Ồn ào cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo:

Cấp sổ đỏ đất dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa thông tin có sai luật?

(Dân trí) - Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, Luật Di sản văn hóa không đề cập đến vấn đề quốc hữu hóa tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích...

Cấp sổ đỏ đất dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa thông tin có sai luật? - 1
Khu dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Liên quan đến sự việc ông Vương Duy Bảo – cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành đề nghị xem xét trả lại quyền sử dụng đất gắn với dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm đề cập việc dinh thự họ Vương với diện tích gần 3000 m2, có tuổi đời gần 100 năm do “vua Mèo” Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây từ năm 1919 và hoàn thành năm 1928 - sau 9 năm, tương truyền xây dựng đã tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương đương 150 tỷ đồng).

Dinh thự với ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa (Trung Quốc, người Mông và Pháp) đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và tồn tại qua các giai đoạn 1945, 1975 vẫn thuộc sở hữu của gia tộc họ Vương.

Cấp sổ đỏ đất dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa thông tin có sai luật? - 2
Luật sư Trương Anh Tú.

Giả thiết mọi diễn biến theo trình tự thời gian được đương sự nêu là chính xác (theo ông Bảo, năm 1993, dinh thự họ Vương được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết quyết định này khi cán bộ địa phương đưa những người họ hàng của ông ra khỏi dinh thự, với lý do dựa trên văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin. Những người này đã chuyển ra ngoài để cơ quan chức năng tiến hành trùng tu dinh thự) thì sau khi thực hiện xong việc trùng tu dinh thự, những người trước đây sống trong dinh thự họ Vương được quyền quay lại sống tiếp ở địa điểm này.

Cấp sổ đỏ đất dinh thự Vua Mèo cho Phòng Văn hóa thông tin có sai luật? - 3
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản photo do ông Bảo cung cấp.

“Bởi lẽ, Điều 23 Hiến pháp năm 1992 (áp dụng cho thời kỳ này) quy định: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường" - Luật sư Tú nói.

Tuy nhiên, theo thông tin ông Bảo cung cấp, sau khi trùng tu dinh thự, năm 2012 Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn sử dụng dinh thự này là không phù hợp.

Trong lịch sử phát triển đất nước, thông thường Nhà nước chỉ xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với một số trường hợp sau: Cải tạo công thương; Cải cách ruộng đất; Xác lập sở hữu nhà nước đối với đất vắng chủ.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với những bất động sản được tiến hành chủ yếu trong giai đoạn sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam.

Tuy nhiên, Dinh thự của gia tộc họ Vương không thuộc các trường hợp nêu trên vì vẫn có người tiến hành quản lý và sinh sống ổn định đến năm 2002, trước khi cơ quan chức năng buộc họ tạm chuyển ra ngoài để trùng tu di tích.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 14 Luật Di sản văn hóa thừa nhận: “Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa”. Luật Di sản văn hóa không đề cập đến vấn đề quốc hữu hóa tài sản cá nhân sau khi tiến hành trùng tu di tích. Điều 158 Luật Đất đai 2013 (Cũng như những luật đất đai được ban hành trước đây) cũng thừa nhận và bảo hộ quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nếu trên đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bởi vậy, dinh thự họ Vương là tài sản hợp pháp của dòng họ Vương nên được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu. Nếu dinh thự bị thu hồi trái quy định là vi phạm Hiến pháp – Luật sư Tú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Vương Chí Sình còn là người có công với cách mạng, là Đại biểu Quốc hội khóa I và II và được Nhà nước trao tặng huân chương “Đại đoàn kết dân tộc”. Việc gìn giữ dinh thự, tài sản làm nơi thờ cúng, gặp mặt họ hàng là nhu cầu tất yếu đối với các thế hệ sau của dòng họ Vương.

"Tôi thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành nên cân nhắc những yếu tố nói trên để xem xét một cách hợp lý, hợp tình, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dòng họ Vương", - Luật sư Tú nói.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, Ths. Ls Đặng Văn Cường cho rằng, theo thông tin công khai thì dưới góc độ pháp lý ông Vương Chính Đức là người đã tạo lập, xác lập quyền sở hữu tài sản đối với ngôi nhà và thửa đất này. Theo quy định của pháp luật về dân sự, luật đất đai và luật nhà ở thì ông Vương Chính Đức sẽ được công nhận quyền sở hữu tài sản, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Khi ông Vương Chính Đức còn sống thì vợ chồng ông có quyền định đoạt khối bất động sản này. Nếu ông Đức qua đời mà không có di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật (vợ, con ) ông có quyền quyết định đối với ngôi nhà và thửa đất này theo các quy định của Bộ luật dân sự, luật đất đai, luật nhà ở,... có liên quan.

Theo quy định của luật đất đai năm 2003 thì tổ chức, cá nhân nào có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật đất đai thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, nay là Điều 100, Điều 101 Luật đất đai năm 2013. Tương tự như vậy, Luật nhà ở năm 1990, Luật nhà ở năm 2014 cũng quy định chủ thể, điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà. Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 đều công nhận các căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, trong đó có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Trường hợp do lao động, sản xuất, xây dựng, tạo lập, nhận thừa kế... theo thủ tục luật định thì đều được Nhà nước xem xét công nhận quyền sở hữu tài sản.

Vì vậy, nếu trong quá trình sử dụng nhà đất nêu trên mà bản thân vợ chồng ông Vương Chính Đức, sau này là các con ông Vương Chính Đức không bán, không hiến tặng cho nhà nước, nhà nước không có quyết định thu hồi, trưng thu, trưng dụng nhà đất đối với nhà đất này thì việc UBND tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là không đúng quy định pháp luật.

Nếu chưa định đoạt nhà đất này, chưa bị nhà nước thu hồi, trưng thu, trưng dụng thì các con, cháu ông Vương Chính Đức có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính để đòi lại ngôi nhà và thửa đất nêu trên.

Còn trong trường hợp ngôi nhà và thửa đất trên đã bị Nhà nước quản lý trong các thời kỳ cải tạo nhà cửa hoặc chủ sở hữu hợp pháp khối bất động sản trên đã hiến tặng cho Nhà nước, thủ tục hiến tặng đã hoàn tất, hợp lệ thì nay các con, cháu ông Vương Chính Đức không đòi được nữa. Để làm rõ việc này thì những con, cháu của ông Vương Chính Đức có quyền khiếu nại hoặc kiến nghị tới UBND tỉnh Hà Giang để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề trên, trưa cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Đoàn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, trong đó, trực tiếp là Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra lại nội dung liên quan đến đơn kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình về quy trình cấp sổ đỏ cho dinh thự họ Vương. Ông Đoàn đề nghị phóng viên liên hệ thêm với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh để nắm thông tin.

Còn ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết, hiện tỉnh đang tiến hành rà soát lại việc cấp sổ đỏ này. Vị Giám đốc Sở từ chối cung cấp thêm các thông tin liên quan và nói, sẽ có trả lời cụ thể sau.

Trần Thanh