Phenol trong cá nục gây độc như thế nào?
(Dân trí) - Hai ngày nay, việc phát hiện 30 tấn cá nục ở Quảng Trị nhiễm phenol gây chấn động dư luận. Một vài tờ báo lại đặt tít Phenol là chất “cực độc” lại khiến công chúng hoang mang. Bài viết cung cấp một số thông tin khoa học về chất “cực độc” này…
Nhận diện phenol
Phenol là những hợp chất hữu cơ trong phân tử có nhóm OH liên kết trực tiếp với nguyên tử carbon vòng benzene. Phenol được phát hiện vào năm 1834, khi nó được chiết xuất từ nhựa than đá, đó là nguồn chính sản xuất phenol cho đến khi ngành công nghiệp hóa dầu phát triển.
Phenol dạng rắn là tinh thể không màu, bay hơi được, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43°C. Để lâu ngoài không khí, phenol bị oxy hóa một phần nên có màu hồng và bị chảy rữa do hấp thụ hơi nước. Phenol ít tan trong nước lạnh, tan trong một số dung môi hữu cơ, tan vô hạn ở 660C.
Phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: (1) Công nghiệp chất dẻo: chiếm đến 2/3 sản lượng, liên quan đến việc chuyển đổi sang tiền chất cho ngành nhựa như chất bisphenol-A, polycarbonate và epoxy, nhựa phenolic…,(2) Công nghiệp tơ sợi hóa học: tổng hợp ra tơ polyamide, (3) Phenol cũng là nguyên liệu để điều chế một số phẩm nhuộm, (4) Nông dược: điều chế được chất diệt cỏ dại và kích thích tố thực vật 2,4- D (muối natri của axit 2,4 Diclophenoxiaxetic), thuốc nổ (axit picric), (5) Y học: do có tính diệt khuẩn nên phenol được dùng để trực tiếp làm thuốc sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc (ortho - và para - nitrophenol…)
Phenol là một chất độc cho con người. Nhiễm độc đường tiêu hóa từ 50 đến 500mg ở trẻ sơ sinh, và 1-5g ở người lớn là liều gây tử vong. Tử vong ở người lớn có kết quả sau khi nuốt chửng từ 1 đến 32g.
Bằng cách nào phenol xâm nhập vào cơ thể?
Phenol được hấp thu nhanh chóng từ phổi vào máu. May mắn là mùi phenol khó chịu nên thường chúng ta tránh được ngay khi ngửi.
Nhiễm độc hay gặp nhất là tiếp xúc trực tiếp lên da, mắt: Tất cả các dạng phenol gây kích ứng, và các hiệu ứng độc cấp tính của phenol thường nhất xảy ra khi tiếp xúc với da. Ngay cả dung dịch phenol loãng từ 1% đến 2%cũng có thể gây bỏng nặng nếu tiếp xúc là kéo dài. Độc tính do tiếp xúc ở da, mắt tương đương như khi hít phải. Thường tử vong sau 30 phút tiếp xúc với da.
Đường lây nhiễm thứ ba của phenol là đường tiêu hóa thông qua thức ăn bị nhiễm độc như vụ 30 tấn cá nục hiện nay.
Phenol gây độc như thế nào?
Ngoài tác dụng ăn mòn tại chỗ, tiếp xúc với phenol bằng bất cứ đường nào cũng có thể bị nhiễm độc toàn thân.
Nhiễm độc toàn thân ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương (CNS) gây co giật, hôn mê. Đây là nguyên nhân chính gây chết trong nhiễm độc phenol. Các triệu chứng khác gồm: buồn nôn, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, tăng methemoglobin máu, tan huyết, vả mồ hôi, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, phù phổi…
Nếu nhiễm độc phenol lâu dài có thể gây suy thận. Phenol là một chất độc cho bào thai (fetotoxic), nhưng không gây quái thai.
Xử trí khi bị nhiễm phenol thế nào?
Không có thuốc giải độc đặc hiệu (antidote) cho phenol, nên càng loại bỏ (khử nhiễm) phenol càng nhanh khả năng cứu sống sẽ càng lớn.
Phenol có thể xâm nhập qua da, hô hấp nên cần phải nhanh chóng cách ly, loại bỏ các nguồn ô nhiễm này: (1) Thay quần áo nhiễm nhanh chóng và hoặc tưới hoặc lau vùng tiếp xúc ngay lập tức và liên tục, (2) Rửa dưới vòi sen áp lực cao, làn da phải được rửa bằng xà phòng và nước trong ít nhất 15 phút. Rửa mắt với nhiều nước hoặc nước muối, (3) Nếu nhiễm độc phenol qua đường tiêu hóa, cho dùng than hoạt tính liều 1gm/kg, uống nhiều (1-2 lít) sữa, ăn lòng trắng trứng hoặc dung dịch gelatin và (4) chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội Việt Nam