợi dụng.
Hãy tìm hiểu về thế giới online của trẻ: Cha mẹ có thể kết bạn với trẻ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên cha mẹ không nên bình luận hoặc đăng tải quá nhiều trên trang cá nhân của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể kiểm tra những trang web mà trẻ thường sử dụng, những người bạn mà trẻ thường tương tác. Đồng thời cũng cho trẻ biết về mức độ quan trọng của sự riêng tư khi dùng internet và trong cuộc sống thực hàng ngày: hạn chế chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân với người lạ, thậm chí là bạn bè.
Tránh kích thích kẻ bắt nạt: Việc đáp trả bằng một thái độ gay gắt có thể khiến tình hình càng căng thẳng và chọc giận kẻ bắt nạt. Tùy vào tình huống mà cha mẹ có thể cân nhắc bỏ qua những lời lẽ khiêu khích trên mạng mà hãy chặn tài khoản/báo cáo tài khoản đó cho trang web hoặc mạng xã hội. Thông thường, những kẻ bắt nạt sẽ càng thích thú khi nạn nhân phản ứng lại. Nếu cha mẹ hoặc trẻ nhận được những email hoặc tin nhắn từ người lạ, hãy xem xét đổi sang một địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác.
Lưu giữ bằng chứng của bạo lực mạng: Hãy ghi lại bằng chứng của những tin nhắn, bình luận mang tính đe dọa, khiêu khích, gây rối kèm theo thời gian thực xảy ra. Ngoài lưu giữ phiên bản dưới định dạng kỹ thuật số, hãy in ra giấy nếu cần thiết.
Báo cáo trường hợp bạo lực mạng với trường học hoặc cơ quan chức năng: Nếu cha mẹ phát hiện con trẻ đang bị bắt nạt hoặc đe dọa trên mạng, hãy báo cho trường học hoặc cơ quan chức năng. Sự khác biệt giữa tự do ngôn luận và những phát ngôn công kích sỉ nhục cá nhân rất rõ ràng. Cha mẹ hãy hỗ trợ trẻ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt bạo lực mạng.
(trích tài liệu của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111)