2 lợi ích với người lao động khi để lại 50% tiền lúc rút bảo hiểm xã hội

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và chỉ được nhận 50% khi rút BHXH một lần đều là vì người lao động.

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, lấy ý kiến đóng góp có 10 điểm mới. Trong đó, 2 điểm mới đang nhận quan tâm nhiều nhất là đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và đề xuất khi rút BHXH một lần chỉ được hưởng 50%.

Những người xem BHXH như một khoản tiền tiết kiệm, dự định rút BHXH một lần ngay sau khi nghỉ việc không đồng tình 2 đề xuất mới này vì cho rằng quy định mới sẽ làm họ khó khăn hơn trong việc rút bảo hiểm. 

Trước hết, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm được thông qua thì những người đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên sẽ không được rút BHXH một lần mà cần chờ đủ tuổi để nhận lương hưu hàng tháng.

Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) thực hiện vào cuối năm 2022, suy nghĩ coi BHXH như một khoản tiết kiệm khá phổ biến trong nhóm lao động phổ thông. Khi nhóm lao động có vay nợ được hỏi lấy nguồn nào để trả nợ, hơn 11% không ngại ngần cho biết là sẽ nghỉ việc đang làm, chờ rút BHXH một lần để lấy tiền trả nợ.

Đề xuất khi rút BHXH một lần chỉ được rút 50% thì trực tiếp gây ảnh hưởng, số tiền nhận của các lao động bị giảm đi. Nhưng cơ bản, số tiền 50% giữ lại trong quỹ BHXH sẽ là phần tài chính hỗ trợ cuộc sống sau này với mỗi người.

Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM cho biết: "Theo chúng tôi quan sát, người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần có mẫu số chung là lao động trẻ, làm trong ngành dệt may, da giày, có thời gian đóng BHXH ngắn, chỉ khoảng vài năm".

2 lợi ích với người lao động khi để lại 50% tiền lúc rút bảo hiểm xã hội - 1

Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM (Ảnh: CTV).

Số liệu thống kê của BHXH TPHCM cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2020, độ tuổi bình quân của người lãnh BHXH một lần đang có xu hướng trẻ hóa. Năm 2014, độ tuổi bình quân khoảng 40 tuổi. Đến năm 2020 thì độ tuổi bình quân là 35 tuổi. Trong đó, người có thời gian đóng BHXH từ 10 năm trở lên chỉ chiếm 22%.

Theo ông Hà, việc NLĐ rút BHXH một lần nhiều gây ra nhiều hệ lụy. Đầu tiên là tác động đến hệ thống BHXH khi số người tham gia sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến chính sách tiến tới BHXH bao phủ toàn dân của Đảng và nhà nước.

Ông Hà cho rằng: "Dự thảo luật BHXH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để đủ điều kiện được hưởng lương hưu, tôi đánh giá đây là nội dung mới và rất phù hợp".

Theo ông, đề xuất này sẽ tạo điều kiện cho càng nhiều lao động hơn được lãnh lương hưu, giữ chân nhiều NLĐ trong hệ thống BHXH. Đồng thời, tác động nhiều đến suy nghĩ của NLĐ. Họ sẽ cân nhắc lợi hại khi quyết định rút BHXH một lần, tiến tới giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần và tăng số lượng người đủ điều kiện lãnh lương hưu lên.

Về đề xuất chỉ cho rút BHXH một lần 50%, ông Hà đánh giá là phù hợp, giải quyết được cả 2 mục tiêu. Với quy định này, số tiền NLĐ rút không được nhiều như trước nhưng cũng giúp hỗ trợ một phần trang trải cuộc sống, một phần còn lại giữ để dành cho tương lai của họ. Ngoài ra, khi số tiền lãnh BHXH một lần ít hơn thì đây cũng là một yếu tố để NLĐ cân nhắc có nên rút BHXH một lần hay không.

"Như vậy, cơ hội hưởng chế độ hưu trí của NLĐ tăng lên. Xin nói thêm, mục tiêu cuối cùng của BHXH không phải là để rút một lần mà là để NLĐ được lãnh lương hưu. Đề xuất này sẽ làm tăng số người hưởng lương lưu lên và số người BHXH một lần sẽ giảm đi", ông Trần Dũng Hà nhấn mạnh.

Ông Trần Dũng Hà cũng khẳng định, những suy luận như giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 thì lương hưu đã thấp sẽ còn thấp hơn là không có cơ sở.

"Công thức tính lương hưu liên quan đến nhiều yếu tố như tuổi đời nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH và mức tiền lương đóng BHXH. Về nguyên tắc, NLĐ có thời gian tham gia BHXH dài, mức đóng BHXH cao và nghỉ hưu đúng tuổi thì chắc chắn mức lương hưu sẽ cao. Những người có thời gian tham gia BHXH ngắn mà họ có mức đóng BHXH cao thì lương hưu của họ cũng cao", ông Hà phân tích.

Phó giám đốc BHXH TPHCM khẳng định: "Mục tiêu cuối cùng của những đề xuất trên cũng là vì NLĐ. Khi xây dựng chính sách pháp luật thì không một nhà nước nào xây dựng chính sách làm thiệt hại, thu hẹp quyền lợi của người dân nước mình. Việc này chắc chắn có lý do như tôi đã phân tích ở trên".