DMagazine

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản 1 triệu đồng trong túi

(Dân trí) - Anh Tuấn, 46 tuổi gom quần áo và mấy cái nồi buộc sau xe máy cà tàng để về quê, không hẹn ngày trở lại. Sau 20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời, gia sản của anh chỉ hơn 1 triệu đồng trong túi.

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản hơn 1 triệu đồng trong túi

(Dân trí) - Anh Tuấn, 46 tuổi gom quần áo và mấy cái nồi buộc sau xe máy cà tàng để về quê, không hẹn ngày trở lại. Sau 20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời, gia sản của anh chỉ hơn 1 triệu đồng trong túi.

Trắng tay sau hơn 20 năm ở Sài Gòn

6h sáng, anh Nguyễn Thanh Tuấn, 47 tuổi giật mình tỉnh giấc trong căn trọ nhỏ trên đường Mai Chí Thọ, thành phố Thủ Đức. Người đàn ông độc thân pha gói mì tôm, ăn vội bữa sáng. Bần thần lướt danh bạ điện thoại, anh bấm gọi cho những người bạn làm phụ hồ, hỏi xem có công việc gì để đi làm cùng. Sau hàng loạt câu trả lời là "không có", anh Tuấn chưa biết hôm nay sẽ làm gì để kiếm tiền ăn, trả tiền phòng trọ. 

"Tôi vốn định ở lại Sài Gòn làm xuyên Tết, nhưng lục lại túi chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Tôi lo nếu những ngày tới không có việc làm, mà tiền tiêu hoài cũng hết nên bấm bụng về quê. Hơn 20 năm ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi thấy việc kiếm tiền khó khăn đến vậy", anh Tuấn kể về quyết định chạy xe máy về quê Châu Đốc, An Giang hôm 28 Tết vừa rồi.

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản 1 triệu đồng trong túi - 1

Anh Tuấn hái rau muống hoang mưu sinh một ngày cuối tháng 10/2011 (Ảnh: Diệp Phan).

Anh Tuấn sinh ra trong gia đình có đến 13 anh chị em. Hết lớp 2, anh nghỉ học theo cha mẹ làm ruộng, lưới cá. Lớn lên, anh theo chân các anh chị lên Sài Gòn lập nghiệp. Dù từng trải qua rất nhiều công việc nhưng anh không có một cái nghề vững chắc trong tay. Hơn 20 năm qua, người đàn ông quê miền Tây bán sức lao động trong những xưởng làm bún, công trình xây dựng hay phục vụ ở quán cà phê…

Tuy không dư giả nhiều, nhưng với anh, Sài Gòn vẫn là nơi dễ kiếm tiền, nếu chịu bỏ sức lao động. Trước khi có dịch, tùy công việc mà mỗi tháng anh cũng kiếm được hơn 6 triệu đồng. Còn độc thân nên không tốn quá nhiều chi phí, ngoài tiền sinh hoạt cá nhân, thỉnh thoảng anh còn gửi về quê cho cha già vài triệu đồng. 

"Với tui như vậy là đủ, nhưng tôi biết nếu có vợ con thì không lo nổi cho gia đình. Mình nghèo nên không dám lấy vợ, sợ người ta không gắn bó", anh Tuấn trải lòng. 

Tháng 5 năm ngoái, khi dịch Covid -19 bùng phát lần thứ 4 ở Sài Gòn, anh Tuấn lúc ấy đang làm phụ hồ bỗng thất nghiệp. Những ngày giãn cách xã hội đầu tiên, anh ở trong nhà trọ cố thủ, trông chờ dịch bệnh sớm qua để được đi làm.

Nhưng không có tiền tích trữ, chỉ sau một tháng ở nhà, anh Tuấn phải bán đi chiếc xe máy cà tàng của mình với giá hơn 2 triệu để đóng tiền trọ, mua thức ăn khi Sài Gòn bắt đầu giãn cách xã hội. 

"Giai đoạn khó khăn đó, tôi và mấy anh chị em trong nhà lên mạng xã hội xin gạo. Tôi được người quen chỉ cho mấy chỗ có rau muống mọc hoang đến hái về ăn. Hết tiền, chúng tôi chỉ ăn rau luộc chấm nước tương qua mùa dịch", anh Tuấn kể.

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản 1 triệu đồng trong túi - 2

Hái rau xong, anh phải rửa sạch, cột từng bó nhỏ mới đưa người chị chở đi bán tại các khu chợ (Ảnh: Diệp Phan).

Sống ở Sài Gòn nhiều năm, lần đầu tiên anh Tuấn biết ở mảnh đất này còn nhiều vùng có rau muống hoang đến vậy. Dọc bờ sông hoặc những con kênh, đám rau muống vươn dài non mơn mởn. Người chị ruột đang ở chung nhà trọ, cũng thất nghiệp như anh Tuấn xúi em trai đi hái rau, rồi bà ấy sẽ xoay sở để bán lén cho những người quanh khu trọ.

Cùng đường, anh Tuấn liều mượn chiếc xe máy của người quen đi hái rau về bán. Vừa chạy xe, anh vừa nơm nớp lo sợ bị công an phạt vì "ra đường không có lý do chính đáng". Khi đã lội xuống kênh, cứ ngắt được vài cọng rau, anh lại liếc nhìn chiếc xe máy đang dựng trên đường, sợ bị trộm mất. 

Những ngày đó, mỗi ngày anh Tuấn hái được từ 30-40kg rau muống. Mỗi ký bán giá 5 nghìn đồng, ngày nào cũng bán hết veo nên duy trì cho đến khi hết giãn cách. Thấy hái rau có thu nhập, anh tính sẽ gắn bó với công việc này. Vì càng đi hái, anh lại phát hiện thêm nhiều chỗ có rau mọc hoang khác. 

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản 1 triệu đồng trong túi - 3

Sau giãn cách xã hội, hái rau dại không thể nuôi sống anh ở Sài Gòn (Ảnh: Diệp Phan).

Nhưng mọi chuyện không như anh suy tính, khi cuộc sống trở lại bình thường, rau bán ngày càng ế. Nhiều lúc bán không hết phải để dành bán tiếp hôm sau. Rau héo, anh phải bỏ đi.

"Dùng tay lặt từng cọng, ngón tay cái tôi đau nhức, chưa kể phải dầm mình dưới kênh, nước ngập đến bụng suốt cả buổi. Thời điểm rau bắt đầu ế,  2-3 ngày tôi mới kiếm được 100.000 đồng, còn phải chia cho bà chị đi bán phụ. Hai người thu nhập như thế thì lấy gì sống. Chưa kể, tui thấy giá cả cái gì cũng tăng", anh Tuấn hồi tưởng.

Sau đó, anh bắt đầu xin đi phụ hồ trở lại. Vừa làm vừa tích cóp, anh để dành được hơn 2 triệu, đến gần Tết thì mua lại chiếc xe máy cũ. Nhưng công việc phụ hồ sau giãn cách xã hội cũng không ổn định như trước. Làm được vài ngày, anh Tuấn lại phải chịu cảnh thất nghiệp, nằm bó gối ở nhà trong khi tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước… hàng loạt con số cứ nhảy nhót trong đầu.  

Hơn nửa đời sống ở Sài Gòn, lần đầu tiên anh Tuấn có ý định trở về quê nhà lập nghiệp từ đầu. Anh nhẩm tính, về quê không tốn tiền thuê nhà, tiền ăn cũng rẻ hơn, chịu khó làm chắc cũng có dư. 

Di cư ngược

Nghĩ thế, anh Tuấn bật dậy, thu vén đồ đạc cá nhân cột sau xe, chạy thẳng một mạch về quê không tính ngày quay lại. 

Ăn Tết xong, anh Tuấn đi xin việc làm với nhiều hy vọng, quê hương sẽ ôm lấy mình.  

"Đầu tiên, tôi cũng xin một chân phụ hồ. Nhưng không giống ở Sài Gòn, làm ở quê cực lắm, vì không có máy móc hỗ trợ. Trộn bê tông hay chuyển gạch lên cao đều phải dùng sức. Tính ra làm ở Sài Gòn sướng hơn, có máy móc hỗ trợ mà tiền công lại cao gấp đôi", anh Tuấn chia sẻ. 

Hết phụ hồ, anh cũng không ngại những việc lặt vặt như làm cỏ, dọn nhà, nhưng quần quật cả buổi, anh chỉ được trả công vài chục nghìn. Trong khi với việc tương tự, ở Sài Gòn anh có thể nhận được cả trăm.

"Ở quê khó kiếm tiền hơn Sài Gòn", anh Tuấn nhận ra. 

20 năm lên Sài Gòn với khát vọng đổi đời và gia sản 1 triệu đồng trong túi - 4

Mảnh vườn nơi anh Tuấn đang làm việc ở ấp Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên chiều ngày 18/3 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có người khuyên anh mướn đất làm ruộng, nhưng làm nông phải chờ đến vụ, thu hoạch xong mới có tiền. Không có vốn và tiền tích trữ, anh biết lấy gì ăn trong suốt mấy tháng chờ đợi. 

Suy tính một hồi, người đàn ông ước mơ: "Giá như nhà mình có mảnh đất nhỏ để canh tác. Đất ruộng nay người ta bán hơn 300 triệu một công (1.000m2), mình không có tiền đành chịu". 

Sau đó, anh xin được việc giữ vườn ở chân núi Phú Cường, huyện Tịnh Biên, cách nhà ở Châu Đốc gần 30km. Công việc là vun gốc, tưới nước cho những gốc nhãn, vú sữa mới trồng và nuôi đàn gà. Ông chủ không trả lương, nhưng bao ăn ở và cứ khoảng 10 ngày lại gửi anh Tuấn vài trăm nghìn đồng để mua thuốc lá, cà phê.

Không có nhiều tiền, nên cứ hai ngày một lần anh Tuấn mới đi chợ. Từ vườn ra đến chợ mất gần 9km, mỗi lần đi anh chỉ dám mua khô cá về nấu cơm ăn. Thỉnh thoảng vào bếp, anh Tuấn lại mơ về căn bếp có hơi ấm của một người phụ nữ. Gần 50 tuổi, anh Tuấn chưa dám yêu và muốn lấy ai làm vợ, vì luôn mặc cảm về cái nghèo đeo bám.

Trong góc nhà tôn, anh Tuấn nằm đưa võng, châm điếu thuốc lá, đăm chiêu nhìn về những gốc nhãn và ngọn núi trước mặt. Anh tự hỏi: "Những gốc cây này biết đến khi nào mới ra trái. Chẳng lẽ mình cứ chịu cảnh không đồng xu dính túi như thế này?" Rồi anh thấy nhớ Sài Gòn, nơi mà anh vẫn nghĩ chỉ cần chăm chỉ sẽ không lo bị đói.

Lúc bấy giờ, anh vỡ lẽ: "Về quê phải có tiền mới dễ sống"! Trầm ngâm lướt điện thoại, gọi cho những người quen đang ở Sài Gòn. Sau khi xin được một người bạn chịu cho anh vào ở chung mà chưa cần phải góp tiền nhà trọ với lời hứa: "Tao sẽ đi phụ hồ lại, lãnh lương tao sẽ góp đủ". 

Cúp máy, anh Tuấn thông báo với chủ vườn, xếp vài bộ quần áo cho vào túi.

Sáng 19/3, anh Tuấn chạy xe máy lên Sài Gòn. Bắt đầu một hành trình lập nghiệp mới chẳng khác gì hơn 20 năm trước anh đã đi... 

Diệp Phan