Vụ cá bị nhiễm chất Phenol: Kiểm tra các lô hàng cùng thời điểm

(Dân trí) - Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cho biết, cơ quan này đang giám sát chặt chẽ các lô hàng về thủy hải sản, trong đó có việc kiểm tra các lô hàng cùng thời điểm với lô cá nục có chứa chất cực độc phenol...

Chiều 11/6, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị đã tiến hành niêm phong 25 tấn cá nục tại kho lạnh của bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh), để chờ xử lý theo quy định. Đây là số cá đã qua kiểm nghiệm và có kết quả bị nhiễm chất Phenol, chất cực độc cấm dùng trong thực phẩm.

Niêm phong để chờ xử lý

Sau quá trình làm việc với hộ bà Thuộc, đoàn kiểm tra gồm: đại diện Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT), Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), đại diện Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành niêm phong 25 tấn cá nục đã qua kiểm định và có kết quả bị nhiễm chất Phenol để chờ xử lý.

Niêm phong số cá bị nhiễm chất độc Phenol

Cơ quan chức năng niêm phong số cá bị nhiễm độc
Cơ quan chức năng niêm phong số cá bị nhiễm độc

Trước đó, vào ngày 7/6, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phối hợp với Phòng Y tế và Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức kiểm tra số hải sản còn tồn đọng tại các kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng. Chi cục VSATTP đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của hộ bà Thuộc, gồm: 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá song và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua trước thời điểm cá chết, 1 mẫu đại diện cho 20 tấn cá thu mua sau thời điểm cá chết 10 ngày, mẫu còn lại của 30 tấn cá thu mua ngay sau thời điểm cá chết).

Kết quả phân tích, kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm, dùng trong công nghiệp hoá dẻo.

Theo kết quả này, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và tiêu hủy 30 tấn cá nục có chứa chất cực độc.

“Cá đánh bắt ngoài 20 hải lý đều được chứng nhận an toàn”

Liên quan đến số cá bị nhiễm chất Phenol, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Khi phát hiện thông tin về một lô hàng nhiễm chất phenol, Ban chỉ đạo khẩn cấp về xử lý cá chết bất thường của tỉnh cũng như đại diện các ngành Y tế, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã khẩn cấp xác nhận lại thông tin cũng như chủ hộ thu mua để nắm thông tin chính xác và có hướng giải quyết kịp thời”.

Ông Hưng khẳng định, tất cả các mẫu cá từ ngày 5/5, qua sự kiểm định từ cơ quan chức năng của ngành NN-PTNT đều ở trong ngưỡng an toàn cho phép. Trong quá trình kiểm tra, theo cơ quan Y tế, có 1 trong 6 mẫu là có hàm lượng phenol ở ngưỡng 0,037mg/kg.

Ông Hưng nói rằng, cá đánh bắt ở vùng biển ngoài 20 hải lý đều được cấp giấy chứng nhận an toàn
Ông Hưng nói rằng, cá đánh bắt ở vùng biển ngoài 20 hải lý đều được cấp giấy chứng nhận an toàn

Ông Hưng nói rằng, theo quy định đối với các ngành, ngành NN-PTNT và Chi cục quản lý chất lượng không theo dõi về tiêu chí này. Tuy vậy, ông Hưng giải thích là trong điều kiện bình thường của tự nhiên nước biển cũng như trong quá trình sử dụng và cấp đông, chế biển cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, các đơn vị liên quan bắt đầu triển khai việc cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn từ ngày 1/5. Đến nay, đã cấp chứng nhận cho 181 tàu cá, với sản lượng 4.300 tấn cá.

Trả lời vấn đề xử lý số cá bị nhiễm độc trong kho của bà Thuộc cũng như các cơ sở thu mua cá trên địa bàn, ông Hưng nói rằng, đối với cơ sở của bà Thuộc, trước mắt cơ quan chức năng niêm phong số cá bị nhiễm độc, còn với các cơ sở khác, cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra lại các khu thu mua. Nếu phát hiện cá trong thời điểm cá chết bất thường, không đảm bảo về chất lượng sẽ lập biên bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý và hỗ trợ theo quy định, mức hỗ trợ không quá 70% giá trị thị trường.

Về quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn cho hải sản đánh bắt xa bờ, ông Hưng cho rằng, chỉ khẳng định đánh bắt xa bờ dựa vào tọa độ hoạt động của tàu chứ không qua khâu kiểm định nào khác. “Trong phân định dưới 20 hải lí, cá có khả năng không an toàn. Vùng ngoài 20 hải lý thì có khả năng cá không bị ảnh hưởng và chỉ mang tính tương đối. Giấy xác nhận này chỉ mang tính chất chứng nhận khai thác xa bờ, chứ muốn biết chính xác hải sản an toàn phải đưa đi xét nghiệm”, ông Hưng nói.

“Đã là chất độc đều cấm vì yếu tố sức khỏe”

Trong khi đại diện ngành Nông nghiệp cho rằng, ngoài phenol và một số chất khác có thể có trong thực phẩm nhưng ở trong hàm lượng cho phép thì không thể nói là chất cực độc, từ đó nhấn mạnh rằng, chất này có thể phát sinh trong quá trình bảo quản, do môi trường… thì phía đơn vị phụ trách về An toàn vệ sinh thực phẩm lại khẳng định, đây là chất cấm, không thể có trong thực phẩm dù bất kỳ hàm lượng nào.

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại hộ bà Thuộc về số lượng cá bị nhiễm độc
Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại hộ bà Thuộc về số lượng cá bị nhiễm độc

Nói về số cá bị nhiễm chất Phenol, ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Sau vụ cá chết, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục an toàn thực phẩm, UBND tỉnh, Chi cục ATVSTP đã kiểm tra 105 mẫu thủy hải sản. Tất cả các mẫu này cho thấy kết quả bình thường, nên chúng tôi mới cho phép lưu thông. Riêng mẫu này nhiễm phenol là cá biệt, theo yêu cầu của UBND huyện Vĩnh Linh cho kiểm tra số cá tồn ở kho đông lạnh để lưu thông, tôi nghĩ lô cá này đã thu mua ngay sau thời điểm khi xảy ra hiện tượng cá chết nên nhiễm phenol”.

Ông Biên khẳng định: “Về phenol nhiễm hàm lượng thấp, nhưng đã quy định không được phép có hàm lượng chất này trong thực phẩm. Hiện tại, nếu ăn vào nói ngộ độc không phải ngộ độc ngay, nhưng sẽ gây tiềm tàng về sau nên cần phải tiêu hủy lô hàng mà chúng tôi kiểm nghiệm để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Đây là chất cực độc. Nói về quy chuẩn thì trong nước biển 0,03mg, còn trong bao bì không được phép, bao bì không được phép thì thực phẩm làm sao được phép được”.

Số cá nục được niêm phong khoảng 25 tấn
Số cá nục được niêm phong khoảng 25 tấn

Ông Biên nói, thời gian tới Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục kiểm tra, giám sát tất cả các kho đông lạnh, các mặt hàng hải sản được đánh bắt xa bờ, phối hợp với Chi cục nông lâm thủy sản của Sở Nông nghiệp để kiểm tra chất lượng, giúp bà con có thủy sản an toàn.

“Đối với việc kinh doanh thủy hải sản, hiện tại chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các lô hàng về thủy hải sản, nên người dân yên tâm. Thậm chí, chúng tôi đang quay lại lô hàng cùng thời điểm với lô bị nhiễm phenol này để kiểm tra. Phải nói thêm rằng, trong 30 tấn đã công bố bị nhiễm phenol, có thể chỉ một con bị nhiễm, hoặc vài con chứ không phải 30 tấn. Nhưng để đảm bảo sức khỏe, chúng tôi phải tiêu hủy hết”, ông Biên nói.

Còn ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế nói, phenol là một chất độc không được phép có trong thực phẩm. Tỉ lệ phenol trong thực phẩm qua kiểm nghiệm là 0,001, còn đây xét nghiệm là 0,037 đã có trong thực phẩm, như thế đương nhiên là cấm sử dụng.

Đăng Đức